Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xử phạt thế nào

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xử phạt thế nào

31/03/2022


TỘI LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ XÂM PHẠM
LỢI ÍCH CỦA NHÀ NƯỚC, QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP
CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BỊ XỬ PHẠT THẾ NÀO

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về quyền tự do dân chủ.

2. Các yếu tố cấu thành Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Khung hình phạt Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

  Việc thực hiện quyền tự do dân chủ của công dân phải đảm bảo trong khuôn khổ quy định pháp luật. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền tự do dân chủ? Khung hình phạt đối với Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào theo Bộ luật Hình sự hiện hành? Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Quyền tự do dân chủ

Quyền tự do dân chủ (ảnh minh họa)

1. Quy định về quyền tự do dân chủ

  • Theo Điều 24, 25 Hiến pháp 2013 quy định về quyền tự do dân chủ của công dân, cụ thể như sau:
  • Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật.
  • Công dân có quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội, hội họp. Các quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ quy định pháp luật, khi thực hiện phải tuân thủ các quy định pháp luật, không được ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Trong đó:
  • Quyền tự do báo chí là sáng tạo tác phẩm, cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin, phản hồi thông tin có liên quan đến báo chí.
  • Quyền tự do ngôn luận là ý kiến cá nhân, tiếp nhận, truyền đạt thông tin, tự do tìm kiếm thông tin trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
  • Quyền tự do hội họp là tập trung nhóm để trao đổi ý kiến về các lĩnh vực và vấn đề nhất định.
  • Quyền tự do lập hội là thành lập ra các hội, nhóm nhất định nhằm phục vụ cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
  • Ngoài ra, công dân còn có quyền ứng cử, bầu cử, tố cáo, khiếu nại,… theo quy định pháp luật.

2. Các yếu tố cấu thành Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

  • Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó, quy định cụ thể người nào lợi dụng các quyền tự do dân chủ đã nêu ở trên xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều luật này.
  • Các yếu tố cấu thành Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:
  1. Chủ thể của tội phạm: Bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
  2. Khách thể: Xâm phạm đến xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  3. Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi bằng lỗi cố ý.
  4. Mặt khách quan:
  • Người phạm tội xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác theo quy định pháp luật. Quyền tự do dân chủ là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp công nhận và bảo vệ, do đó, công dân có quyền thực hiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhưng không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác, không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước.
  • Hình thức của tội này rất đa dạng, ví dụ như tung tin không có thật gây hoang mang trong nhân dân (người phạm tội không biết tin mình tung ra là sai sự thật, những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, không được công khai đã bị người phạm tội loan truyền ra ngoài), viết báo đả kích cơ quan Nhà nước, khiếu nại, tố cáo, gây mất uy tín cho cán bộ, công chức... lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để phát trực tiếp đả kích Nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người khác.
  • Tội phạm được hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi nêu trên và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác, lợi ích Nhà nước đã bị xâm phạm.
  • Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể như thế nào là xâm phạm và mức độ xâm phạm như thế nào được cấu thành tội phạm, chưa quy định cụ thể như thế nào là “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

 Khung hình phạt Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Khung hình phạt Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (ảnh minh họa)

3. Khung hình phạt Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

  • Tùy theo tính chất, mức độ và hành vi, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, như sau:
  • Theo Khoản 1: Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bằng hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác.
  • Theo Khoản 2:  Bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
  • Trường hợp, người phạm tội nhận thức được tin mình tung ra là bịa đặt, không có thật và có mục đích xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vu khống. Cụ thể như sau:
  • Bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi: Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền; Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
  • Bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với 02 người trở lên; Có tổ chức; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Đối với người đang thi hành công vụ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
  • Bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Vì động cơ đê hèn; Làm nạn nhân tự sát; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm:

Xúc phạm, vu khống người khác trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào.
Nạn nhân phải làm gì khi bị chủ nợ tự ý đăng ảnh lên Facebook để đòi nợ.

Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích.
Chế định miễn trách nhiệm hình sự.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Khung hình phạt đối với Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Bộ luật Hình sự hiện nay của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.