Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Vai trò của luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Vai trò của luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm vụ án hình sự

05/01/2022


 

VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA
TRONG XÉT XỬ TÁI THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

 

Luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm

Hình 1. Luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm

  Sự tham gia của luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự nói chung và giai đoạn xét xử tái thẩm nói riêng là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Luật Thịnh Trí tìm hiểu rõ về vấn đề này.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Xét xử tái thẩm vụ án hình sự là gì?

2. Địa vị pháp lý của luật sư trong tố tụng hình sự nói chung.

3. Vai trò của luật sư trong giai đoạn xét xử tái thẩm vụ án hình sự.

3.1. Giai đoạn chuẩn bị xét xử tái thẩm.

3.2. Trong phiên tòa xét xử tái thẩm.

1. Xét xử tái thẩm vụ án hình sự là gì?

  • Theo quy định của Điều 397 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì tái thẩm vụ án hình sự là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

2. Địa vị pháp lý của luật sư trong tố tụng hình sự nói chung

  • Hoạt động bào chữa và nghề luật sư xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Ở Việt Nam, nghề luật sư đã tồn tại từ trước Cách mạng tháng Tám với sắc lệnh ngày 25/05/1930 của Thực dân Pháp về việc tổ chức Hội đồng luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn.
  • Theo đó, bằng hoạt động của mình, tổ chức luật sư góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần vào việc giải quyết các vụ án được khách quan, đúng pháp luật. Xét về một phương diện nào đó, luật sư là chủ thể thực hiện pháp luật trong khuôn khổ pháp lý mà nhà nước quy định và tổ chức.
  • Trong điều kiện hiện nay, sự tham gia của luật sư trong các hoạt động xét xử tại Tòa án không chỉ đảm bảo dân chủ cho quá trình tố tụng mà còn là việc thực hiện quyền con người trong hoạt động tư pháp.
  • Đặc biệt, trong những năm gần đây, hình ảnh luật sư tham gia tố tụng trước Tòa án với các cuộc tranh luận gay cấn tại phiên tòa đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội. Luật sư có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự đồng thời giúp các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử vụ án được chính xác, khách quan hơn. 

Tham khảo bài viết: Một số vấn đề về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015.

3. Vai trò của luật sư trong giai đoạn xét xử tái thẩm vụ án hình sự

  • Xét xử tái thẩm là một thủ tục đặc biệt của tố tụng hình sự. Nếu một vụ án đi đến giai đoạn tái thẩm thì trách nhiệm và sự tận tâm của luật sư càng phải được củng cố và phát huy. Bởi lẽ, xét xử tái thẩm là cơ hội quan trọng nhằm quyết định số phận pháp lý đối với bị cáo trong trường hợp họ bị oan hoặc xét xử sai tội danh ở các giai đoạn xét xử trước đó.

 Vai trò của luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm

Hình 2. Vai trò của luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm

3.1. Giai đoạn chuẩn bị xét xử tái thẩm

  • Như đã nói ở trên, khi nhắc đến người bào chữa thường nghĩ ngay đến luật sư và luật sư là người bào chữa chuyên nghiệp. Sự tham gia của luật sư trong tố tụng hình sự nói chung và đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tái thẩm là vô cùng cần thiết.
    • Để tham gia phiên tòa tái thẩm có hiệu quả thì ngay trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tái thẩm, luật sư bào chữa sẽ tận dụng những khả năng và quyền của mình trong khuôn khổ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.
    • Đối với luật sư đã tham gia những phiên xét xử trước đó, họ đã nắm rõ hồ sơ vụ án, đánh giá được thực chất hành vi phạm tội của thân chủ. Trên cơ sở này, luật sư sẽ trao đổi với thân chủ về vấn đề làm như thế nào để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của thân chủ.
  • Như vậy, trong giai đoạn này luật sư đã định hướng nhanh chóng cho mình cách thức và phương hướng để bảo vệ thân chủ, khẳng định quan điểm của mình và đưa ra các lý lẽ, chứng cứ, chứng minh những điều bất hợp lý trong bản án trước đó.

3.2. Trong phiên tòa xét xử tái thẩm

  • Thứ nhất, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa: vai trò của luật sư được thể hiện ở những hoạt động sau đây:
    • Luật sư sẽ xem xét sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, lý do vắng mặt (chính đáng hay không chính đáng), xem xét đó có phải trường hợp hoãn phiên tòa hay không để có những kiến nghị cần thiết trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.
    • Trong trường hợp trước khi mở phiên tòa, luật sư đã có văn bản đề nghị triệu tập thêm người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người giám định nhưng họ vắng mặt tại phiên tòa thì luật sư sẽ đề nghị Hội đồng xét xử kiểm tra lại thủ tục triệu tập và lý do vắng mặt.
  • Thứ hai, trong phần xét hỏi:
    • Luật sư sẽ tập trung các tình tiết có liên quan đến kháng nghị, đồng thời đối chiếu, so sánh và phát hiện các điểm thống nhất, mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng.
    • Luật sư tích cực tham gia xét hỏi bị cáo, bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm rõ nội dung kháng nghị.
  • Thứ ba, trong phần tranh luận: Luật sư tận dụng tối đa quyền tranh luận để phân tích, lập luận, đưa ra những luận cứ, lý lẽ, bày tỏ quan điểm của mình để bảo vệ nội dung kháng nghị có lợi cho thân chủ hoặc bác bỏ nội dung bất lợi như yêu cầu tăng nặng về tội danh, hình phạt hoặc bồi thường thiệt hại.
  • Tất cả những hoạt động cũng như kiến nghị của luật sư nêu trên đều nhằm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ một cách tốt nhất. Những hoạt động này giúp luật sư chủ động trong việc bào chữa, bảo vệ cho thân chủ cũng như có các phương án giải quyết phù hợp với các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa.

Tham khảo thêm bài viết:
Quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Vai trò của luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm vụ án hình sự.
Thời gian truy tố khi giải quyết vụ án hình sự là bao lâu?
Quy định chung về thi hành án hình sự.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về vai trò của luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm vụ án hình sự. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí