Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản

24/01/2022


HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Hợp đồng vay tài sản

Hình 1. Hợp đồng vay tài sản

  Trong thực tế, việc vay mượn tài sản là giải pháp cứu cánh của nhiều người. Mỗi người cần hiểu rõ các quy định pháp luật để việc giao kết hợp đồng vay tài sản đúng pháp luật và tránh những tranh chấp không đáng có về sau.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm và hình thức hợp đồng vay tài sản..

2. Đặc điểm hợp đồng vay tài sản.

3. Quyền và nghĩa vụ của hợp đồng vay tài sản.

3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên vay.

4. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng vay tài sản.

1. Khái niệm và hình thức hợp đồng vay tài sản

  • Hiện nay, khái niệm hợp đồng vay tài sản được ghi nhận tại Điều 463 BLDS 2015. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao cho bên vay tài sản (có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản).
  • Khi hết hạn hợp đồng, bên vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng đồng thời trả thêm một số lợi ích vật chất (thường được biết đến như khoản tiền lãi) nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
  • Cũng giống như các loại hợp đồng dân sự khác, hợp đồng vay tài sản không có yêu cầu đặc biệt về hình thức hợp đồng vay tài sản, do đó việc giao kết hợp đồng có thể thể hiện qua lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Quy định này giúp cho các bên liên quan có thể tự do lựa chọn các cách thức khác nhau để tạo lập hợp đồng mà không lo lắng việc hợp đồng bị vô hiệu do không đúng hình thức.

2. Đặc điểm hợp đồng vay tài sản

  Hợp đồng vay tài sản được phân loại khá linh hoạt tùy thỏa thuận các bên, điều đó thể hiện qua các đặc điểm sau:

  • Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ hoặc song vụ:
  • Trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận (quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ thời điểm giao kết) thì đây là hợp đồng song vụ.
  • Trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế (thời điểm có hiệu lực là thời điểm bên vay chuyển giao tài sản cho bên vay, bên cho vay có quyền đòi nợ mà không có nghĩa vụ với bên vay nữa) thì nó là hợp đồng đơn vụ.
  • Như vậy, hợp đồng ưng thuận hay thực tế được phân loại dựa trên thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng. Theo đó, hợp đồng ưng thuận là hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh sau khi các bên đã thỏa thuận rõ nội dung hợp đồng (thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao kết).
  • Thứ hai, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù:
  • Trường hợp có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù.
  • Trường hợp không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.

3. Quyền và nghĩa vụ của hợp đồng vay tài sản

  • Pháp luật dân sự đã có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết hợp đồng vay tài sản.

3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay

  • Về cơ bản, quyền của bên vay có thể tóm tắt thành 02 nội dung chính là quyền đòi lại tài sản và quyền đòi tiền lãi phát sinh nếu có thỏa thuận, cụ thể:
  • Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tài sản và lãi bất cứ thời gian nào nhưng phải thông báo cho bên vay một thời hạn hợp lí.
  • Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn, khi hết hạn của hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả cho mình tiền, tài sản tương ứng với tiền, tài sản đã cho vay và lãi nếu có thỏa thuận.
  • Song song với quyền lợi thì bên cho vay cũng cần thực hiện một số nghĩa vụ để việc thực hiện hợp đồng diễn ra suôn sẻ, cụ thể theo Điều 465 BLDS 2015:
  • Giao tài sản cho bên vay đúng thỏa thuận.
  • Bồi thường thiệt hại cho bên vay nếu bên cho vay biết tài sản không đảm bảo chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
  • Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có quy định khác.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên vay

  • Tương ứng với nghĩa vụ của bên cho vay, bên vay có quyền nhận tài sản theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, và có quyền sở hữu tài sản đó. Nhưng đi cùng với quyền lợi đó, bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền hoặc vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng cũng như trả lãi (nếu có thỏa thuận) theo đúng thời hạn, địa điểm đã được thỏa thuận trong hợp đồng theo Điều 466 BLDS 2015.

4. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng vay tài sản

 Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng vay tài sản

Hình 2. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng vay tài sản

  • Có thể thấy, hợp đồng vay tài sản là loại hợp đồng khá đơn giản, tuy nhiên trên thực tế vẫn tồn tại những tranh chấp không đáng có. Vì vậy, khi giao kết các bên cần lưu ý một số điều sau đây:
  • Đối với việc sử dụng tài sản vay: Khi ký kết hợp đồng vay thì tài sản sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên cho vay sang bên vay. Thế nhưng các bên vẫn có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Điều này đảm bảo bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
  • Đối với lãi suất vay: Pháp luật dân sự cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất vay. Tuy nhiên, theo Điều 468 BLDS 2015 thỏa thuận này không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
  • Hơn nữa, nếu áp dụng mức lãi suất quá cao có thể khiến bên cho vay rơi vào trường hợp cho vay nặng lãi, vi phạm quy định pháp luật và sẽ phải chịu thêm trách nhiệm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Ngoài ra, nếu trong hợp đồng, các bên có thỏa thuận về lãi nhưng không xác định rõ mức lãi suất thì khi có tranh chấp về lãi suất, lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, bên cho vay cần lưu ý thỏa thuận rõ mức lãi suất tại thời điểm giao kết hợp đồng rõ ràng và hợp pháp.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Những vấn đề cần biết về việc ủy quyền.
Nguyên tắc bồi thường tổn thất tinh thần .
Những trường hợp không phải bồi thường thiệt hại.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về hợp đồng vay tài sản. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí