Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Một số điều cần biết về chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Một số điều cần biết về chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

22/06/2022


MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHỨNG THỰC
HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực.

2. Một số giấy tờ khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

3. Trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

  • Trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các bên phải làm thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định. Thực tế cho thấy, rất nhiều cá nhân khi tham gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lúng túng chưa nắm rõ các loại giấy tờ cần thiết khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vậy trình tự, thủ tục và những yêu cầu gì khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về nội dung nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Người yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực

Người yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực (Ảnh minh họa).

1. Trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực:

  • Theo Điều 35 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hướng dẫn về người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch và người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch phải có trách nhiệm như sau:
  • Về nội dung hợp đồng, giao dịch; tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ liên quan đến hợp đồng, giao dịch thì người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch phải chịu trách nhiệm.
  • Về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; ý chí tự nguyện, năng lực hành vi dân sự, điểm chỉ hoặc chữ ký của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch thì người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch phải chịu trách nhiệm. Trường hợp, hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội thì người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. Một số giấy tờ khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

  • Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hướng dẫn người yêu cầu chứng thực cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
  • Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
  • Bản sao căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực (kèm theo bản gốc để đối chiếu);
  • Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì cần có Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa tính mạng (kèm theo bản gốc để đối chiếu).
  • Như vậy, khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cần chuẩn bị: Dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị (bản sao và bản gốc để đối chiếu); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ hợp pháp có liên quan đến việc sử dụng đất.
  • Lưu ý: Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, tại thời điểm chứng thực, hồ sơ bảo đảm đầy đủ, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, minh mẫn thì thực hiện chứng thực.

 Thủ tục chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Thủ tục chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa).

3. Trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

  Theo khoản 3, 4, 5 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hướng dẫn về trình tự thực hiện chứng thực như sau:

  • Đối với các bên tham gia hợp đồng, giao dịch:
  • Phải ký tên trước mặt người thực hiện chứng thực hoặc phải điểm chỉ (trong trường hợp không ký được) hoặc phải có 02 người làm chứng (trong trường hợp không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được).
    • Yêu cầu của người làm chứng trong trường hợp này phải có đủ năng lực hành vi dân sự và trong hợp đồng, giao dịch không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan.
  • Trường hợp bên tham gia hợp đồng là người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng. Trong trường hợp này, người thực hiện chứng thực có thể yêu cầu người đó ký trước mặt nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu; trước khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu.
  • Đối với người thực hiện chứng thực:
  • Tùy vào từng loại hợp đồng, giao dịch theo mẫu quy định thì người thực hiện chứng thực ghi lời chứng tương ứng.
  • Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
  • Đối với hợp đồng, giao dịch có từ 02 trang trở lên:
  • Yêu cầu phải đánh số thứ tự theo từng trang, có chữ ký của người thực hiện chứng thực và người yêu cầu chứng thực theo từng trang, đóng dấu giáp lai.
  • Tại trang cuối của hợp đồng, giao dịch phải ghi số lượng trang và lời chứng.
  • Đối với hợp đồng, giao dịch phải phiên dịch: Nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung lời chứng cho người yêu cầu chứng thực phải được người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác và ký vào từng trang hợp đồng với tư cách là người phiên dịch.
  • Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực thì thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 ngày làm việc hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

  • Trên cơ sở Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thì trình tự, thủ tục thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:
  • Cá nhân chuẩn bị Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi thực hiện việc chứng thực theo hướng dẫn nêu trên; Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp; Giấy tờ tùy thân (Căn cước công dân, Hộ chiếu), giấy tờ khác có liên quan và nộp cho Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã. Ở địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
  • Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ hợp lệ, gửi cơ quan thuế về thông tin địa chính để cơ quan thuế xác định và thông báo cho hộ gia đình về nghĩa vụ tài chính trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp nội dung biến động theo quy định (trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định); chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.

Xem thêm:

Chuyển đổi quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam.
Hai bên giao kết hợp đồng đặt cọc mua bán nhà có bắt buộc phải công chứng không?
Những vấn đề liên quan khi xin cấp giấy chứng nhận chủ “quyền nhà đất”.
Có được hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng?

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Một số điều cần biết về chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.