Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Chị P có phạm tội “Tội gây rối trật tự công cộng” ?

Chị P có phạm tội “Tội gây rối trật tự công cộng” ?

24/08/2021


Câu hỏi:

  Chị Trần Thị M, sinh năm 1971, bán thịt lợn tại chợ Q phường Q, quận P, thành phố M. Qua công việc bán hàng, chị M có quen biết Trần Thị P, sinh năm 1989, nhà gần chợ. Do cần tiền kinh doanh nên từ năm 2017 đến đầu năm 2018, chị M đã vay của P số tiền 465.000.000 đồng, với lãi suất theo thỏa thuận. Đến cuối tháng 10/2017 chị M đã trả cho P 53.000.000 đồng, còn nợ 412.000.000 đồng, hẹn thu xếp trả tiếp 200.000.000đ vào ngày 31/10/2018. Khoảng 10g ngày 31/10/2018, P ra hàng thịt gặp chị M và nói: “Hôm nay là đến hạn trả 200.000.000 đồng, chị lo thu xếp cho em”. Chị M nói: “Chị đã đóng cho em 1.000.000 đồng/ ngày từ ngày 7/8/2017, em xem được bao nhiêu thì trừ đi cho chị, còn lại cho chị trả dần”. P không đồng ý và yêu cầu chị M phải trả đủ số tiền đã cam kết là 200.000.000 đồng.  Chị M nói: “Để chị về bàn bạc với chồng chị xem thế nào”. Trong khoảng thời gian từ 11g 20 đến 13g 54 cùng ngày, P đã nhiều lần gọi điện cho chị M để đòi tiền. Chị M trả lời là đang đi lấy tiền và hẹn P đến 14g sẽ trả tiền. Do không vay được tiền trả nợ nên khoảng 13g, chị M nhắn tin qua điện thoại cho P với nội dung: “P ơi, em mở đường sống cho chị, cho chị đóng mỗi ngày 1.000.000 đồng”. P gọi điện lại cho chị M hẹn về nhà P nói chuyện, chị M đồng ý. Đến 14g, không thấy chị M đến nhà như đã hẹn, nên P sang nhà mẹ đẻ gần nhà P lấy một con dao phay loại dao chặt xương, rồi đi bộ về nhà. Khi đi đến gần chợ, nhìn thấy chị M đang đứng bán thịt, P hỏi: “Tiền của em chị tính thế nào?”. Chị M trả lời là không lấy được tiền hàng và không có khả năng trả nợ, xin trả dần với số tiền 1.000.000 đồng/ ngày. P bực tức nói: “Thế thì nát hết tiền của người ta à?!” và dùng con dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị M, mục đích là bắt chị M phải trả ngay số tiền như đã hứa. Hai bên giằng co con dao khiến chị M bị rách da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Thấy hai người giằng co nên mọi người can ngăn. P cầm điện thoại của chị M xóa hết phần tin nhắn trong điện thoại và đưa cho N là em trai P, bảo N gọi điện thoại cho anh Nguyễn Văn B (là chồng chị M) và nói: “Anh lo trả tiền cho P đi, nó đang đánh bà M ở ngoài này”. Cùng lúc này thấy ngón tay cái của chị M bị chảy máu, chị Nguyễn Thị V là hàng xóm, đưa chị M vào nhà để băng bó, còn P tiếp tục đứng ngoài chửi chị M, bắt phải trả tiền. Nhận được tin báo, Công an phường Q đã đến giải quyết sự việc, yêu cầu P và chị M về phường làm việc, sau đó đưa chị M đi khám và điều trị vết thương. Tại Giấy chứng thương số 305 ngày 31/10/2017 của bệnh viện T xác định thương tích của chị M: “Sưng nề nhẹ vùng gò má bên trái, ấn đau; xước da ngón 1 tay phải”. Trong quá trình điều tra chị M từ chối đi giám định tỷ lệ thương tật, không yêu cầu bồi thường về dân sự và đề nghị xử lý Nguyễn Thị P theo quy định của pháp luật. Hiện tại chị M cùng chồng vắng mặt tại nơi cư trú. Cơ quan công an đã nhiều lần về địa phương xác minh nhưng gia đình và chính quyền địa phương không biết hai vợ chồng hiện ở đâu, làm việc gì. Xin hỏi hành vi của Trần Thị P, phạm tội gì?

 

Trả lời:

  •   Do chị M từ chối đi giám định vì vậy, với hành vi trên P đã phạm tội “Tội gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 BLHS. Từ quy định của điều luật này có thể khái quát khái niệm tội gây rối trật tự công cộng như sau: “Tội gây rối trật tự công cộng là hành vi gây mất trật tự công cộng, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự công cộng.”
  •   Hành vi phạm tội được quy định tại điều luật này là hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là những hành vi làm mất trật tự công cộng như: tập trung đông người gây náo động ở nơi công cộng, đuổi đánh nhau, hò hét gây mất trật tự công cộng, đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá tài sản ở những nơi tập trung đông người…
  •   Cần lưu ý đối với những trường hợp mặc dù hành vi của người phạm tội xâm phạm trật tự công cộng nhưng chúng lại đồng thời, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của một tội khác nguy hiểm hơn thì không thể chỉ xét xử những người phạm tội gây rối trật tự công cộng mà còn cần phải xét xử họ về tội nguy hiểm hơn mà hành vi đã cấu thành.
  •   Dấu hiệu về địa điểm phạm tội: trước đây địa điểm phạm tội của tội phạm này phải là “nơi công cộng” đây là câu thành tội phạm bắt buộc, tuy nhiên theo quy định của Bộ luật hình sự mới nhất thì chỉ cần gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là đủ cấu thành tội phạm.
  •   Tội gây rối trật tự công cộng có 02 khung hình phạt chính. Đó là:
    •   Người nào gây rối trật tcông cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
    •   Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
      • a) Có tổ chức;
      • b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
      • c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
      • d) Xúi giục người khác gây rối;
      • đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
      • e) Tái phạm nguy hiểm.
  •   Với việc P sử dụng con dao phay để đe dọa chị M, đã cấu thành tình tiết tăng nặng định khung là dùng hung khí. Vì vậy P phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b, khoản 2, Điều 318 BLHS.