Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định mới nhất về thủ tục tái thẩm vụ án hình sự

Quy định mới nhất về thủ tục tái thẩm vụ án hình sự

05/01/2022


QUY ĐỊNH MỚI NHẤT VỀ
THỦ TỤC TÁI THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

Thủ tục tái thẩm vụ án hình sự

Hình 1. Thủ tục tái thẩm vụ án hình sự

  Thủ tục tái thẩm trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn trước. Luật Thịnh Trí sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc những thông tin pháp lý quan trọng về vấn đề này.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Tái thẩm là gì?

2. Ý nghĩa của tái thẩm trong tố tụng hình sự.

3. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

4. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

5. Phiên tòa xét xử tái thẩm.

1. Tái thẩm là gì?

  • Một bản án được xét xử nghiêm minh, công bằng là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và cũng là mong muốn của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng một bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực nhưng vẫn bị phát hiện là có thiếu sót hoặc sai lầm. Lúc này, những bản án, quyết định nêu trên cần phải được xem xét và sửa chữa theo một thủ tục đặc biệt do pháp luật tố tụng hình sự quy định, đó là thủ tục tái thẩm.
  • Đặc điểm, tính chất của thủ tục tái thẩm đã được Điều 397 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cụ thể, có thể tóm tắt như sau:
    • Thứ nhất, đối tượng của tái thẩm là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
    • Thứ hai, tái thẩm không xét xử lại mà xem xét tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó;
    • Thứ ba, việc xét lại bản án, quyết định phải dựa trên kháng nghị của người có thẩm quyền.

2. Ý nghĩa của tái thẩm trong tố tụng hình sự

  • Tái thẩm có ý nghĩa pháp lý đặc biệt trong tố tụng hình sự. Tái thẩm khắc phục sai lầm về nội dung trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, công bằng, góp phần bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, bị cáo trong tố tụng hình sự.
  • Ngoài ra, thông qua hoạt động tái thẩm Tòa án cấp trên còn có thể tổng kết, rút kinh nghiệm công tác xét xử, hướng dẫn xét xử cho Tòa án cấp dưới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ xét xử.

3. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

  • Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm tại Điều 398 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong bốn căn cứ sau đây:
    • Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;
    • Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;
    • Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
    • Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
  • Các căn cứ nêu trên thường là những phương tiện quan trọng để Tòa án sử dụng nhằm xác định sự thật vụ án và mang tính chất quyết định đối với vụ án đang được giải quyết. Chính vì vậy, nếu những căn cứ này bị giả mạo sẽ dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án hình sự.

4. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

  • Việc xác định người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm sẽ có sự khác nhau giữa các bản án, quyết định do Tòa án các cấp ban hành. Cụ thể Điều 400 quy định như sau:
    • Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm;
    • Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực thì Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm;
    • Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Tham khảo bài viết: Một số vấn đề về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015.

5. Phiên tòa xét xử tái thẩm

  • Theo quy định tại Điều 403 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì thủ tục tiến hành phiên tòa tái thẩm cũng được thực hiện như phiên tòa giám đốc thẩm.
  • Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên của Hội đồng tái thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Sau đó, đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án.
  • Trong trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
  • Cuối cùng các thành viên của Hội đồng tái thẩm thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án.
  • Về phạm vi xét xử tái thẩm: Việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là nhằm xác định tình tiết mới được phát hiện. Về nguyên tắc, Tòa án tái thẩm chỉ tập trung vào việc xem xét lại phần bị kháng nghị.

 Phiên tòa xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Hình 2. Phiên tòa xét xử tái thẩm vụ án hình sự

  • Lưu ý rằng:
    • Đối với việc tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
    • Đối với tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Tham khảo thêm bài viết:
Quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Thời gian truy tố khi giải quyết vụ án hình sự là bao lâu?
Quy định chung về thi hành án hình sự.
Chi phí tố tụng và Trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về thủ tục xét xử tái thẩm vụ án hình sự. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí