Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Khiếu nại trong tố tụng dân sự

Khiếu nại trong tố tụng dân sự

27/01/2022


KHIẾU NẠI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Hình 1. Khiếu nại trong tố tụng dân sự

  Tùy từng lĩnh vực khác nhau mà quyền khiếu nại sẽ được thực hiện khác nhau. Theo đó, quyền khiếu nại trong lĩnh vực tố tụng dân sự hiện được quy định rất chi tiết bởi pháp luật tố tụng dân sự.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm khiếu nại.

2. Chủ thế khiếu nại.

2.1. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại.

2.2. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại.

3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

4. Đơn khiếu nại.

1. Khái niệm khiếu nại

  • Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp 2013 và là một trong những nội dung quan trọng thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân Việt Nam. Trên tinh thần đó, pháp luật dân sự đã cụ thể hóa quyền khiếu nại bằng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015.
  • Theo Điều 25 BLTTDS 2015, khiếu nại trong tố tụng dân sự là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại hành vi, quyết định tố tụng dân sự của các cơ quan/người tiến hành tố tụng nào đó khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
  • Ở đây, các hành vi, quyết định tố tụng dân sự được hiểu là các hành vi, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp được quy định trong các văn bản pháp luật về tố tụng dân sự. Ví dụ: Hành vi từ chối nhận đơn khởi kiện của cán bộ Tòa án hoặc quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thẩm phán,...
  • Cần lưu ý rằng, không phải tất cả các quyết định trong tố tụng dân sự của Tòa án khi bị khiếu nại đều được giải quyết theo quy định tại chương XLI của BLTTDS. Đối với các bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành, nếu có khiếu nại thì được giải quyết theo các quy định tương ứng của BLTTDS 2015.
  • Ví dụ: Bản án sơ thẩm của Tòa án nếu bị kháng cáo thì sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục tại Chương XV BLTTDS 2015.
  • Ngoài ra, thời hiệu khiếu nại cũng là vấn đề mỗi công dân cần lưu tâm, cụ thể người khiếu nại được quyền khiếu nại trong 15 ngày, kể từ ngày người này nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

2. Chủ thế khiếu nại

  • Chủ thể của khiếu nại trong tố tụng dân sự được xác định bao gồm người khiếu nại và người bị khiếu nại với các quyền và nghĩa vụ khác nhau theo quy định pháp luật.

2.1. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại

  • Người khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
  • Theo đó, người khiếu nại có các quyền sau đây:
    • Tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khiếu nại;
    • Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án;
    • Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;
    • Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
    • Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
  • Ngoài ra, người khiếu nại cũng cần lưu ý về các nghĩa vụ sau đây:
    • Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
    • Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
    • Không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án;
    • Chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại;
    • Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

2.2. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại

  • Người bị khiếu nại là cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự bị cá thân, cơ quan, tổ chức khiếu nại.  Theo đó, người bị khiếu nại có các quyền sau đây:
    • Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong tố tụng bị khiếu nại;
    • Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi trong tố tụng của mình.
  • Cùng với đó, người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
    • Giải trình về quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
    • Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;
    • Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn hoặc khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

  • Việc xác định ai là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người khiếu nại. Bởi lẽ, điều này giúp người khiếu nại hiểu đúng quy định pháp luật, tránh những sai sót và không bị mất thời gian trong quá trình soạn - nộp đơn và chờ xử lý.
  • Như đã nhắc đến trước đó, việc gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và một trong những nội dung quan trọng của nghĩa vụ mà người khiếu nại cần thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp đơn khiếu nại được gửi đến cơ quan không đúng thẩm quyền thì cơ quan này phải hướng dẫn cho công dân hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
  • Về nguyên tắc, người lãnh đạo các cơ quan nhà nước đều phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi, hoạt động công vụ do cán bộ, công chức của cơ quan mình và cấp dưới thực hiện. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự được xác định như sau:
    • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Phó Chánh án, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm Nhân dân do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ việc có thẩm quyền giải quyết. Ví dụ: Khiếu nại hành vi trả đơn khởi kiện của Thẩm phán A tại Tòa án nhân dân huyện X thì Chánh án Tòa án huyện X là người có thẩm quyền giải quyết.
    • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án do Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết. Ví dụ: Khiếu nại “Quyết định phân công Thẩm phán xét xử vụ án” của Chánh án Toà án huyện X, tỉnh Y thì Chánh án Tòa án tỉnh Y là người có thẩm quyền giải quyết.
    • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.
    • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.
  • Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát trên một cấp trực tiếp giải quyết.
  • Theo đó, sau khi xét thấy đơn đủ các điều kiện về hình thức và đúng thẩm quyền, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nêu trên cần xử lý đơn khiếu nại trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp với những vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được gia hạn thêm 15 ngày nữa (là 30 ngày).

4. Đơn khiếu nại

 Đơn khiếu nại

Hình 2. Đơn khiếu nại

  • Người có quyền khiếu nại có thể khiếu nại bằng cách nộp đơn hoặc khiếu nại trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, về cơ bản, đơn khiếu nại cần thể hiện đầy đủ các nội dung cơ bản như :
    • Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại. Việc này cũng đóng vai trò giúp người tiếp nhận đơn đánh giá nội dung và xác định cơ quan có thẩm quyền thụ lý xử lý đơn khiếu nại.
    • Nội dung, lý do khiếu nại và tài liệu liên quan đến nội dung sự việc và yêu cầu của người khiếu nại. Các thông tin này giúp người xử lý hiểu rõ vấn đề cũng như mong muốn, nguyện vọng của người nộp đơn.
    • Ngoài ra, ngày tháng năm cùng thông tin tên, địa chỉ và chữ ký (hoặc điểm chỉ) của người khiếu nại cũng là những nội dung quan trọng cần có khi soạn đơn khiếu nại . Điều này giúp cơ quan tổ chức có thẩm quyền xác định rõ các đối tượng liên quan, thời hạn thời hiệu xử lý,...

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Những vấn đề cần biết về việc ủy quyền.

Xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.
Quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về khiếu nại trong tố tụng dân sự. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí