Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những điều cần biết về Hợp đồng hợp tác

Những điều cần biết về Hợp đồng hợp tác

28/01/2022


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
VỀ HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Hợp đồng hợp tác

Hình 1. Hợp đồng hợp tác

  Giống như các loại hợp đồng thông dụng khác, hợp đồng hợp tác được xác lập dựa trên sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật về hợp đồng này. Để tránh các rủi ro và tranh chấp không đáng có, các bên cần phải lưu ý một số quy định dưới đây.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hợp đồng hợp tác là gì?

2. Nội dung của hợp đồng hợp tác.

3. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác.

4. Tài sản trong hợp đồng hợp tác.

1. Hợp đồng hợp tác là gì?

  • Hiện nay, khái niệm hợp đồng hợp tác được ghi nhận tại Điều 504 BLDS 2015. Theo đó, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
  • Trong hoạt đồng đầu tư kinh doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh (gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế (Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 61/2020).
  • Như vậy, hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở các cá nhân, pháp nhân có nhu cầu cùng hợp tác, liên kết với nhau bằng một hợp đồng hợp tác để cùng sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn.

2. Nội dung của hợp đồng hợp tác

  • Pháp luật đã quy định những nội dung cơ bản của hợp đồng để định hướng cho các chủ thể tham gia đàm phán, giao kết hợp đồng. Theo Điều 505 BLDS 2015, hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau:
    • Về mục đích, thời hạn hợp tác:
  • Mục đích là các lợi ích mà chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác hướng tới. Việc quy định mục đích sẽ giúp định hướng việc sử dụng tài sản, cùng thực hiện công việc hướng đến mục đích này;
  • Thời hạn hợp tác là khoảng thời gian các chủ thể cùng góp sức, cùng sử dụng tài sản để thực hiện công việc hợp tác chung.
    • Về họ, tên, nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của pháp nhân: Việc ghi nhận rõ các thông tin của chủ thể để tránh trường hợp nhầm lẫn trong xác định thành viên hợp tác.
  • Nếu thành viên là cá nhân thì các chủ thể phải ghi nhận rõ ràng họ, tên và nơi cư trú;
  • Nếu thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở của pháp nhân.
    • Về tài sản đóng góp (nếu có): Hợp đồng phải ghi nhận rõ ràng tài sản đóng góp là tài sản nào, có giá trị bao nhiêu. Việc ghi nhận cụ thể tài sản đóng góp là cơ sở xác định giá trị tài sản hợp tác và là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định việc phân chia lợi nhuận sau này giữa các chủ thể của hợp đồng.
    • Đóng góp bằng sức lao động (nếu có): Chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác có thể đóng góp bằng sức lao động của mình. Trong nội dung hợp đồng phải ghi nhận rõ chủ thể nào đóng góp bằng sức lao động và quá trình sử dụng lao động vào công việc hợp tác như thế nào.
    • Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức: Việc phân chia hoa lợi, lợi tức thường được xác định trên cơ sở tỷ lệ đóng góp sức lao động, tài sản của từng chủ thể trừ trường hợp các chủ thể trong hợp đồng xác định phương thức khác để phân chia.
    • Về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác: Khi tham gia vào hợp đồng hợp tác, từng thành viên có các quyền, nghĩa vụ nhất định. Phạm vi các quyền, nghĩa vụ của từng thành viên hợp tác được xác định theo nội dung ghi nhận trong hợp đồng.
    • Về quyền, nghĩa vụ của người đại diện (nếu có): Để thuận lợi cho quá trình thực hiện hợp đồng, các thành viên có thể cử một người đại diện cho các thành viên hợp tác. Tránh trường hợp vượt quá phạm vi thẩm quyền hoặc thực hiện không đúng thẩm quyền của mình, hợp đồng hợp tác cũng phải được ghi nhận phạm vi quyền, nghĩa vụ của người đại diện cho các thành viên hợp tác.
    • Về điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của các thành viên (nếu có): Hợp đồng hợp tác cần quy định cụ thể các điều kiện tham gia hoặc không tham gia của thành viên để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của việc hợp tác.
    • Về điều kiện chấm dứt hợp tác: Hợp đồng hợp tác nên quy định cụ thể các điều kiện để chấm dứt việc hợp tác giữa các thành viên hợp tác. Điều kiện chấm dứt việc hợp tác có thể là cơ sở để xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng hợp tác.

3. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác

  • Khi tham gia vào hợp đồng hợp tác, các thành viên hợp tác sẽ có các quyền, nghĩa vụ nhất định. Quyền, nghĩa vụ của các thành viên được xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì quyền, nghĩa vụ được xác định theo quy định tại Điều 507 BLDS 2015 với những nội dung sau:
    • Về quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác: Việc hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác phải tuân thủ theo quy định ghi nhận trong hợp đồng hợp tác. Việc hưởng hoa lợi, lợi tức có thể được nhận trực tiếp bằng hiện vật hoặc được chia bằng tiền.
    • Về quyền tham gia quyết định liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác: Đây là một quyền cơ bản của thành viên hợp tác nhằm bảo vệ quyền lợi của chính chủ thể này, đặc biệt nhằm bảo toàn khối tài sản chung của các thành viên hợp tác.
    • Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác do lỗi của mình gây ra: Thành viên hợp tác nào gây thiệt hại cho các thành viên còn lại đều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá trị thiệt hại và mức độ lỗi của mình.
    • Về nghĩa vụ thực hiện các quyền, nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác: Các thành viên phải tuân thủ đầy đủ các quyền, nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng hợp tác đã được giao kết.

 Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng hợp tác

Hình 2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng hợp tác

4. Tài sản trong hợp đồng hợp tác

  • Để thực hiện hợp đồng hợp tác, mỗi thành viên có thể thỏa thuận đóng góp một phần tài sản và cùng tạo lập khối tài sản chung theo phần của các thành viên. Quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác, Điều 506 BLDS 2015 ghi nhận như sau:
    • Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.
    • Nếu tài sản đóng góp là tiền, mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định và phải bồi thường thiệt hại.
    • Nếu tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác thì khi định đoạt phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên.
    • Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận.
    • Việc phân chia tài sản chung quy định tại khoản này không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.
  • Tóm lại, hợp đồng hợp tác được xác lập với vai trò nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác, tận dụng nguồn lực của nhiều chủ thể trong xã hội nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của các chủ thể đó. Do đó, BLDS nước ta đã ghi nhận những quy định cơ bản của hợp đồng để định hướng cho các chủ thể trong quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Hợp đồng gửi giữ tài sản.

Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về hợp đồng hợp tác. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí