Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hình phạt Tội bức tử quy định tại Bộ luật Hình sự hiện nay

Hình phạt Tội bức tử quy định tại Bộ luật Hình sự hiện nay

19/03/2022


HÌNH PHẠT TỘI BỨC TỬ
QUY ĐỊNH TẠI BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN NAY

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Tội bức tử là gì?

2. Các yếu tố cấu thành tội bức tử.

3. Khung hình phạt đối với Tội bức tử.

4. Ví dụ về Tội bức tử.

  Bức tử là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể về chế tài hình phạt đối với tội này. Bài viết sau đây sẽ phân tích về các yếu tố cấu thành tội bức tử và khung hình phạt, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Tội bức tử

Tội bức tử (ảnh minh họa)

1. Tội bức tử là gì?

  • Tội bức tử đã được áp dụng kể từ khi có Bộ luật Hình sự năm 1985 cho đến nay tiếp tục được kế thừa tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Có thể thấy rằng quy định pháp luật thể hiện được tính chất răn đe, nghiêm trị đối với những người hành vi phạm tội bức tử.
  • Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện này, người nào có hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ngược đãi, ức hiếp hoặc làm nhục người lệ thuộc mình khiến cho người đó tự sát thì được xem là Tội bức tử.

2. Các yếu tố cấu thành tội bức tử

  • Chủ thể của tội phạm: Bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, người có quan hệ lệ thuộc nhất định với nạn nhân, ví dụ như lệ thuộc về kinh tế, quan hệ việc làm, công tác, quan hệ tín ngưỡng, hay quan hệ hôn nhân và gia đình,...
  • Khách thể của tội phạm: Xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con người.
  • Về mặt chủ quan của tội phạm:
  • Người phạm tội có hành vi lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý.
  • Lỗi cố ý gián tiếp: Người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho người bị hại, có thể dẫn đến việc người bị hại tự sát, tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
  • Lỗi vô ý:
  • Vô ý do quá tự tin: Người thực hiện hành vi phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể làm cho người bị hại sự sát nhưng cho rằng người bị hại sẽ không tự sát hoặc có thể ngăn người bị hại tự sát được.
  • Vô ý do quá cẩu thả: Người thực hiện hành vi phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước việc người bị hại tự sát.
  • Về mặt khách quan của tội phạm:
  • Thực hiện hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình, ví dụ như thường xuyên đánh đập, bắt nhịn vệ sinh, không cho ăn uống, bắt làm những việc nặng nhọc,... làm cho người bị hại đau đớn về thể chất, làm tổn hại đến sức khỏe của người bị hại.
  • Thực hiện hành vi thường xuyên ức hiếp người lệ thuộc mình, ví dụ như xâm phạm đến các quyền, lợi ích của người bị hại, đối xử bất công, gây bế tắc cho người bị hại trong một thời gian dài.
  • Thực hiện hành vi làm nhục hoặc ngược đãi người lệ thuộc mình, ví dụ như chửi mắng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người bị hại, thực hiện hành vi miệt thị, bỉ ổi gây tổn hại đến người bị hại
  • Về hậu quả tội phạm: Những hành vi nêu trên được sử dụng thường xuyên với người bị hại dẫn đến người bị hại bị khủng hoảng tinh thần, không còn niềm tin vào cuộc sống nên đã thực hiện hành vi tự sát.
  • Việc nạn nhân tự sát nhưng cứu sống kịp thời hoặc không cứu được dẫn đến việc nạn nhân chết không có ý nghĩa trong việc định tội mà có ý nghĩa trong lượng hình. Thực tiễn, nếu nạn nhân không chết thì ít bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp có hành vi đối xử quá tàn ác, ngược đãi, làm nhục bị xã hội lên án hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác, như Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự; Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật Hình sự.
  • Về người bị hại: là người lệ thuộc về một hoặc nhiều mặt vào người phạm tội, chẳng hạn như:
  • Nạn nhân lệ thuộc vào kinh tế của người phạm tội, người phạm tội cung cấp tiền bạc, vật chất, chi phí, ăn ở, sinh hoạt để nạn nhân duy trì cuộc sống bản thân hoặc gia đình.
  • Nạn nhân lệ thuộc vào quan hệ công tác với người phạm tội, ví dụ như người phạm tội là thủ trưởng, giám đốc, cấp trên gây sức ép đến nạn nhân.
  • Nạn nhân lệ thuộc vào tôn giáo, như tín đồ với người có chức sắc trong tôn giáo.
  • Nạn nhân lệ thuộc theo kiểu thầy cô giáo với học sinh, thầy thuốc với bệnh nhân,...

Khung hình phạt Tội bức tử

Khung hình phạt Tội bức tử (ảnh minh họa)

3. Khung hình phạt đối với Tội bức tử

  • Người nào thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành Tội bức tử theo Điều 130 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
  • Theo Khoản 1 thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm thực hiện hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ngược đãi, ức hiếp hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm cho người đó tự sát.
  • Theo Khoản 2 bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm nếu phạm tội đối với 02 người trở lên; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai dẫn đến người đó tự sát.

4. Ví dụ về Tội bức tử

  • Năm 2015, A và B chung sống với nhau như vợ chồng. Trong quá trình chung sống, A và B thường xuyên cãi vã, phát sinh mâu thuẫn vì A nghi ngờ B có quan hệ bất chính với người đàn ông khác. Ghen tuông vô cớ, A thường xuyên chửi, đánh đập B, dùng cây để đánh, đấm, đá vào thân thể B mặc cho B van xin thảm thiết nhưng A không ngừng tay.
  • Một hôm, sau khi đi làm về, A chửi B, dùng tay đấm, đá vào người của B và dùng những lời lẽ xúc phạm B. Do bị chửi, đánh và không thể chống cự lại được, B đã lấy 01 bình thuốc diệt cỏ nhãn hiệu Nimaxon 20XL từ trên gác và cầm lọ thuốc diệt cỏ uống. Sau khi uống thuốc diệt cỏ B có biểu hiện nôn mửa, thấy vậy A không cứu chữa mà còn tiếp tục chửi, đánh. Vì liều lượng thuốc diệt cỏ nhiều nên B đã không qua khỏi.
  • Theo bản kết luận giám định pháp y về tử thi của B là: Niêm mạc miệng có nhiều vết loét trợt; Tim phù, sung huyết, thiếu máu, một số bó sợi cơ tim đứt đoạn; Phổi: sung huyết, chảy máu, biểu mô phế quản bong tróc, vách phế nang rách, đứt; Gan: sung huyết. Vết loét vùng cùng cụt là loét dinh dưỡng do tỳ đè nằm lâu một tư thế; Vết bầm tím vùng ngực là tổn thương bên ngoài không phải là nguyên nhân gây chết. Nguyên nhân chết: Do suy hô hấp, suy tuần hoàn không hồi phục, hậu quả sau ngộ độc thuốc diệt cỏ.
  • Từ những hành vi trên, Tòa án tuyên bố A phạm tội bức tử theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Xem thêm:

Tội phạm là gì? Các loại tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự mới nhất.
Tội ngược đãi ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình bị xử lý như thế nào?

Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Hình phạt Tội bức tử quy định tại Bộ luật Hình sự hiện nay của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.