Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Người lao động có hành vi trộm tài sản của công ty có bị sa thải không?

Người lao động có hành vi trộm tài sản của công ty có bị sa thải không?

31/03/2022


NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ HÀNH VI TRỘM TÀI SẢN
CỦA CÔNG TY CÓ BỊ SA THẢI KHÔNG?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Trộm cắp tài sản công ty là gì?

2. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động trộm cắp tài sản công ty.

3. Trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản công ty.

  Hành vi trộm cắp tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác, người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Hiện nay, nhiều đối tượng là người lao động lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của công ty đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nhiều tài sản bị trộm có giá trị lớn. Vậy khi bị phát hiện, người thực hiện hành vi trộm tài sản sẽ bị xử lý hình thức như thế nào? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết về các điều nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Hành vi trộm cắp tài sản công ty

Hành vi trộm cắp tài sản công ty (ảnh minh họa)

1. Trộm cắp tài sản công ty là gì?

  • Người lao động thực hiện thủ đoạn lén lút, lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của công ty. Khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản công ty, người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi của mình và bằng mọi cách thực hiện hành vi mà người bị hại không phát hiện ra.

2. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động trộm cắp tài sản công ty

  • Theo quy định Bộ luật Lao động năm 2019 thì có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động là khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; sa thải.
  • Trường hợp, tại nơi làm việc của công ty, người lao động có hành vi trộm cắp, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản thì bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019.
  • Việc xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải về hành vi trộm cắp tài sản của công ty đối với người lao động phải đảm bảo theo nguyên tắc, trình tự thủ tục tại Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
  • Đối với người sử dụng lao động: Phải chứng minh được lỗi của người lao động có hành vi trộm cắp tài sản công ty.
  • Đối với người lao động: Phải có mặt khi xử lý kỷ luật và có quyền tự bào chữa hoặc nhờ tổ chức đại diện người lao động bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa (nếu người lao động dưới 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật).
  • Việc xử lý kỷ luật người lao động phải được ghi thành biên bản và có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật vì hành vi trộm cắp tài sản là thành viên.
  • Chỉ được áp dụng một hình thức xử lý kỷ luật cho người lao động có hành vi trộm cắp tài sản. Như vậy, nếu người lao động bị áp dụng hình thức sa thải thì không áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động khác.
  • Chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất khi một người lao động thực hiện nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động một lúc.
  • Khi xử lý kỷ luật lao động nghiêm cấm các hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người lao động; nghiêm cấm phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; nghiêm cấm việc xử lý lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không nằm trong thỏa thuận hợp động đã giao kết hoặc pháp luật lao động không có quy định hoặc không được quy định trong nội quy lao động tại công ty.
  • Lưu ý: Một số trường hợp người lao động nghỉ ốm đau, điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi trộm cắp tài sản; đang bị tạm giam, tạm giữ; lao động nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng thì không được xử lý kỷ luật lao động trong thời gian này đối với người lao động.
  • Đối với người lao động bị mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình vi phạm kỷ luật lao động thì không xử lý kỷ luật lao động.

 Trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản công ty

Trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản công ty (ảnh minh họa)

3. Trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản công ty

  • Tùy vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà người lao động thực hiện hành vi trộm cắp tài sản công ty sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
  • Xử lý hình sự:
  • Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

1. Người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

b) Đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168 (tội cướp tài sản), 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (tội cướp giật tài sản), 172 (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), 175 (tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật Hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 c) Tài sản là cổ vật, di vật.

 d) Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

 đ) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình của người bị hại.

2. Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt;

 d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

đ) Tài sản là bảo vật quốc gia;

e) Hành hung để tẩu thoát;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh;

 b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

 4. Người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, hoàn cảnh chiến tranh.

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

-Xử lý vi phạm hành chính: Người lao động thực hiện hành vi trộm cắp tài sản công ty có giá trị dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Xem thêm:

Sa thải bằng miệng có hợp pháp không, người lao động nên làm gì để đòi quyền lợi?
Doanh nghiệp nên lưu ý các hình thức xử lý kỷ luật lao động năm 2021.

Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích.
Chế định miễn trách nhiệm hình sự.

  • Trên đây là nội dung Người lao động có hành vi trộm tài sản của công ty có bị sa thải không của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.