Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Khi nào hợp đồng lao động bị vô hiệu?

Khi nào hợp đồng lao động bị vô hiệu?

06/08/2022


KHI NÀO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
BỊ VÔ HIỆU?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khi nào hợp đồng lao động bị vô hiệu?

2. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?

3. Quy định pháp luật về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu.

3.1. Đối với hợp đồng vô hiệu từng phần.

3.2. Đối với hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

  • Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong một số trường hợp nhất định, hợp đồng lao động có thể bị vô hiệu. Hãy cùng Luật Thịnh Trí tìm hiểu.

Khi nào hợp đồng lao động bị vô hiệu?
Hình 1. Khi nào hợp đồng lao động vô hiệu?

1. Khi nào hợp đồng lao động bị vô hiệu?

  Hiện nay, Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 có ghi nhận các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu, bao gồm: hợp đồng lao động vô hiệu từng phần và hợp đồng lao động vô hiệu toàn phần.

  • Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần được hiểu là hợp đồng có phần nội dung vi phạm pháp luật nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của hợp đồng.
  • Ví dụ: Bộ luật Lao động chỉ cho phép tối đa thời giờ làm việc bình thường là 48 tiếng 01 tuần. Thế nhưng trong hợp đồng lao động quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 66 tiếng trong 01 tuần thì phần về thời giờ làm việc này vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng các phần còn lại, đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu từng phần.
  • Hợp đồng lao động vô hiệu toàn phần có thể xảy ra trong 03 trường hợp sau:
  • Một là, toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
  • Hai là, người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động về tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
  • Ba là, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
  • Ví dụ: Hợp đồng lao động thỏa thuận về việc người lao động sẽ vận chuyển ma túy cho người sử dụng lao động sẽ vô hiệu toàn phần vì công việc đã giao kết giữa hai bên bị pháp luật cấm.

2. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?

  • Về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, tại Điều 50 Bộ luật Lao động 2019 thì Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
  • Có nghĩa là, khi hợp đồng lao động mà các bên đã ký kết rơi vào trường hợp vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn phần, hợp đồng lao động đó không bị vô hiệu ngay mà phải được thông qua bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Hay nói cách khác, Tòa án nhân dân là chủ thể duy nhất có thể tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

3. Quy định pháp luật về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu:

 Xử lý hợp đồng vô hiệu
Hình 2. Xử lý hợp đồng vô hiệu.

  • Sau khi Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, các bên trong quan hệ lao động phải xử lý hệ quả của hợp đồng lao động vô hiệu.

3.1. Đối với hợp đồng vô hiệu từng phần:

  • Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Lao động 2019, đối với hợp đồng lao động bị vô hiệu từng phần thì phần nội dung bị vô hiệu sẽ phải được sửa đổi, bổ sung bởi nội dung khác không vi phạm pháp luật. Do đó, người sử dụng lao động và người lao động phải tiến hành thay thế phần nội dung bị tuyên vô hiệu để phù hợp với pháp luật và thỏa ước lao động tập thể.
  • Ví dụ: Trong hợp đồng lao động quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 66 tiếng trong 01 tuần thì phần về thời giờ làm việc này vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng các phần còn lại, đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu từng phần. Do đó, để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng các bên phải tiến hành thay thế nội dung thời giờ làm việc, cụ thể Bộ luật Lao động chỉ cho phép tối đa thời giờ làm việc bình thường là 48 tiếng 01 tuần.

3.2. Đối với hợp đồng vô hiệu toàn bộ:

  • Cần hiểu một cách tổng quát rằng việc xử lý quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các bên được nhắc đến trong mục này là quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động bị tuyên vô hiệu.
  • Căn cứ Điều 10 tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khi hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ, người sử dụng lao động và người lao động sẽ có 02 sự lựa chọn:
  • Hai bên tiếp tục quan hệ lao động:
  • Ký lại hợp đồng lao động nếu vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động;
  • Giao kết hợp đồng lao động mới nếu vô hiệu do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm.
  • Hai bên kết thúc quan hệ lao động:
  • Không ký lại hợp đồng lao động khi vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động;
  • Không giao kết hợp đồng lao động mới khi vô hiệu do do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm.
  • Ví dụ: Đối với hợp đồng lao động vô hiệu toàn phần do thỏa thuận về việc người lao động sẽ vận chuyển ma túy cho người sử dụng lao động sẽ không được giao kết lại vì công việc đã giao kết giữa hai bên bị pháp luật cấm.
  • Cần phải lưu ý rằng, việc chọn tiếp tục hay kết thúc quan hệ lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động vô hiệu sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật lao động và thỏa ước lao động tập thể.

Tham khảo thêm bài viết:

Những điểm mới về lương, thưởng theo Bộ luật lao động 2019.

Người sử dụng lao động điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong trường hợp nào?

Quy định về thời giờ nghỉ ngơi theo BLLĐ 2019.

Người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hợp đồng lao động vô hiệu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến hợp đồng lao động theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí