Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Nên đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nhãn hiệu hay bản quyền?

Nên đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nhãn hiệu hay bản quyền?

23/11/2021


NÊN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ LOGO
DƯỚI DẠNG NHÃN HIỆU HAY BẢN QUYỀN?

  Để tránh việc bị sao chép thương hiệu thì việc đăng ký bảo hộ logo là điều các doanh nghiệp nên làm. Vậy, nên đăng ký bảo hộ logo dưới hình thức nào?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Có nên đăng ký bảo hộ logo?

2. Nên đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nào?

3. Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ logo.

Nên đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nhãn hiệu hay bản quyền? (ảnh minh họa)
Nên đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nhãn hiệu hay bản quyền? (ảnh minh họa)

  Logo hay còn gọi là thương hiệu nhận diện của cá nhân tổ chức được gắn lên sản phẩm, dịch vụ để sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Để có thể được bảo hộ tốt nhất, doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký bản quyền logo hoặc đăng ký nhãn hiệu cho logo. Vậy có cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu, đăng ký bản quyền cho logo hay không?

1. Có nên đăng ký bảo hộ logo?

  • Logo là một ký hiệu hoặc biểu tượng của một nhãn hiệu và được sắp xếp, thiết kế riêng biệt có thể nhận diện được bằng mắt thường và có sự khác biệt với những logo đã đăng ký.
  • Đăng ký bảo hộ logo là việc cá nhân, tổ chức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thông qua việc đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền. Một logo được bảo hộ giúp chủ sở hữu chống lại những hành vi sao chép hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
  • Cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn hai hình thức bảo hộ logo là:
  • Đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Đăng ký bản quyền tác phẩm Mỹ thuật ứng dụng (còn gọi là đăng ký bản quyền) tại Cục Bản quyền tác giả, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
  • Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu logo độc quyền. Nhưng thực tế ngày càng xảy ra nhiều trường hợp công ty bị xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu, do đó việc đăng ký bảo hộ logo sẽ giúp các doanh nghiệp phòng tránh được những rủi ro đáng tiếc và là cơ sở để pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

2. Nên đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nào?

Logo là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới 02 loại hình:

*Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng

  • Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.
  • Có thể thấy, logo được xem như là một “ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng” khi được bảo hộ dưới hình thức này. Dễ hiểu hơn thì đăng ký bản quyền logo chính là hình thức đăng ký bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

*Nhãn hiệu

  • Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các tổ chức/doanh nghiệp khác.

  • Căn cứ vào mục đích sử dụng logo mà cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn tiến hành đăng ký bản quyền hoặc đăng ký nhãn hiệu. Hoặc để đảm bảo lợi ích tốt nhất thì có thể tiến hành đăng ký cả hai thủ tục này.

3. Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ logo

Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ logo
Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ logo.

Trường hợp đăng ký bảo hộ dưới hình thức đăng ký bản quyền

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
  • Theo quy định tại Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì hồ sơ đăng ký bản quyền logo gồm:

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả.

(Trong đó Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.)

- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;

- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền; (*)

- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa; (*)

- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả; (*)

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung. (*)

  • Lưu ý: Các tài liệu có đánh dấu (*) phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt
  • Bước 2: Nộp hồ sơ
  • Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục.
  • Bước 3: Theo dõi đơn đăng ký bản quyền logo sau khi nộp
  • Sau khi đơn đăng ký được nộp, đơn sẽ được cơ quan thẩm định kiểm duyệt hồ sơ trước khi đồng ý hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền logo cho chủ sở hữu.
  • Bước 4: Cấp giấy chứng nhận
  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền logo cho người nộp đơn. Tuy nhiên, thực tế thời gian đăng ký thường kéo dài thêm.
  • Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền logo thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

*Phí thực hiện

  • Theo quy định tại Thông tư 211/2016/TT-BTC thì phí đăng ký bản quyền logo là 400.000 đồng/Giấy chứng nhận).
  • Trường hợp đăng ký bảo hộ dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu
  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
    • Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ như sau:
  • 02 Tờ khai đăng ký theo Mẫu 04-NH Phụ lục A Thông tư 16/2016/TT-BKHCN;
  • 05 mẫu nhãn hiệu giống nhau (trừ mẫu nhãn  hiệu dán trên tờ khai);
  • Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu Công ty thụ hưởng quyền đó từ người khác;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
  • Số lượng hồ sơ:  01 (bộ).
  • Bước 2: Nộp hồ sơ
  • Cá nhân tổ chức nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng đại diện của Cục.
  • Bước 3: Thẩm định đơn đăng ký              
  • Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn ).
  • Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
  • Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
  • Bước 4: Cấp văn bằng bảo hộ
  • Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
  • Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

*Thời gian giải quyết:

  • 18 – 24 tháng kể từ ngày hồ sơ hợp lệ.

*Phí thực hiện:

  • Không có mức phí, lệ phí cụ thể, tuỳ thuộc vào đối tượng và đặc điểm của nhãn hiệu đăng ký bảo hộ, mức phí và lệ phí sẽ giao động khoảng 03 - 05 triệu đồng.

Tham khảo thêm các bài viết:
Đăng ký logo độc quyền nhanh nhất năm 2022.
Bảo hộ nhãn hiệu và ý nghĩa của việc bảo hộ nhãn hiệu.

Đăng ký bản quyền thương hiệu năm 2022 như thế nào?
Nhãn hiệu là gì? Có bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu?

  • Trên đây là nội dung Nên đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nhãn hiệu hay bản quyền? mà Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.