Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tội mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào

Tội mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào

31/03/2022


TỘI MUA BÁN TRẺ EM BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về Tội mua bán trẻ em.

2. Các yếu tố cấu thành Tội mua bán trẻ em.

3. Khung hình phạt Tội mua bán trẻ em.

  Nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở của bố mẹ mà thực hiện các hành vi như bắt cóc trẻ em, đánh tráo, mua bán trẻ sơ sinh… nhằm mục đích mua bán trẻ em, bóc lột trẻ em, nô lệ tình dục. Vấn nạn này đang diễn ra khá phức tạp với nhiều thủ đoạn gian xảo, tinh vi, hình thức đa dạng, vì vậy việc bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta. Bộ luật Hình sự hiện hành đã có chế tài xử lý đối với tội phạm thực hiện hành vi mua bán trẻ em. Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Mua bán trẻ em

Mua bán trẻ em (ảnh minh họa)

1. Quy định về Tội mua bán trẻ em

  • Theo Luật Trẻ em năm 2016 quy định người dưới 16 tuổi là trẻ em.
  • Theo Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về Tội mua bán trẻ em, trong đó xác định hành vi được xem là phạm tội mua bán trẻ em như sau:
  • Người nào chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
  • Người nào chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em để bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
  • Người nào tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để thực hiện các hành vi giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
  • Theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về mục đích mua bán trẻ em như sau:
  • Để bóc lột tình dục là trường hợp chuyển giao, vận chuyển, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, chứa chấp trẻ em nhằm chuyển giao cho người khác để tổ chức cho trẻ em bán dâm, đưa trẻ em đến cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng trẻ em để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, làm nô lệ tình dục, trình diễn khiêu dâm... hoặc tiếp nhận trẻ em để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình.
  • Để cưỡng bức lao động là trường hợp dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc trẻ em lao động trái ý muốn của trẻ em.
  • Để lấy bộ phận cơ thể của trẻ em là trường hợp chuyển giao, vận chuyển, chứa chấp, tiếp nhận hoặc tuyển mộ trẻ em để chuyển giao nhằm lấy bộ phận cơ thể của trẻ em.
  • Vì mục đích vô nhân đạo khác là trường hợp sử dụng trẻ em làm thí nghiệm, buộc trẻ em phải đi xin ăn hoặc sử dụng trẻ em vào mục đích tàn ác khác.

2. Các yếu tố cấu thành Tội mua bán trẻ em

(1) Chủ thể của tội phạm: Bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

(2) Khách thể: Xâm phạm đến quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ trẻ em.

(3) Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi mua bán trẻ em bằng lỗi cố ý. Mục đích tội phạm để thu lợi bất chính hoặc một lợi ích khác.

(4) Mặt khách quan: Có hành vi mua bán trẻ em để thu lợi bất chính bằng nhiều hình thức khác nhau.

Nạn nhân trong trường hợp này là người dưới 16 tuổi.

  • Lưu ý: Khi người phạm tội thực hiện xong hành vi mua bán trẻ em thì được coi là tội phạm. Trường hợp chưa xảy ra việc việc mua bán trẻ em thì được coi là phạm tội chưa đạt. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội này không phụ thuộc vào việc nạn nhân có biết hoặc không biết mình bị mua bán.

 Khung hình phạt Tội mua bán trẻ em

Khung hình phạt Tội mua bán trẻ em (ảnh minh họa)

3. Khung hình phạt Tội mua bán trẻ em

  • Tùy theo tính chất, mức độ và hành vi, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, như sau:
  • Theo Khoản 1 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm khi thực hiện một trong các hành vi:
  • 1.Người nào chuyển giao trẻ em để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
  • 2. Người nào tiếp nhận trẻ em để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
  • 3.Người nào chuyển giao trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
  • 4. Người nào tiếp nhận trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
  • 5. Người nào tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để thực hiện hành vi chuyển giao để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
  • Theo Khoản 2 thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

1. Vì động cơ đê hèn;

Theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; để trả thù; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

3. Đối với từ 02 người đến 05 người;

4. Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

Theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa trẻ em ra khỏi biên giới quốc gia trên không, trên đất liền, trên biển và trong lòng đất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đã thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với trẻ em cũng được coi là đưa trẻ em ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

5. Phạm tội 02 lần trở lên;

Theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn là trường hợp người phạm tội đã mua bán trẻ em từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

7. Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội.

8. Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng.

  • Theo Khoản 3 thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1.Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

2. Có tổ chức;

Theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Có tính chất chuyên nghiệp;

4. Tái phạm nguy hiểm;

5. Làm nạn nhân tự sát hoặc chết;

6. Đối với 06 người trở lên;

7. Gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

  • Ngoài những mức phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm:

Hành vi hành hạ trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Tội giết con mới đẻ bị xử phạt như thế nào?

Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Quy định về Tội mua bán trẻ em theo Bộ luật Hình sự hiện nay của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.