Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu cần đáp ứng các yêu cầu nào?

Giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu cần đáp ứng các yêu cầu nào?

30/05/2022


GIẤY ỦY QUYỀN ĐĂNG KÝ THƯƠNG HIỆU
CẦN ĐÁP ỨNG CÁC YÊU CẦU NÀO?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Đăng ký thương hiệu.

2. Giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu.

3. Nội dung giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu.

  Để thương hiệu được bảo hộ theo quy định thì bắt buộc tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên, thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân không muốn trải qua các thủ tục pháp lý phức tạp thì thông thường sẽ ủy quyền cho một người khác thực hiện thủ tục đăng ký thương hiệu. Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân (bên ủy quyền) sẽ làm giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu cho bên nhận ủy quyền. Như vậy, nội dung giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu gồm những gì? Thời hạn ủy quyền đăng ký thương hiệu như thế nào? Bài viết sau đây sẽ phân tích một số quy định pháp luật về nội dung đơn ủy quyền đăng ký thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Đăng ký thương hiệu

Đăng ký thương hiệu (Ảnh minh họa)

1. Đăng ký thương hiệu

  1. Thương hiệu là gì?
  • Thương hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt dịch vụ, hàng hóa của cá nhân, tổ chức khác nhau. Đăng ký thương hiệu là cách để chủ sở hữu bảo hộ độc quyền thương hiệu của mình.
  • Ví dụ: Thương hiệu Honda sẽ phân biệt với thương hiệu Toyota cho nhóm sản phẩm là xe ô tô
  1. Hồ sơ đăng ký thương hiệu gồm những gì?

  Trên cơ sở quy định tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ thì hồ sơ đăng ký thương hiệu cần có: Tờ khai đăng ký theo mẫu; mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; Giấy ủy quyền nếu có; Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu có; tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu có; chứng từ nộp phí, lệ phí.

  Trong đó yêu cầu:

  • Đối với Danh mục hàng hóa: Theo Thỏa ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, sắp xếp hàng hóa, dịch vụ vào các nhóm phù hợp theo danh mục hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, công bố quyền sở hữu công nghiệp theo cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
  • Đối với mẫu nhãn hiệu: Mô tả mẫu nhãn hiệu (nếu có); Phiên âm từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình nếu nhãn hiệu có từ, ngữ này; Dịch từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt nếu nhãn hiệu có từ, ngữ này.
  • Đối với Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận: Chủ sở hữu nhãn hiệu (tổ chức, cá nhân); sử dụng nhãn hiệu cần điều kiện gì; hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu có đặc tính gì; các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được đánh giá bằng phương pháp nào và kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu được đánh giá bằng phương pháp nào; người sử dụng nhãn hiệu phải trả chi phí cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
  • Đối với Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể: Chủ sở hữu nhãn hiệu (tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể); để trở thành thành viên của tổ chức tập thể cần có tiêu chuẩn gì; danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu; sử dụng nhãn hiệu cần điều kiện gì; khi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu có biện pháp xử lý gì.
  1. Thời hạn giải quyết đơn đăng ký thương hiệu

  Theo Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về thời hạn xử lý đơn đăng ký hữu công nghiệp như sau:

  • Thời hạn thẩm định hình thức để giải quyết đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
  • Thời hạn thẩm định nội dung để giải quyết đơn đăng ký sáng chế là không quá 18 tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
  • Thời hạn thẩm định nội dung để giải quyết đơn đăng ký nhãn hiệu là không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
  • Thời hạn thẩm định nội dung để giải quyết đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là không quá 07 tháng kể từ ngày công bố đơn.
  • Thời hạn thẩm định nội dung để giải quyết đơn đăng ký đối với chỉ dẫn địa lý là không quá 06 tháng kể từ ngày công bố đơn.
  • Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký bằng 2/3 thời hạn thẩm định lần đầu, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.
  • Như vậy, đối với đơn đăng ký thương hiệu thì thời hạn giải quyết là không quá 09 tháng kể từ ngày nộp đơn.

2. Giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu

  1. Khi nào thực hiện ủy quyền đăng ký thương hiệu:
  • Theo khoản 1 Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ quy định khi thực hiện việc xác lập, gia hạn, sửa đổi, duy trì, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thì được tiến hành việc ủy quyền và việc ủy quyền phải được lập thành giấy ủy quyền.
  • Giấy ủy quyền là văn bản pháp lý giữa người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền với mục đích đại diện cho mình để thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi theo nội dung quy định tại giấy ủy quyền.
  • Như vậy, khi đăng ký thương hiệu có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện. Người được ủy quyền có quyền nộp đơn đăng ký thương hiệu nếu trong nội dung văn bản ủy quyền có quy định về nội dung này.
  1. Thời hạn giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu:
  • Trường hợp văn bản ủy quyền không có quy định về thời hạn ủy quyền là bao lâu thì thời hạn ủy quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên ủy quyền tuyên bố chấm dứt ủy quyền theo khoản 3 Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ quy định.

 Nội dung giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu

Nội dung giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu (Ảnh minh họa)

3. Nội dung giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu

  • Theo khoản 1 Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về nội dung giấy ủy quyền như sau:
    • Thông tin của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền (họ và tên, địa chỉ);
    • Phạm vi ủy quyền;
    • Thời hạn ủy quyền;
    • Ngày lập giấy ủy quyền;
    • Chữ ký, con dấu của bên ủy quyền.
  • Lưu ý: Trường hợp giấy ủy quyền có thể được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt nhưng phải được dịch ra Tiếng Việt.
  • Như vậy, khi cá nhân, tổ chức thực hiện việc thủ tục đăng ký thương hiệu có thể thông qua người ủy quyền theo văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật và nội dung giấy ủy quyền phải bảo đảm như trên để hợp lệ và có giá trị pháp lý. Khi soạn thảo giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu, người nộp đơn cần lưu ý rằng giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu có giá trị hiệu lực kể từ ngày ký văn bản ủy quyền cho đến ngày nhận được văn bằng bảo hộ thương hiệu hoặc giữa hai bên có sự thỏa thuận khác đảm bảo theo quy định pháp luật.

Xem thêm:

Cách kiểm tra nhãn hiệu có bị trùng hay không?
Doanh nghiệp nên lựa chọn bảo hộ logo dưới dạng nhãn hiệu hay bản quyền tác giả.
Đăng ký logo độc quyền nhanh nhất năm 2022.
Bảo hộ nhãn hiệu và ý nghĩa của việc bảo hộ nhãn hiệu.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Giấy ủy quyền đăng ký thương hiệu cần đáp ứng các yêu cầu nào? của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.