Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng nhãn hiệu liên tục trong ba năm thì có bị chấm dứt hiệu lực không?

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng nhãn hiệu liên tục trong ba năm thì có bị chấm dứt hiệu lực không?

06/07/2022


SAU KHI ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
MÀ KHÔNG SỬ DỤNG NHÃN HIỆU LIÊN TỤC TRONG BA NĂM
THÌ CÓ BỊ CHẤM DỨT HIỆU LỰC KHÔNG?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là gì?

2. Các trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt.

3. Nhãn hiệu không được sử dụng ba năm liên tục.

  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được xem là một cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định nhãn hiệu đã được bảo hộ, không bị xâm phạm quyền sở hữu. Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức, cá nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lại tạm ngừng kinh doanh và không sử dụng nhãn hiệu trong một khoảng thời gian liên tục từ ba năm trở lên và sau đó muốn hoạt động kinh doanh trở lại lại lúng túng không biết là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có còn giá trị pháp lý để tiếp tục sử dụng nhãn hiệu hay phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu lại từ đầu. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề này thì bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể hơn, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là gì?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là gì? (Ảnh minh họa).

1. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là gì?

  1. Nhãn hiệu là gì?
  • Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt dịch vụ, hàng hóa của cá nhân, tổ chức khác nhau.
  1. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là gì?
  • Theo khoản 3 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ quy định văn bằng bảo hộ bao gồm Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền sáng chế, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là một loại văn bằng bảo hộ nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp.
  1. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thời hạn sử dụng bao lâu?
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ. Khi hết hiệu lực, có thể gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn là 10 năm. Về hồ sơ, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 19 Điều 1 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN.

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt (Ảnh minh họa).

2. Các trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt:

  Theo Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ như sau:

  • Các trường hợp sau đây thì văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực:
  1. Văn bằng bảo hộ bị chủ sở hữu tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
  2. Văn bằng bảo hộ không được chủ sở hữu nộp lệ phí gia hạn hiệu lực hoặc lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;
  3. Chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu trong thời hạn 05 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
  4. Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp hoặc chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại;
  5. Đối với nhãn hiệu chứng nhận: Chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu kiểm soát không có hiệu quả hoặc không kiểm soát việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
  6. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: Bị thay đổi các điều kiện địa lý tạo nên chất lượng, danh tiếng, đặc tính của sản phẩm làm cho danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó bị mất đi;
  7. Đối với nhãn hiệu tập thể: Chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu kiểm soát không có hiệu quả hoặc không kiểm soát thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
  • Văn bằng bảo hộ tự động chấm dứt hiệu lực kể từ ngày bắt đầu năm hiệu lực đầu tiên mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp trong trường hợp khi kết thúc thời hạn nộp lệ phí duy trì hiệu lực mà chủ văn bằng bảo hộ sáng chế không nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong thời hạn quy định.
  • Việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ được Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
  • Kể từ ngày nhận được tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp của chủ văn bằng bảo hộ thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
  • Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với các trường hợp (3) (4) (5) (6) (7) với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

3. Nhãn hiệu không được sử dụng ba năm liên tục:

  Theo Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về việc sử dụng sáng chế, nhãn hiệu phải có nghĩa vụ như sau:

  • Đối với việc sử dụng sáng chế thì chủ sở hữu phải có nghĩa vụ là áp dụng quy trình được bảo hộ hoặc sản xuất sản phẩm được bảo hộ để đáp ứng cho Nhân dân về phòng bệnh, chữa bệnh, quốc phòng, an ninh, dinh dưỡng hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ nêu trên theo quy định tại Điều 145, 146 Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Đối với việc sử dụng nhãn hiệu thì chủ sở hữu có nghĩa vụ là sử dụng liên tục nhãn hiệu, kể cả bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được xem là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu.
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên theo quy định tại Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ.

  Như vậy, nhãn hiệu phải được chủ sở hữu sử dụng liên tục bởi vì nếu không sử dụng liên tục nhãn hiệu trong thời hạn 05 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực theo quy định pháp luật.

Xem thêm:

Nhãn hiệu và những điều cần biết về nhãn hiệu năm 2022.
5 Lỗi thường gặp khi đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, logo.
Đăng ký bản quyền thương hiệu năm 2022 như thế nào?

Nhãn hiệu là gì? Có bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu?

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng nhãn hiệu liên tục trong ba năm thì có bị chấm dứt hiệu lực không? của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.