Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

28/01/2022


PHÂN BIỆT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
VÀ HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

Hình 1. Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

  Trong quá trình xác lập, thực hiện các giao dịch, sự thỏa thuận giữa các chủ thể có thể được thể hiện dưới dạng hợp đồng, thông dụng nhất là hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm của hợp đồng.

2. Mục đích của hợp đồng.

3. Chủ thể giao kết hợp đồng.

4. Nội dung hợp đồng.

5. Cơ quan giải quyết tranh chấp.

6. Phạt vi phạm do vi phạm hợp đồng.

1. Khái niệm của hợp đồng

  • Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về khái niệm của hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, nếu đối chiếu giữa quy định về “hợp đồng dân sự” của Bộ luật Dân sự 2005 về với quy định “hợp đồng” của Bộ luật Dân sự 2015, có thể hiểu hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
  • Tương tự, khái niệm như thế nào là hợp đồng thương mại cũng chưa được pháp luật ghi nhận một cách rõ ràng. Nhưng dựa trên đối tượng là hoạt động thương mại, có thể hiểu rằng hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thương mại.
  • Như vậy, có thể thấy rằng, phạm vi của hợp đồng thương mại là hẹp hơn phạm vi của hợp đồng dân sự. Bởi lẽ, hợp đồng thương mại chỉ giới hạn trong việc thỏa thuận quyền, nghĩa vụ liên quan đến hoạt động thương mại của các bên.
  • Trong khi đó, phạm vi hợp đồng dân sự rất rộng, bao quát các quyền, nghĩa vụ dân sự. Quyền, nghĩa vụ dân sự ở đây có thể hiểu với nghĩa hẹp gồm các quan hệ dân sự như quyền sở hữu đối với tài sản, thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… hoặc theo nghĩa rộng bao gồm cả quan hệ lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại…

2. Mục đích của hợp đồng

  • Đối với hợp đồng dân sự: Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh của hợp đồng là các quyền, nghĩa vụ dân sự nên mục đích của hợp đồng có thể hướng đến mục đích lợi ích hoặc không. Trong hợp đồng dân sự, có thể xuất hiện những trường hợp mà các bên không trao đổi giá trị cho nhau mà chỉ có một bên cho đi giá trị và không yêu cầu nhận lại giá trị tương ứng.
  • Ví dụ: Hợp đồng tặng cho là hợp đồng dân sự, nhưng không vì mục đích sinh lời vì bên tặng cho cho đi tài sản nhưng không yêu cầu nhận lại một giá trị nào khác.
  • Đối với hợp đồng thương mại: Như đã đề cập, phạm vi điều chỉnh của hợp đồng thương mại là quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại nên mục đích của loại hợp đồng này sẽ hướng đến việc sinh lợi. Điều này bắt nguồn từ bản chất của hoạt động thương mại là các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi (bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác).
  • Ví dụ: Hợp đồng đại lý kinh doanh là hợp đồng thương mại vì mục đích lợi ích kinh tế, vì các bên được nhận giá trị tương ứng với công việc thực hiện.

3. Chủ thể giao kết hợp đồng

  • Đối với hợp đồng dân sự: Chủ thể giao kết hợp đồng này có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
  • Đối với hợp đồng thương mại: Theo Điều 2 và Điều 6 Luật Thương mại 2005, một bên chủ thể bắt buộc phải là thương nhân, theo đó có thể là tổ chức được thành lập hợp pháp (công ty TNHH, DNTN, công ty cổ phần, công ty hợp danh...) hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh, hoạt động thương mại một cách độc lập và thường xuyên.
  • Cần lưu ý rằng:
  • Đối với các tổ chức kinh doanh được thành lập hợp pháp như Hộ kinh doanh, Tổ hợp tác hoặc tổ chức kinh doanh khác không có tư cách pháp nhân khi thực hiện hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại đều cần ủy quyền cho cá nhân trong tổ chức đó thực hiện.
    • Ví dụ: Anh X (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự) có thể tham gia bất kì hợp đồng dân sự nào như hôn nhân, tặng cho tài sản, đặt cọc.... Nhưng để tham gia hợp đồng đồng thương mại, anh X phải giao kết với một bên là thương nhân, hoặc X là chủ hộ kinh doanh, là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc được được ủy quyền từ thương nhân khác.
  • Các cá nhân có hoạt động kinh doanh như buôn bán hàng rong, bán quà vặt,...tuy hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên nhưng không phải đăng ký kinh doanh và không được xem là thương nhân theo quy định pháp luật.

 Chủ thể giao kết hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

Hình 2. Chủ thể giao kết hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

4. Nội dung hợp đồng

  • Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại đều thể hiện những nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên, đối tượng của hợp đồng, giá và phương thức thanh toán hoặc các trách nhiệm do vi phạm hợp đồng,…
  • Tuy nhiên, điểm khác biệt là hợp đồng dân sự không phải lúc nào cũng sẽ có những điều khoản về giá, phương thức thanh toán,... Đó là trong các trường hợp không vì mục đích sinh lời như hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng mượn tài sản,…
  • Ngoài các thỏa thuận cơ bản trên, xuất phát từ tính chất đặc thù mà hợp đồng thương mại còn có một số thỏa thuận riêng biệt khác đối với hoạt động thương mại như chuyển rủi ro, vấn đề về vận chuyển…

5. Cơ quan giải quyết tranh chấp

  • Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp, các bên trong hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng thương mại đều có thể lựa chọn việc thương lượng, tự hòa giải để giải quyết. Tuy nhiên, nếu như các bên có ý định nhờ đến một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp, thì hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại có điểm khác biệt như sau:
    • Đối với hợp đồng dân sự, các bên chỉ có thể bằng con đường tố tụng tại Tòa án mà không thể yêu cầu Trọng tài thương mại hay Hòa giải thương mại giải quyết, vì Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp thương mại.
    • Đối với hợp đồng thương mại, ngoài con đường Tòa án thì các bên có thể chọn hình thức Hòa giải thương mại hoặc Trọng tài thương mại vì đây là các cơ quan giải quyết các tranh chấp thương mại. Ví dụ: Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC),...

6. Phạt vi phạm do vi phạm hợp đồng

  • Trong hợp đồng dân sự, mức phạt vi phạm có thể phụ thuộc tùy theo sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng mà không bị ràng buộc về mức phạt tối đa.
  • Trong hợp đồng thương mại, mức phạt vi phạm cũng được các bên thỏa thuận nhưng thông thường không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật Thương mại 2005).

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Những vấn đề cần biết về việc ủy quyền.

Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí