Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tổng hợp mức phạt hành chính đối với người sử dụng lao động vi phạm giao kết hợp đồng lao động mới nhất hiện nay

Tổng hợp mức phạt hành chính đối với người sử dụng lao động vi phạm giao kết hợp đồng lao động mới nhất hiện nay

04/06/2022


TỔNG HỢP MỨC PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
VI PHẠM GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG MỚI NHẤT HIỆN NAY

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hợp đồng lao động là gì?

2. Hình thức hợp đồng lao động.

3. Xử phạt vi phạm hành chính về giao kết hợp đồng lao động.

  Hợp đồng lao động có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, là cơ sở để bảo đảm chế độ lao động, quyền, lợi ích của người lao động tại nơi làm việc. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp, người sử dụng lao động lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của người lao động hoặc lợi dụng vào nhu cầu đang cần việc làm của người lao động mà yêu cầu người lao động làm vượt quá so với hợp đồng lao động hoặc làm những công việc không đúng theo hợp đồng lao động đã giao kết. Vậy pháp luật quy định như thế nào đối với các trường hợp vi phạm về giao kết hợp đồng lao động. Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Hợp đồng lao động là gì?

Hợp đồng lao động là gì? (ảnh minh họa).

1. Hợp đồng lao động là gì?

  • Theo Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định giữa người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về việc làm có trả tiền lương, trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ các bên thì được xem là hợp đồng lao động. Trường hợp hai bên có sự thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng nội dung mang tính chất của hợp đồng lao động vì có việc làm, có tiền lương, có trả công, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn xem là hợp đồng lao động.
  • Người lao động phải thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động trước khi vào làm việc.

2. Hình thức hợp đồng lao động:

  • Theo Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định có 02 hình thức của hợp đồng lao động là bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Trong đó:
  • Người sử dụng lao động và người lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
  • Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
  • Trường hợp, hợp đồng lao động bằng lời nói thì giá trị hợp đồng có thời hạn trong vòng 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Lao động năm 2019.

 Xử phạt vi phạm hành chính về giao kết hợp đồng lao động

Xử phạt vi phạm hành chính về giao kết hợp đồng lao động.

3. Xử phạt vi phạm hành chính về giao kết hợp đồng lao động:

  • Ngày 17/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, quy định xử phạt hành chính có liên quan đến việc giao kết hợp đồng lao động như sau:

(1) Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

Theo Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định:

- Khi người sử dụng lao động có một trong các hành vi về giao kết hợp đồng lao động như: các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động không đầy đủ theo quy định của pháp luật; khi người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên không kết hợp đồng lao động bằng văn bản; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; không giao kết hợp đồng lao động với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng bằng văn bản thì bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây:

+ Trường hợp vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động bị phạt tiền 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng;

+ Trường hợp vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động  bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng;

+  Trường hợp vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động  bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng;

+ Trường hợp vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng;

+ Trường hợp vi phạm từ 301 người lao động trở lên bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

- Khi người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà người sử dụng lao động thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người đó; để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng lao động người sử dụng lao động buộc người lao động phải bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác; khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động giữ văn bằng hoặc chứng chỉ, bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

-Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Đối với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên: buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản;

+ Đối với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng: buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản;

+ Đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động: buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động;

+ Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động;

+ Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

 (2) Vi phạm về hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng:

Theo Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

-Khi người sử dụng lao động yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn 01 tháng thì bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

- Khi người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu động. Ngoài ra, người sử dụng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

(3) Không ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

(4) Giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó.

Theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

(5) Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

Theo Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động bị phạt cảnh cáo.

Xem thêm:

Những điều nên biết trước khi ký kết hợp đồng lao động.
Những điều NLĐ cần biết về tiền lương quy định tại BLLĐ 2019.

Các trường hợp được nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần.
Có bao nhiêu loại hợp đồng lao động hiện nay?

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Tổng hợp mức phạt hành chính đối với người sử dụng lao động vi phạm giao kết hợp đồng lao động mới nhất hiện nay của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.