Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Phân tích tâm lý tội phạm

Phân tích tâm lý tội phạm

19/03/2022


PHÂN TÍCH TÂM LÝ TỘI PHẠM

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Tâm lý tội phạm là gì?

2. Các yếu tố liên quan đến tâm lý tội phạm.

3. Điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.

4. Các loại tội phạm hiện nay.

  Hiện nay, các hành vi phạm tội ngày càng manh động, hình thức phạm tội đa dạng, tinh vi, nhiều thủ đoạn phức tạp do đó công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải được nâng cao, kịp thời. Trong đó, việc nắm bắt tâm lý tội phạm là một trong những yếu tố quan trọng khi giải quyết các vụ án hình sự, các vụ án trọng điểm. Như vậy, tâm lý tội phạm được hiểu như thế nào?  Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Tâm lý tội phạm

Tâm lý tội phạm (ảnh minh họa)

1. Tâm lý tội phạm là gì?

  • Tâm lý tội phạm là diễn biến tư tưởng, suy nghĩ của tội phạm về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết và thực hiện hành tội phạm, sự hình thành nên ý đồ phạm tội, tâm lý phạm tội và những phương thức, biện pháp thực hiện tội phạm.
  • Trong công tác đấu tranh về phòng, chống tội phạm thì các cơ quan thi hành pháp luật phải nghiên cứu, phân tích, nắm bắt được tâm lý tội phạm; về hoàn cảnh phạm tội, điều kiện chuẩn bị và thực hiện hành vi phạm tội vì mỗi tội phạm sẽ có một trạng thái tâm lý riêng.
  • Hiện nay, vấn đề “tâm lý tội phạm” là một trong những bộ môn trong ngành tâm lý học tội phạm, bộ môn đưa ra các phương pháp, biện pháp phù hợp với yêu cầu đấu tranh, khai thác, cảm hóa giáo dục đối tượng, phân tích đặc điểm về điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, hành vi phạm tội, sự hình thành nên tâm lý tội phạm, nhân cách tội phạm và nhóm tội phạm góp phần giải quyết các vụ án hình sự, đưa ra các biện pháp phòng ngừa xã hội, điều tra khám phá tội phạm cũng như giáo dục, cải tạo những người phạm tội.

 Các yếu tố liên quan đến tâm lý tội phạm

Các yếu tố liên quan đến tâm lý tội phạm (ảnh minh họa)

2. Các yếu tố liên quan đến tâm lý tội phạm

  • Các yếu tố liên quan đến tâm lý tội phạm bao gồm về nhu cầu, lợi ích, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội và quyết định thực hiện hành vi phạm tội.
  • Có thể thấy rằng mọi hành động của con người dù là gián tiếp hay trực tiếp đều có liên quan đến sự thỏa mãn nhu cầu, do đó, nhu cầu phản ánh sự phụ thuộc của con người vào môi trường bên ngoài. Con người luôn có nhu cầu, tạo thành hệ thống nhu cầu của người đó, chẳng hạn như nhu cầu tự nhiên (ăn, uống,...), nhu cầu tinh thần, nhu cầu lao động, nhu cầu giao tiếp, học tập,...
  • Lợi ích là phát sinh từ nhu cầu đến hành vi, là sự nhận thức nhu cầu và đánh giá nhu cầu với những điều kiện, công cụ, phương tiện thực hiện đang có. Lợi ích được thể hiện ở mối quan hệ của cá nhân đối với điều kiện hiện tại, hoặc ước muốn ở kế hoạch hoạt động trong tương lai.
  • Các yếu tố tâm lý bên trong tác động, thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội được hiểu là động cơ phạm tội. Đó có thể là những cảm xúc, tình cảm, mong muốn, những hình ảnh tâm lý,... Khi nhu cầu không được đáp ứng, không được thỏa mãn, dưới sự tác động tương thích của các điều kiện bên ngoài dẫn đến động cơ. Đây là động cơ học trong quá trình tâm lý học.
  • Cơ sở để tạo nên động cơ phạm tội là những nhu cầu về tinh thần, vật chất, các lợi ích sai lệch của người thực hiện hành vi phạm tội nhận rõ được hành vi đó là trái pháp luật xã hội nhưng vẫn thực hiện hoặc những tư tưởng sai lệch dẫn đến hành vi phạm tội cả người thực hiện hành vi phạm tội.
  • Trường hợp phạm tội cố ý thì động cơ phạm tội là cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội để đạt được mục đích phạm tội. Nếu tội phạm vô ý người phạm tội không mong muốn thực hiện tội phạm vì khi thực hiện hành vi phạm tội bên trong chủ thể không có động cơ phạm tội thúc đẩy.
  • Động cơ phạm tội không làm thay đổi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, song có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội. Động cơ phạm tội là cơ sở để định tội, định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
  • Mục đích phạm tội là những mong muốn hình thành trong ý thức người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội nhận thức rõ được tính chất nguy hiểm cho xã hội khi thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội, thấy trước hậu quả xảy ra, mong muốn xảy ra nhằm đạt được mục đích nhất định.
  • Quyết định thực hiện hành vi phạm tội là sự lựa chọn cuối cùng của người phạm tội sau khi đã có nhu cầu, mục đích phạm tội, động cơ phạm tội, lập các kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội.
  • Quyết định thực hiện hành vi phạm tội có thể xuất phát từ những khuôn mẫu hành động đã có trong quá khứ hoặc đưa ra quyết định thực hiện hành vi ngay dưới tác động trực tiếp của tình huống phạm tội hoặc sau một quá trình đấu tranh tư tưởng quyết định thực hiện hành vi phạm tội đó.

3. Điều kiện, hoàn cảnh phạm tội

  • Mỗi hành vi phạm tội được thực hiện trong một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể về không gian, thời gian và những sự kiện có liên quan đến hành vi phạm tội. Đây được xem là mặt khách quan của tội phạm, là các yếu tố tác động bên ngoài. Điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài có ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng và thực hiện hành vi phạm tội, chính những tác động bên ngoài môi trường sống đã làm cho nhu cầu của cá nhân chưa thỏa mãn dẫn đến phát sinh những động cơ phạm tội, những tư tưởng, ý thức sai lệch, thực hiện những hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
  • Việc xác định được hoàn cảnh phạm tội rất quan trọng, là yếu tố trong việc định khung hình phạt tương ứng với tội danh vì hoàn cảnh là điều kiện khách quan được người phạm tội sử dụng để đạt được mục đích phạm tội của mình.

4. Các loại tội phạm hiện nay

  • Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì có 04 loại tội phạm hiện nay như sau:
  • Tội phạm ít nghiêm trọng: Được xác định dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, khung hình phạt quy định đối với tội phạm này là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
  • Tội phạm nghiêm trọng: Được xác định dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội được pháp luật quy định mức độ xảy ra lớn hơn tội phạm ít nghiêm trọng, khung hình phạt quy định đối với tội phạm này là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.
  • Tội phạm rất nghiêm trọng: Được xác định dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội được pháp luật quy định mức độ xảy rất lớn, khung hình phạt quy định đối với tội phạm này là từ trên 07 năm đến 15 năm tù.
  • Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Được xác định dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội được xác định là đặc biệt lớn, khung hình phạt quy định đối với tội phạm này là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Xem thêm:

Tội phạm là gì? Các loại tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự mới nhất.
Một số vấn đề về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015.

Như thế nào là cố ý phạm tội và vô ý phạm tội ?
Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về phân tích tâm lý tội phạm của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.