Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định của pháp luật về khiếu kiện hành chính

Quy định của pháp luật về khiếu kiện hành chính

17/08/2021


QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU KIỆN HÀNH CHÍNH

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định của pháp luật về Khiếu nại hành chính

1.1. Trình tự thực hiện khiếu nại (quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011), như sau

1.2.Cách thức thực hiện khiếu nại để yêu cầu giải quyết tranh chấp

1.3.Hình thức và thời hiệu khiếu nại

1.4.Việc nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung

1.5. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý (xem Điều 12 đến Điều 16)

1.6.Về khiếu nại, giải quyết khiếu nại kỷ luật cán bộ, công chức

1.7.Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

1.8.Về xử lý vi phạm

2. Quy định của pháp luật về Khởi kiện hành chính

2.1.Về đối tượng khởi kiện

2.2.Về chủ thể khởi kiện

2.3.Về phương thức khởi kiện

2.4.Về hình thức, thủ tục khởi kiện

2.5.Về thời hiệu khởi kiện

2.6.Về gửi đơn kiện đến Tòa án có thẩm quyền xét xử

  • Quyền khiếu nại và khởi kiện theo thủ tục hành chính đều là quyền của công dân khi có cơ sở cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
  • Khiếu nại và khởi kiện hành chính là hai phương thức hoàn toàn khác nhau được điều chỉnh bởi các luật khác nhau và được giải quyết theo trình tự, thủ tục khác nhau, cụ thể:

1. Quy định của pháp luật về Khiếu nại hành chính

  • Cơ sở pháp lý là Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản có liên quan.
    • Đối tượng của khiếu nại: Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 thì Đối tượng trong Khiếu nại hành chính gồm 03 đối tượng: Quyết định hành chính; Hành vi hành chính; Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
    • Chủ thể theo quy định của Luật Khiếu nại gồm: Người khiếu nại (là công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có quyền khiếu nại); Người bị khiếu nại; Người giải quyết khiếu nại (Thủ trưởng cơ quan, tổ chức ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính); Người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
    • Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính
  • Luật khiếu nại quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc về người có quyết định hành chính, hành vi hành chính; khiếu nại lần hai do Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết lần đầu giải quyết (xem Điều 17 đến Điều 26 Luật khiếu nại năm 2011).
    • Trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại: Luật khiếu nại năm 2011 quy định cụ thể về trình tự khiếu nại; hình thức, thời hiệu khiếu nại (xem Điều 7 đến Điều 10); Giải quyết khiếu nại (xem Điều 17 đến Điều 26) và trình tự giải quyết khiếu nại (xem Điều 27 đến Điều 43).Cụ thể,

            1.1.Trình tự thực hiện khiếu nại (quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011), như sau:

  • Thứ nhất, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại thực hiện khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính; hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án;
  • Thứ hai, nếu người khiếu nại đã khiếu nại lần đầu và không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu (người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính); hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án;
  • Thứ ba, nếu người khiếu nại đã khiếu nại lần hai và không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
  • Từ quy định pháp luật nêu trên, cá nhân, cơ quan tổ chức nào cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có thể chọn 01 trong  03 cách giải quyết như sau:
    • Cách 1: Trực tiếp khởi kiện vụ án hành chính mà không thông qua khiếu nại;
    • Cách 2: Khiếu nại –> Khởi kiện
    • Khiếu nại đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
    • Cách 3: Khiếu nại lần đầu –> Khiếu nại lần hai –> Khởi kiện
    • Khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
  • Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì có thể thực hiện theo cách 1 hoặc cách 2.

            1.2.Cách thức thực hiện khiếu nại để yêu cầu giải quyết tranh chấp

  Căn cứ Điểm a, b Khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại có các cách thức thực hiện khiếu nại sau:

             a) Tự mình khiếu nại

             b) Thông qua người đại diện

             – Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;

             – Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;

             – Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

  Căn cứ Khoản 5 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại.

            1.3.Hình thức và thời hiệu khiếu nại

        Căn cứ Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, việc khiếu nại được thực hiện bằng các hình thức: đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

             + Nộp đơn khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

             + Người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung nêu trên.

             + Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung nêu trên.

             Căn cứ Điều 9 Luật Khiếu nại 2011, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

             Trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà không thực hiện khiếu nại được thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

            1.4.Việc nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung

  • Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung mà khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nhận nội dung khiếu nại. Nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại (Khoản 4 Điều 8). Đồng thời, tại Khoản 3 Điều 31 quy định: “Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.”.

