Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Đơn tố cáo và một số điều cần lưu ý

Đơn tố cáo và một số điều cần lưu ý

31/03/2022


ĐƠN TỐ CÁO VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Đơn tố cáo và một số điều cần lưu ý

Hình 1. Đơn tố cáo và một số điều cần lưu ý

  Thực tế cho thấy khi nhắc đến tố cáo, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến tố cáo tội phạm hình sự. Thế nhưng theo pháp luật Việt Nam thì phạm vi tố cáo rộng hơn thế, hầu như là ở mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác về tố cáo mà không phải ai cũng biết. Do đó, bài viết này sẽ chỉ ra những vấn đề cần lưu ý khi muốn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người khác.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Có thể tố cáo người khác trong những trường hợp nào?

2. Một số lưu ý khi làm đơn tố cáo.

2.1 Về nội dung đơn tố cáo.

2.2 Về thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo.

2.3 Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo.

2.4 Một số lưu ý khác.

1. Có thể tố cáo người khác trong những trường hợp nào?

  • Hiện nay, khái niệm tố cáo được ghi nhận tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố Cáo 2018. Theo đó, tố cáo được hiểu một cách đơn giản là báo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức khác. 
  • Thông qua khái niệm nêu trên, có thể thấy rằng việc tố cáo không hề bị giới hạn bởi bất kỳ lĩnh vực nào, từ những tội hình sự cho đến những hành vi vi phạm lợi ích của một tổ chức, cá nhân nào đó, thì đều có thể tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền.
  • Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại khoản 2, 3 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 thì tố cáo có thể được chia ra làm 2 trường hợp, đồng thời việc phân loại này sẽ ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết tố cáo:
    • Tố cáo hành vi vi phạm khi đang thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
  • Ví dụ: Chủ tịch UBND phường A thêm tên anh B (là người thân) vào danh sách người được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt, dù người thân không thuộc diện được hỗ trợ.
    • Tố cáo hành vi vi phạm khác không thuộc trường hợp trên.
  • Ví dụ: Tố cáo hàng xóm xây nhà xâm chiếm đất mình, tố cáo hành vi ăn trộm,...

2. Một số lưu ý khi làm đơn tố cáo

  • Để có thể đảm bảo mình thực hiện đúng thủ tục, tránh trường hợp bị trả lại đơn, cũng như đảm bảo được quyền và lợi ích của bản thân, người tố cáo cần phải nắm rõ những lưu ý sau:

2.1 Về nội dung đơn tố cáo

  • Khi thực hiện việc tố cáo, nội dung đơn tố cáo là vấn đề vô cùng quan trọng bởi lẽ nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thụ lý đơn tố cáo. Đầu tiên, nội dung đơn tố cáo phải được viết bằng tiếng Việt, và song song đó đơn tố phải có những nội dung sau:
    • Ngày, tháng, năm tố cáo;
    • Họ tên người tố cáo;
    • Địa chỉ của người tố cáo;
    • Cách thức liên hệ với người tố cáo;
    • Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;
    • Thông tin về người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan (họ tên, nơi làm việc,...)

2.2 Về thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo:

  • Như đã đề cập trước đó, tùy vào trường hợp tố cáo sẽ có sự khác nhau về cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể như sau:
    • Thứ nhất, căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo 2018 đối với đơn tố cáo cá nhân có thẩm quyền, thông thường sẽ do người đứng đầu cơ quan mà cá nhân đó đang làm việc giải quyết.  Riêng trường hợp tố cáo cá nhân đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì sẽ do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết.
    • Thứ hai, căn cứ theo khoản 1 Điều 41 Luật Tố cáo 2018 đối với đơn tố cáo những hành vi vi phạm không phải trong lúc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, thì nội dung tố cáo liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
  • Ví dụ: A bị B lừa đảo mất 100 triệu, sau khi phát hiện mình bị lừa A tố cáo việc B đã làm lên công an xã, phường, thị trấn.

2.3 Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

  • Không chỉ về thẩm quyền mà vấn đề về quyền và nghĩa vụ cũng là những yếu tố tiếp theo mà người tố cáo cần phải nắm rõ để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình cũng như đảm bảo được quá trình tố cáo được diễn ra thuận lợi. Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được ghi nhận tại Điều 9 Luật Tố Cáo 2018, cụ thể:
    • Được yêu cầu những người có liên quan giữ bí mật thông tin cá nhân như là họ tên, địa chỉ, bút tích,...;
    • Được thông báo khi có quyết định liên quan tới đơn tố cáo từ cơ quan có thẩm quyền;
    • Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ bản thân;
  • Nhằm giúp quá trình xử lý tố cáo được diễn ra thuận lợi thì tương ứng với các quyền, người tố cáo cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng những nghĩa vụ sau đây:
    • Cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ);
    • Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
    • Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

 . Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

Hình 2. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

2.4 Một số lưu ý khác

  • Bên cạnh 2 yếu tố trên cần phải, người tố cáo cũng cần phải lưu ý đến những điều sau:
    • Người tố cáo phải có đủ năng lực hành vi dân sự (đủ 18 tuổi, đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình), tuy nhiên trong trường hợp chưa đủ 18 tuổi thì nếu có người đại diện theo pháp luật thì vẫn có thể tố cáo theo Điều 29 Luật Tố cáo 2018;
    • Người tố cáo có thể lựa chọn viết đơn và đem nộp đến cơ quan có thẩm quyền, hoặc đến thẳng cơ quan có thẩm quyền để tố cáo trực tiếp và sẽ được hướng dẫn viết đơn tại cơ quan theo Điều 23 Luật Tố cáo 2018;
    • Người tố cáo vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi cố ý tố cáo sai sự thật và gây ra thiệt hại cho người khác theo Điều 9 Luật Tố cáo 2018;
    • Khi tố cáo sai sự thật, người tố cáo có thể bị xử lý vì cố ý tố cáo sai sự thật bởi cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của người xử lý tố cáo hoặc người bị tố cáo theo Điều 10 và Điều 36 Luật Tố cáo 2018;
    • Trường hợp nhiều người cùng tố cáo một hành vi, thì đơn tố cáo phải có đủ thông tin cá nhân của từng người tố cáo theo Điều 23 Luật Tố cáo 2018;
    • Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Tuy nhiên tùy vào độ phức tạp của vụ việc nên thời hạn này có thể gia hạn từ 1 đến 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Nếu như quá thời hạn mà không ai giải quyết thì người tố cáo có thể tố cáo tiếp lên cơ quan cấp cao hơn trực tiếp theo Điều 30 và 38 Luật Tố cáo 2018.
  • *Trong trường hợp tố cáo cá nhân có thẩm quyền vi phạm trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thì vào thời điểm tố cáo, người bị tố cáo không nhất thiết phải còn là cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 2 Luật Tố cáo 2018.

Tham khảo thêm bài viết:

Khiếu nại về thi hành án dân sự.
Khiếu nại trong tố tụng dân sự.

Như thế nào là cố ý phạm tội và vô ý phạm tội ?
Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về đơn tố cáo và một số điều cần lưu ý. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí