Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

23/12/2021


CĂN CỨ KHÔNG KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ
THEO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015

Tư vấn các trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự
Hình 1. Luật Thịnh Trí - Tư vấn các trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự

  Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình giải quyết vụ án, là giai đoạn mở đầu cho giai đoạn điều tra, trong các trường hợp thông thường thì phải có quyết định khởi tố vụ án hình sự mới được tiến hành quá trình điều tra. Vậy nên giai đoạn khởi tố vụ án hình sự được xem là giai đoạn quan trọng nhất, trong giai đoạn này cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thật kỹ để ra quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, đồng thời không oan sai cho người vô tội. Bài viết này, Luật Thịnh Trí sẽ trình bày các căn cứ mà pháp luật quy định không được khởi tố vụ án hình sự.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

Căn cứ thứ nhất: Không có sự việc phạm tội.

Căn cứ thứ hai: Hành vi không cấu thành tội phạm.

Căn cứ thứ ba: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ thứ tư: Người mà hành vi phạm tội đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ thứ năm: Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ thứ sáu: Tội phạm đã được đại xá.

Căn cứ thứ bảy: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Căn cứ thứ tám: Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135,136,138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

  Phân tích các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

  Căn cứ Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, cụ thể:

Căn cứ thứ nhất: Không có sự việc phạm tội

  • Không có sự việc phạm tội là trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận một sự việc nhưng qua kiểm tra, xác minh thì sự việc đó không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự, vậy nên không có cơ sở để khởi tố vụ án hình sự.
  • Cơ quan chức năng có thẩm quyền khởi tố tiếp nhận các thông tin tố giác tội phạm, tin báo cơ quan, những sự việc được xét là tội phạm, hoặc trên các trang thông tin đại chúng, tuy nhiên để xem xét sự việc đó có dấu hiệu phạm tội hay không, cơ quan có thẩm quyền phải qua một bước kiểm tra, xác minh theo quy định pháp luật, sau đó mới có thể ra quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án. Trong thực tế, có thể do nhầm lẫn của người tố giác, do sơ suất của cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận thông tin vụ việc, hay tin báo của cơ quan, mặc dù sự việc đó có diễn ra tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì sự việc đó không có dấu hiệu tội phạm. Cũng có những trường hợp do ghen ghét ngoài xã hội mà người tố giác cố ý cung cấp thông tin vu khống, giả mạo.
  • Tóm lại, không có sự việc phạm tội là sự việc đã xảy ra hoặc không xảy ra được nhận định, xem xét sự việc đó không có dấu hiệu phạm tội. Đối với trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền khởi tố không phép khởi tố vụ án.

Căn cứ thứ hai: Hành vi không cấu thành tội phạm

  • Cấu thành tội phạm được xem là tổng hợp tất cả các dấu hiệu pháp lý đặc trưng cho một tội phạm, đây là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi không cấu thành tội phạm được hiểu là hành vi xảy ra có gây hại cho xã hội, tuy nhiên hành vi đó không đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm cụ thể theo Bộ luật hình sự. Trên thực tế, đã xảy ra những trường hợp có hành vi giống tội phạm như: Trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản,… tuy nhiên giá trị tài sản của người đó trộm cắp chưa đạt để mức quy định tại Bộ luật hình sự để cấu thành tội phạm. Như vậy, hành vi được nhận định là hành vi không cấu thành tội phạm thì cơ quan chức năng không được khởi tố bị can.

Căn cứ thứ ba: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự

  • Tại Việt Nam, căn cứ theo Bộ luật hình sự ta có thể xác định: 14 tuổi pháp luật quy định bắt đầu có năng lực trách nhiệm hình sự, 16 tuổi pháp luật quy định có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Đối với khởi tố vụ án hình sự thì việc giám định độ tuổi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là vấn đề cần thiết.

Căn cứ thứ tư: Người mà hành vi phạm tội đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật

  • Hành vi vi phạm pháp luật được cấu thành tội phạm của một người đã bị Tòa án ra bản án có hiệu lực thì không được khởi tố vụ án hình sự. Tức, một người đã bị Tòa án ra bản án chứng tỏ người đó đã có tội, từ lúc bản án có hiệu lực cũng có nghĩa là quan hệ tố tụng hình sự đã được xác lập từ đó. Như vậy, tội phạm đã đem ra xét xử và có bản án thì cơ quan có thẩm quyền không được tiến hành khởi tố vụ án hình sự lần 2.

Tham khảo thêm: Vai trò của người bào chữa trong vụ án hình sự.

Căn cứ thứ năm: Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

 
Hình 2. Luật Thịnh Trí - Cung cấp dịch vụ luật sư bào chữa

  • Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là thời hạn mà phải luật quy định được phép truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh cụ thể, thời hiệu này được tính từ thời điểm người đó có hành vi phạm tội. Theo quy định hiện hành, nếu một người có hành vi được cấu thành tội phạm nhưng trong thời hạn luật định không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không phải trường hợp tội phạm cố tình bỏ trốn hoặc bị truy nã), sau khi hết hiệu lực pháp luật về truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đó thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ thứ sáu: Tội phạm đã được đại xá

  • Đại xá là một hình thức khoan hồng của nhà nước, được Quốc Hội ra quyết định đại xá vào những dịp có sự kiện đặc biệt, quan trọng của đất nước. Hình thức đại xá và mức độ đại xá được ghi rõ trong văn bản Quốc Hội ban hành. Những hành vi phạm tội được đại xá được ghi rõ trong văn bản đại xá và phải xảy ra trước khi văn bản đại xá được ban hành. Những hành vi phạm tội được đại xá thì không được khởi tố vụ án hình sự. Nếu vụ án được đại xá đang trong quá trình khởi tố, điều tra, xét xử sẽ được đình chỉ.

Căn cứ thứ bảy: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác

  • Mục đích của việc khởi tố vụ án là tìm ra sự thật về hành vi phạm tội, nhằm cho người phạm tội có cơ hội hoàn lương, giáo dục, cải tạo thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khi người phạm tội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác, thì mục đích của việc khởi tố không còn nữa, vậy nên không còn căn cứ để khởi tố vụ án.

Căn cứ thứ tám: Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135,136,138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố

  • Các tội này bao gồm:
    • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
    • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;
    • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
    • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
    • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính;
    • Tội hiếp dâm;
    • Tội cưỡng dâm;
    • Tội làm nhục người khác;
    • Tội vu khống;
    • Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
  • Các tội này chỉ được phép khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Tuy nhiên, tại Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 02/2021/QH15 ngày 12/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thì hiện nay chỉ còn 9 trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, do đó đã bãi bỏ một tội đó là Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Tham khảo thêm:
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại?
Thời gian truy tố khi giải quyết vụ án hình sự là bao lâu?
Quy định chung về thi hành án hình sự
Chi phí tố tụng và Trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng.

  • Bài viết trên đây, Luật Thịnh Trí đã phân tích các căn cứ về quy định không khởi tố vụ án hình sự. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thông tin hữu ý cho quý khách hàng. Nếu quý khách có vướng mắc trong vấn đề nhận định các trường hợp không khởi tố vụ án hình sự, vui lòng liên hệ đến chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365