Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Mức phạt khi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép theo quy định mới nhất năm 2022

Mức phạt khi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép theo quy định mới nhất năm 2022

31/03/2022


MỨC PHẠT KHI SỬ DỤNG CÁC LOẠI PHÁO,THUỐC PHÁO
TRÁI PHÉP THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT NĂM 2022

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Phân biệt các loại pháo.

2. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi về pháo.

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi về pháo.

  Pháo hoa xuất hiện trong các dịp lễ tết, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịp lễ đã buôn bán, vận chuyển, sử dụng các loại pháo trái phép vì mục đích lợi nhuận. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn trật tự nơi công cộng. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể đối với các hành vi vi phạm về pháo. Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Phân biệt các loại pháo

Phân biệt các loại pháo (ảnh minh họa)

1. Phân biệt các loại pháo

  • Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, có 03 loại pháo bao gồm pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa được phân biệt như sau:
    • Pháo nổ: là sản phẩm được chế tạo, sản xuất bằng hình thức công nghiệp hoặc thủ công, gây ra tiếng rít, tiếng nổ hoặc gây ra tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian khi có tác động của xung kích thích cơ, hóa, nhiệt hoặc điện.
    • Pháo hoa nổ: là pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Bị nghiêm cấm, chỉ được sử dụng khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và phải do lực lượng Quân đội bắn vào các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước.
    • Pháo hoa (pháo hoa không nổ): là sản phẩm được chế tạo, sản xuất bằng hình thức công nghiệp hoặc thủ công, tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện. 
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng và khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
  • Các hành vi bị cấm về quản lý, sử dụng pháo theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP như sau:
    • Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo.
    • Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào khu vực cấm, nơi cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ hoặc vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
    • Sản xuất, nghiên cứu, chế tạo, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển, cung cấp pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP.
    • Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
    • Tặng, cho, trao đổi, gửi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố thuốc pháo hoặc pháo hoa nổ để sản xuất pháo trái phép; bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy pháo làm ảnh hưởng đến môi trường hoặc không bảo đảm an toàn.
    • Không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, làm sai lệch hoặc che giấu thông tin về việc thất thoát, mất, sự cố, tai nạn về pháo, thuốc pháo; cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo.
    • Giao thuốc pháo, pháo hoa nổ cho cá nhân, cơ quan, tổ chức không đủ điều kiện theo quy định.
    • Chiếm đoạt, trao đổi, tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, sửa chữa, tẩy xóa, cầm cố, làm giả, các loại giấy phép về pháo.
    • Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, huấn luyện cách thức sản xuất, sử dụng, chế tạo trái phép pháo dưới mọi hình thức.

 

Mức phạt khi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép (ảnh minh họa)

2. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi về pháo

  1. Trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi đốt pháo nổ:
  • Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội gây rối trật tự nơi công cộng và mục II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, cụ thể như sau:
    • Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với một trong các hành vi: Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người; Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo; Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy; Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác.
    • Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các hành vi: Đã bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng” theo quy định trên; Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ); Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo; Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.
    • Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật này, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.
  • Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 BLHS, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại Điều 134 BLHS.
  1. Trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ và thuốc pháo:
  • Theo quy định tại  mục III Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng trái phép pháo nổ thì người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán  trái phép  hoặc chiếm đoạt thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” theo Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.Cụ thể như sau:
    • Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ…
    • Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì: Có tổ chức; Làm chết người; Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam; Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Vận chuyển, mua bán qua biên giới;  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm.
  1. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết 02 người; Thuốc nổ các loại từ 30 kg đến dưới 100 kg; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng.
  2. Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Thuốc nổ các loại 100 kg trở lên; Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi về pháo

  • Theo Điều 11 Nghị định số 144/2022/NĐ-CP quy về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi về pháo như sau:

(1) Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo không còn giá trị sử dụng;

(2)  Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Làm giả các loại giấy xác nhận, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo;

-Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, mượn, cho mượn, cho, tặng, thuê, nhận cầm cố, cho thuê, cầm cố, các loại giấy xác nhận, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo;

- Giao thuốc pháo, pháo hoa nổ cho cá nhân, cơ quan, tổ chức không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo, không báo cáo, báo cáo không kịp thời về việc mất, tai nạn, thất thoát, sự cố về pháo, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ;

- Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo;

- Không xuất trình, giao nộp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vật liệu nổ;

- Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi sản xuất, chế tạo, mang, mua, xuất khẩu, bán, nhập khẩu, sửa chữa, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại pháo;

- Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy xác nhận, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.

(3) Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

- Vận chuyển hoặc tiêu hủy vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

- Trao đổi, tặng, cho, gửi, cho mượn, mượn, thuê, cầm cố pháo hoa nổ, cho thuê pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vật liệu nổ;

(4) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

- Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vật liệu nổ.

(5)  Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với mang vào khu vực cấm, nơi cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ hoặc mang trái phép pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

(6)  Hình thức phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng.

(7) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ được xử lý, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

(8) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.

Xem thêm:

Hành vi hành hạ trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Tội giết con mới đẻ bị xử phạt như thế nào?

Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Mức phạt khi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép theo quy định mới nhất năm 2022 của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.