Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự

Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự

13/08/2021


TỘI DÂM Ô ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI

THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

2. Một số kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo hiệu quả áp dụng quy định của BLHS đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

  Bộ luật Hình (BLH) sự quy định cụ thể về các tội xâm phạm tình dục, đặc biệt là các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm này cũng có một số vướng mắc bất cập. Tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của TANDTC đã hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đưa ra quan điểm nhằm đảm bảo hiệu quả áp dụng các quy định của BLHS đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

1. Dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

  • Thứ nhất, về khách thể của tội phạm.

Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi xâm phạm đến quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm và cụ thể ở đây là quyền được phát triển bình thường về tình dục của người dưới 16 tuổi. Để xâm phạm đến khách thể này, đòi hỏi tội phạm phải tác động vào người dưới 16 tuổi. Đối Nếu người có hành vi dâm ô đối với người trên 16 tuổi thì không bị coi là tội phạm.

  • Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm.

Khoản 1 Điều 146 BLHS quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”.

  • Trong BLHS, nhà làm luật đã bổ sung dấu hiệu “không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác” là dấu hiệu cụ thể hóa hành vi khách quan của tội dâm ô đối với trẻ em, đồng thời phân biệt hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi đối với các hành vi khách quan của các tội phạm về tình dục khác được quy định trong BLHS. Về bản chất thì dấu hiệu này không phải là dấu hiệu mô tả hành vi khách quan của tội phạm mà đây là dấu hiệu để nhà làm luật phân biệt hành vi khách quan của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và với một số hành vi liền trước hành vi “giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác” ở trong tội phạm khác.
  • Giống như quy định của BLHS năm 1999, BLHS cũng không mô tả cụ thể hành vi của tội phạm mà chỉ quy định “người nào dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Việc không mô tả cụ thể hành vi phạm tội của tội phạm này thể hiện văn hóa pháp lí của nhà nước ta. Theo đó nhà làm luật tránh mô tả các từ ngữ nhạy cảm trong BLHS mà sẽ mô tả, giải thích nó trong các văn bản hướng dẫn.
  • Từ trước đến nay, về mặt pháp lý định nghĩa hành vi “dâm ô” thường được viện dẫn theo Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và các tội phạm khác về mặt tình dục số 329-HS2 ngày ngày 11 tháng 05 năm 1967 (Bản tổng kết 329-HS2). Theo Bản tổng kết số 329-HS2 thì hành vi dâm ô được hiểu là: “Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục người đó”.
  • Thông tư liên tịch số 01/1998 ngày 02 tháng 01 năm 1998 của TANDTC-VKSNDTC-BNV hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã giải thích: “Hành vi dâm ô đối với trẻ em quy định tại Điều 202b là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em.
  • Theo hai văn bản trên thì hành vi dâm ô là một dạng hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đây là các hành vi sử dụng trẻ em như một công cụ nhằm thỏa mãn hoặc khêu gợi nhu cầu tình dục của chính bản thân người phạm tội hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người khác nhưng không phải là hành vi “giao cấu”. Các hành vi này chỉ dừng lại ở việc tác động ở bên ngoài cơ thể của nạn nhân mà không có sự giao cấu hoặc không có mục đích giao cấu với nạn nhân.
  • Tuy nhiên, với việc quy định thêm “hành vi quan hệ tình dục khác” là hành vi khách quan của tội hiếp dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trong BLHS đã làm thu hẹp phạm vi hành vi khách quan của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và quan niệm về hành vi dâm ô theo bản tổng kết 329-HS2 không phù hợp với quy định hiện nay nữa. Do đó, việc phân biệt hành vi dâm ô và hành vi quan hệ tình dục khác có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn đối với yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em. Có rất nhiều quan điểm khoa học khác nhau đưa ra về hành vi quan hệ tình dục khác và hành vi dâm ô, nhưng đây chỉ là các quan điểm khoa học chứ không phải văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền nên chỉ mang tính tham khảo chứ không có giá trị áp dụng bắt buộc. Bản thân các tác giả khi nghiên cứu về nhóm tội phạm này cũng đề xuất sớm phải có văn bản hướng dẫn áp dụng để thống nhất nhận thức và đường lối xét xử nhóm tội phạm này.
  • Theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thì hành vi dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục. Hành vi này có thể bao gồm một số dạng sau:
    • Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
    • Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
    • Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
    • Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
    • Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).”
    • Ngoài việc giải thích thế nào là hành vi dâm ô, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP cũng quy định rõ về hành vi quan hệ tình dục khác từ đó làm cơ sở để phân biệt hành vi dâm ô và hành vi quan hệ tình dục khác. Theo đó hành vi quan hệ tình dục khác được hiểu là: “hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.”