          1.5. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý (xem Điều 12 đến Điều 16)

  • Đối với người khiếu nại, Luật khiếu nại đã quy định người khiếu nại có quyền được ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người khiếu nại cũng được biết, đọc, sao chụp, sao chép và xem các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; được yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại.
  • Đối với người bị khiếu nại, có quyền được biết, đọc, sao chụp, sao chép và xem các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình để giao cho người giải quyết khiếu nại; đồng thời phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực của pháp luật; bồi thường hoặc bồi hoàn thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của mình gây ra.
  • Đối với luật sư, trợ giúp viên pháp lý có quyền tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; được nghiên cứu hồ sơ vụ việc, ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

            1.6.Về khiếu nại, giải quyết khiếu nại kỷ luật cán bộ, công chức

  • Do tính đặc thù của nền hành chính, đòi hỏi việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với cán bộ, công chức phải theo một trình tự, thủ tục phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý cán bộ, công chức. Vì vậy, Luật khiếu nại quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. Trường hợp còn khiếu nại tiếp thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết. Đồng thời, xác định Bộ trưởng Bộ nội vụ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại (Điều 51).
  • Đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tiếp theo, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính (Điều 56). Ngoài ra, Luật khiếu nại cũng có những quy định về thời hiệu khiếu nại; hình thức khiếu nại; thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại; xác minh nội dung khiếu nại; tổ chức đối thoại... (xem Điều 48 đến Điều 58).

             1.7.Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

  • Mục 4 Chương III luật khiếu nại đã xác định về quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

            1.8.Về xử lý vi phạm

  • Để các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm túc, Luật khiếu nại quy định việc xử lý vi phạm thành một chương riêng. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ khiếu nại và giải quyết khiếu nại nếu có sai phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỉ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

2. Quy định của pháp luật về Khởi kiện hành chính

Quy định của pháp luật về khiếu kiện hành chính
Quy định của pháp luật về khiếu kiện hành chính.

  • Nếu như trước đây, việc khởi kiện hành chính tại Toà án chỉ có thể được thực hiện sau khi đã qua bước giải quyết khiếu nại tại các cơ quan hành chính nhà nước thì theo Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại có thể lựa chọn và khởi kiện thẳng ra Tòa án, khiếu nại không còn là thủ tục bắt buộc. Quy định này phù hợp với tinh thần của Luật Tố tụng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong khi thực hiện quyền khiếu kiện của mình.
  • Tranh chấp hành chính là hiện tượng khách quan, phát sinh từ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực thi quyền hành pháp. Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, cá nhân, tổ chức phải tuân thủ những điều kiện nhất định sau đây:

2.1.Về đối tượng khởi kiện

  • Đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 3 và khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (LTTHC 2015). Cụ thể:
    • Quyết định hành chính ( QĐHC ), Hành vi hành chính (HVHC) bị kiện
    • Một QĐHC, HVHC được xem là đối tượng của khởi kiện vụ án hành chính phải thỏa mãn quy định của pháp luật tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật TTHC và QĐHC, HVHC đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 2, 4 Điều 3 Luật TTHC).
    • Tuy nhiên, không phải tất cả các QĐHC, HVHC đều được khởi kiện, theo đó những QĐHC, HVHC có nội dung thuộc khoản 1 Điều 30 luật TTHC thì  không được khởi kiện.
    • Quyết định kỷ luật buộc thôi việc: Theo quy định tại khoản 5 Điều 30 “Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình.” Công chức là những người được quy định cụ thể tại Luật Cán bộ công chức, việc người đứng đầu cơ quan tổ chức áp dụng biện pháp kỷ luật buộc thôi việc là biện pháp nghiêm khắc nhất đối với họ, do vậy pháp luật trao cho họ quyền được khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
  • Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 LTTHC thì công chức chỉ được “Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống” .
    • Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: Quyết định này được quy định tại khoản 3 Điều 30, khoản 2 Điều 115 là đối tượng khởi kiện, tuy nhiên đối với quyết định này chỉ được khởi kiện mà không bị khiếu nại. Vụ việc cạnh tranh do Bộ trưởng bộ công thương quy định, và quyết định này do Chủ tịch hội đồng cạnh tranh ban hành.
    • Danh sách cử tri: Danh sách cử tri cũng là một đối tượng khởi kiện được quy định tại tại khoản 3 Điều 115 LTTHC 2015. Danh sách cử tri gồm danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân .
  • Mặc dù LTTHC 2015 không loại trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ ra khỏi các loại việc là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Tuy nhiên theo Điều 31, 32 của Luật thì không xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, đương nhiên các quyết định hành chính, hành vi hành chính này không thể là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Ngoài ra, căn cứ vào Điều 116 về thời hiệu khởi kiện, thì đối tượng khởi kiện có thể là quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2.

