Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

17/08/2021


QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỌI DUNG CHÍNH

1.Khái niệm

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại chương II ( từ Điều 38 đến Điều 52)

3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

4.Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

5.Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

6. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng (Điều 21)

7. Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng (Điều 28)

1.Khái niệm:

  • Vi phạm hành chính: là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
  • Xử lí vi phạm hành chính là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử lí vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lí hành chính khác như sau:
    • Xử lý hành chính: Căn cứ Khoản 3, khoản 4 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, còn có biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình
    • Xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ vào Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012  Xử phạt vi phạm hành chính  là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại chương II ( từ Điều 38 đến Điều 52)

Luật xử lí vi phạm hành chính năm 2012, theo đó :

  • Thẩm quyền xử phạt mà pháp luật quy định cụ thể cho những người có thẩm quyền xử phạt theo các điều luật nêu trên là thẩm quyền áp dụng hình thức và mức phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính.
  • Mức phạt tiền được pháp luật quy định cụ thể cho những người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại các điều luật nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm hành chính; trường hợp phạt tiền đối với tổ chức vi phạm hành chính, mức phạt tiền được áp dụng cao gấp hai lần so với mức phạt áp dụng đối với cá nhân.
  • Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội có thể áp dụng mức phạt cao hơn không quá 02 lần mức phạt được quy định chung trong trường hợp xử phạt những vi phạm này xảy ra trong khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương; mức phạt cụ thể do hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định (Xem: Khoản 1 và khoản 3 Điều 23 Luật xử lí vi phạm hành chính năm 2012)

3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính:

             Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử phạt bao gồm:

             – Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

             – Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

             – Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

             + Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

             + Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

             + Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;.

             – Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

             – Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

4.Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính:

        Theo quy định tại ĐIều 5, các đối tượng bị xử phạt bao gồm:

             – Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

             - Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

             – Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;

             – Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

             Lưu ý:

             – Đối với những biện pháp như biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có quy định riêng về đối tượng bị áp dụng biện pháp này

             – Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.

Quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

5.Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính:

        Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:

             1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

             2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

             3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

             4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

             5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.

6. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng (Điều 21):

        1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

             a) Cảnh cáo;

             b) Phạt tiền;

             c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

             d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);

             đ) Trục xuất.

             2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.

Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.

             3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

7. Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng (Điều 28):

        1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

             a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

             b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

             c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

             d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

             đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

             e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

             g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

             h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

             i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

             k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

             2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

             a) Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều này;

             b) Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này.

Tham khảo thêm bài viết:
Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp.

Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.