Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Vốn điều lệ thành lập công ty là gì? Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ thành lập công ty

Vốn điều lệ thành lập công ty là gì? Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ thành lập công ty

12/05/2022


VỐN ĐIỀU LỆ THÀNH LẬP CÔNG TY LÀ GÌ?
CÁC TRƯỜNG HỢP TĂNG, GIẢM VỐN ĐIỀU LỆ THÀNH LẬP CÔNG TY

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về vốn điều lệ.

2. Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ của công ty hợp danh.

3. Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần.

4. Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn.

  Khi thành lập công ty thì việc góp vốn là một trong những điều kiện đặt ra đầu tiên đối với các thành viên, chủ sở hữu công ty. Tùy theo từng loại hình công ty mà tăng, giảm vốn điều lệ khác nhau. Vậy Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định như thế nào về vấn đề tăng, giảm vốn điều lệ? Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Vốn điều lệ thành lập công ty

Vốn điều lệ thành lập công ty (Ảnh minh họa)

1. Quy định về vốn điều lệ

  • Vốn điều lệ theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2020 là:
  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty;
  • Đối với công ty cổ phần: Vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty.

Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ công ty  

Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ công ty (ảnh minh họa)

2. Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ của công ty hợp danh

  • Công ty hợp danh có thể tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn để tăng vốn điều lệ.
  • Trong đó, thành viên hợp danh phải là cá nhân và chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình; thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty về các khoản nợ của công ty.
  • Công ty hợp danh có thể chấm dứt tư cách thành viên hợp danh để giảm vốn điều lệ.
  • Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách theo quy định tại khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp: Bị khai trừ khỏi công ty; tự nguyện rút vốn khỏi công ty; chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật; Điều lệ công ty quy định trường hợp khác.

3. Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần

  • Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp và có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo quy định pháp luật.
  • Tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán được xác định là vốn điều lệ của công ty cổ phần.
  • Tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty được xác định là vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
  • Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ theo quy định tại khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    • Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
    • Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp năm 2020;
    • Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty theo quy định tại Điều 133 Luật Doanh nghiệp năm 2020;
    • Các cổ đông thanh toán vốn điều lệ không đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

4. Trường hợp giảm, tăng vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn

  1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp.
    • Tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty được xác định là vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
    • Để tăng vốn điều lệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể tăng vốn góp của thành viên hoặc tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
    • Để giảm vốn điều lệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc các thành viên thanh toán vốn điều lệ không đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.
  1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
    • Tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty được xác định là vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
    • Để tăng vốn điều lệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bằng cách chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
    • Để giảm vốn điều lệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty hoặc chủ sở hữu công ty thanh toán vốn điều lệ không đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Xem thêm:

Thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn?
Cần bao nhiêu vốn để thành lập công ty?
Tư vấn về 3 loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay.
Có nên thành lập thành lập doanh nghiệp tư nhân?

  • Trên đây là một số quy định pháp luật Vốn điều lệ thành lập công ty là gì? Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ thành lập công ty của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.