            2.2.Về chủ thể khởi kiện

  • Chủ thể khởi kiện được quy định tại khoản 8 Điều 3 và Điều 54 của LTTHC năm 2015. Để khởi kiện vụ án hành chính thì cá nhân, tổ chức phải có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, và việc khởi kiện phải được thực hiện bởi chủ thể có năng lực hành vi tố tụng hành chính (xem Điều 54 LTTHC 2015). Theo đó, năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng bằng chính hành vi của mình cá nhân thực hiện quyền và các nghĩa vụ hành chính được pháp luật hành chính thừa nhận.
  • Như vậy, việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ có thể được thực hiện bởi người có quyền khởi kiện vụ án hành chính hoặc người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính với điều kiện người đó đảm bảo năng lực hành vi tố tụng hành chính. Người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: người đại diện theo ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật (Điều 60).

            2.3.Về phương thức khởi kiện

  • Phương thức khởi kiện có thể hiểu là việc các chủ thể có quyền lựa chọn các cách thức khác nhau để khởi kiện. Phương thức khởi kiện được quy định tại Điều 115 LTTHC.
  • Nếu đối tượng khởi kiện là QĐHC, HVHC, quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì theo khoản 1 Điều 115, cá nhân, tổ chức được lựa chọn một trong 3 cách sau:
    • Khởi kiện ngay khi nhận được QĐHC, hoặc bị HVHC xâm hại
    • Khởi kiện khi nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 mà không đồng ý hoặc hết thời gian giải quyết khiếu nại lần 1 mà không được giải quyết.           + Khởi kiện khi nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 mà không đồng ý hoặc hết thời gian giải quyết khiếu nại lần 2 mà không được giải quyết.
  • Nếu đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì theo khoản 2 Điều 115, cá nhân, tổ chức chỉ có quyền khởi kiện quyết định này mà không có quyền khiếu nại.
  • Nếu đối tượng khởi kiện là danh sách cử tri, theo khoản 3 Điều 115 quy định “Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó”.

2.4.Về hình thức, thủ tục khởi kiện

Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định việc khởi kiện phải được thực hiện bằng văn bản. Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 118 của LTTHC 2015.

  • Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của cá nhân, ở phần cuối đơn cá nhân phải kí tên hoặc điểm chỉ.
  • Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp phải kí tên hoặc điểm chỉ.
  • Cá nhân là người có năng lực chủ thể nhưng bản thân là người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khiếu nại, không thể tự mình kí tên, điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện với điều kiện người đó là người có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ làm chứng, kí xác nhận vào đơn khởi kiện.
  • Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án hành chính. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải kí tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
  • Đơn khởi kiện phải có nội dung chính được quy định tại Điều 118. Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại. Trường hợp vì lí do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo quy định của Tòa án trong qua trình giải quyết vụ việc.

2.5.Về thời hiệu khởi kiện

  • Thời hiệu khởi kiện vụ hành chính được quy định tại Điều 116 LTTHC 2015. Theo đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

2.6.Về gửi đơn kiện đến Tòa án có thẩm quyền xét xử

  • Theo quy định của pháp luật thì việc khởi kiện chỉ có thể được thực hiện và bảo đảm nếu việc khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 31 và 32 Luật TTHC năm 2015. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các hình thức sau đây: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu Tòa án đã có Cổng thông tin riêng của Tòa). Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền thông qua dịch vụ bưu chính thì ngày khởi kiện là ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính gửi đến thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức bưu chính gửi đến. Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 34 và Điều 65 thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án thụ lí nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 120 Luật Tố tụng hành chính 2015.
  • Từ phân tích nêu trên cho thấy: khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính là hai phương thức khác nhau được điều chỉnh bởi các luật khác nhau và được giải quyết theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Tham khảo thêm bài viết:
Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp.

Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.