    • Như vậy, theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP thì hành vi quan hệ tình dục khác phải là các hành vi có sự xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào miệng, hậu môn của người khác; hoặc sử dụng bộ phận sinh dục bộ phận khác, hoặc dụng cụ tình dục để xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác; còn đối với hành vi dâm ô thì chỉ dừng lại ở việc tiếp xúc (trực tiếp hoặc gián tiếp) bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm mà không nhằm xâm nhập vào trong.
    • Hành vi dâm ô không chỉ dừng lại ở việc tiếp xúc, động chạm giữa các bộ phận trên cơ thể của người phạm tội và người dưới 16 tuổi mà còn có thể là việc để cho người dưới 16 tuổi chứng kiến các hành vi tình dục của người phạm tội hoặc của người khác. Việc để cho người dưới 16 tuổi chứng kiến các hành vi tình dục của người phạm tội hoặc của người khác tuy không tác động trực tiếp đến cơ thể của người dưới 16 tuổi nhưng cũng có thể khơi gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi, gây ra những ảnh hướng xấu đến sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của người dưới 16 tuổi. Do vậy, đây cũng được coi là một dạng của hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
    • Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP thì hành vi dâm ô hiện nay chỉ giới hạn giữa việc tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục. Còn hành vi buộc người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến các hành vi tình dục được giải thích là hành vi trình diễn khiêu dâm của tội sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm (Điều 147 BLHS) nên không còn được coi là dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
    • Hậu quả không phải là dấu hiệu định tội của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Giống như các tội phạm về tình dục khác, dấu hiệu hậu quả của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không được quy định là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh mà được quy định là dấu hiệu định khung tăng nặng hoặc tình tiết để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
    • Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm.
    • Về mặt chủ quan, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi đòi hỏi hai dấu hiệu là lỗi cố ý và mục đích nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục hoặc kích thích, khơi gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi.
    • Lỗi của người phạm tội dâm ô đối với trẻ em là lỗi cố ý. Trong trường hợp phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi đòi hỏi người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tức là nhận thức được hành vi của mình thực hiện các hành vi tình dục với người dưới 16 tuổi nhưng không phải là hành vi giao cấu. Người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tình dục hoặc kích thích, khơi gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi. Do vậy để đạt được mục đích này họ mong muốn thực hiện hành vi dâm ô đối với trẻ em hoặc chấp nhận hành vi của mình có thể là dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
    • Mục đích của người thực hiện hành vi dâm ô đối với trẻ em là nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình hoặc kích thích, khêu gợi nhu cầu tình dục của chính mình hoặc của trẻ em. Trong trường hợp, người thực hiện hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà có mục đích khác thì họ có thể không bị truy cứu TNHS về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà có thể bị truy cứu TNHS về một tội khác. Ví dụ: Người phạm tội thực hiện các hành vi dâm ô đối với trẻ em mục đích bôi nhọ hoặc trả thù thì có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS).
  • Thứ tư, về chủ thể của tội phạm.
  • Chủ thể của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là chủ thể đặc biệt. Theo đó chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 18 tuổi. Theo đó người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Việc giới hạn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người dưới 18 tuổi, một mặt thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.

Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự.

2. Một số kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo hiệu quả áp dụng quy định của BLHS đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

BLHS có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã đi vào thực tiễn hơn một năm qua và còn một số vấn đề cần được nhận thức thống nhất trong thực tiễn. Mặc dù nhóm tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em đã có văn bản hướng dẫn áp dụng của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy còn một số vấn đề sau cần phải khắc phục nhằm đảm bảo hiệu quả áp dụng quy định của BLHS năm 2015, qua đó làm tiền đề đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm đối với các tội ở nhóm này.

  • Thứ nhất, đối với trường hợp hướng dẫn xác định những trường hợp không phải là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
  • Để phân biệt hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP đã nêu rõ những trường hợp không phải là dâm ô đối với người dưới 16 tuổi bao gồm:

- Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...);

- Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...).

  • Về bản chất hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là các hành vi tình dục, có tính chất kích thích, khêu gợi, thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội hoặc kích thích khêu gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi. Cho nên chỉ cần quy định dâm ô là hành vi có tính chất tình dục là đã phân biệt hành vi dâm ô với những hành vi khác không phải là tội phạm (như chăm sóc, điều trị cho trẻ em...). Việc quy định cụ thể những hành vi không phải dâm ô mặc dù là cần thiết để thống nhất đường lối xử lý. Tuy nhiên trong Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP lại quy định đối tượng của những trường hợp này phải là người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non... Vậy trường hợp cha mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con trên 10 tuổi thì có phải là dâm ô đối với người dưới 16 tuổi hay không? Do vậy, theo tác giả, để thống nhất áp dụng trên thực tiễn cần phải sửa đổi quy định này.
  • Thứ hai, về tình tiết định khung và khung hình phạt đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
  • Việc phân hóa TNHS để cá thể hóa hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em là rất cần thiết đối trong quá trình đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm này. Có thể thấy các hình phạt đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi là vô cùng nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, khung hình phạt đối với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm còn khá nhẹ, khung hình phạt cơ bản quy định ở các tội này mức cao nhất của khung hình phạt chỉ đến 3 năm tù hoặc 5 năm tù giam. Mức hình phạt như vậy chưa đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm, đặc biệt trong tình hình các tội phạm giao cấu hoặc hoặc quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi diễn biến phức tạp như hiện nay.
  • Bên cạnh cần bổ sung thêm một số tình tiết định khung hình phạt để làm cơ sở phân hóa trách nhiệm hình sự đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Trong tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì trường hợp hiếp dâm người dưới 10 tuổi được xác định là một tình tiết định khung tăng nặng. Sở dĩ nhà làm luật quy định đây là một tình tiết định khung tăng nặng bởi độ tuổi của nạn nhân còn quá nhỏ, tâm sinh lý chưa phát triển, không có khả năng chống lại hành vi xâm hại cho nên hành vi xâm hại với đội tuổi này sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với những trường hợp thông thường. Tuy nhiên, trong tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thì đây không được coi là một tình tiết định khung tăng nặng. Điều này không đảm bảo cơ sở phân hóa trách nhiệm hình sự đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Ngoài ra, nhiều trường hợp nạn nhân bị chính thầy cô giáo hoặc người trong cơ sở giáo dục thực hiện hành vi dâm ô dẫn đến học hành sa sút hoặc bỏ học. Đây có thể coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi dâm ô gây ra nhưng lại không được quy định trong BLHS làm tình tiết định khung tăng nặng. Do đó, tác giả cũng đề xuất kiến nghị bổ sung tình tiết “làm nạn nhân bỏ học” làm một tình tiết định khung tăng nặng TNHS.

Xem thêm:
Tui chu trách nhim hình s và ch th đặc bit ca ti phm.
Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.

Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Án phí trong v án hình s.

  • Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.