Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tìm hiểu về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Tìm hiểu về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

11/03/2022


TÌM HIỂU VỀ QUAN HỆ DÂN SỰ

CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?

2. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

3. Áp dụng điều ước quốc tế đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

4. Áp dụng tập quán quốc tế.

5. Áp dụng pháp luật nước ngoài.

6. Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến.

7. Áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật.

8. Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài.

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (ảnh minh họa)

  Thông qua bài viết này, Luật Thịnh Trí xin phép gửi đến quý khách hàng những quy định liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

1. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?

  • Theo quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 thì quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong những trường hợp dưới đây:
  • Các quan hệ dân sự, lao động, thương mại, kinh doanh, hôn nhân và gia đình có ít nhất một trong những bên tham gia là cá nhân, tổ chức, cơ quan nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
  • Các quan hệ dân sự, lao động, thương mại, kinh doanh, hôn nhân và gia đình mà các bên tham gia là tổ chức, công dân Việt Nam, nhưng căn cứ để xác lập, chấm dứt, thay đổi phát sinh ở nước ngoài, theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ ở nước ngoài.
  • Theo như thông thường thì khi xem xét một quan hệ pháp luật người ta thường tiếp cận ở các góc độ khách thể, chủ thể, sự kiện pháp luật. Đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng vậy, nếu thỏa mãn các điều kiện về khách thể, chủ thể và sự kiện pháp lý thì quan hệ dân sự đó được xem là quan hệ dân sự có yếu nước ngoài. Trong đó, điều kiện về khách thể, chủ thể và sự kiện pháp lý như sau:
    • Về chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia quan hệ dân sự là cá nhân, tổ chức, cơ quan nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
    • Về khách thể: Các bên tham gia là tổ chức, công dân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
    • Về sự kiện pháp lý: Các bên tham gia là các bên tham gia là tổ chức, công dân Việt Nam nhưng việc xác lập, chấm dứt, thay đổi quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài.
  • Ví dụ: bà Nguyễn Thị B (có quốc tịch Việt Nam) đã thực hiện ký hợp đồng để mua một căn nhà tại Mỹ với công ty A (là pháp nhân Việt Nam). Sau đó, hợp đồng này đã xảy ra tranh chấp. Khi đó, theo như quy định tại điểm c khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 thì đây là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài vì đối tượng của quan hệ dân sự này là căn nhà ở nước ngoài.
  • Trong đó:
    • “Người nước ngoài” được hiểu là người này không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người không quốc tịch và người có quốc tịch nước ngoài.
    • “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” được hiểu người gốc Việt Nam và có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống, làm ăn, cư trú lâu dài ở nước ngoài.
    • “Cơ quan, tổ chức nước ngoài” là những tổ chức, cơ quan không phải là tổ chức, cơ quan Việt Nam được thành lập theo pháp luật nước ngoài, bao gồm cả tổ chức, cơ quan quốc tế được thành lập theo pháp luật quốc tế.
    • “Pháp nhân nước ngoài” là những pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài.

2. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

  • Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên.
  • Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định các bên có quyền lựa chọn thì được xác định theo lựa chọn của các bên.
  • Tuy nhiên, pháp luật áp dụng trong trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo những quy định nêu trên là pháp luật nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.

3. Áp dụng điều ước quốc tế đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

  • Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về nghĩa vụ và quyền đối với các bên tham gia quan hệ dân sự mà có yếu tố nước ngoài thì sẽ áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
  • Trong trường điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác so với quy định của luật khác và Phần này về pháp luật áp dụng đối với những quan hệ dân sự mà có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó sẽ được áp dụng.

4. Áp dụng tập quán quốc tế

  • Các bên sẽ được lựa chọn tập quán quốc tế đối với trường hợp pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài mà luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định các bên có quyền lựa chọn. Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng nếu như hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

 Áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (ảnh minh họa)

5. Áp dụng pháp luật nước ngoài

  • Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng có cách hiểu khác nhau thì khi thực hiện việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó.

6. Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến

  • Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm những quy định về nghĩa vụ, quyền của các bên tham gia quan hệ dân sự và xác định pháp luật áp dụng.
  • Quy định của pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ, quyền của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng trong trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam.
  • Trong trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của một nước thứ ba nào đó thì quy định của pháp luật nước thứ ba này về nghĩa vụ, quyền của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
  • Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về nghĩa vụ, quyền của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm những quy định về việc xác định pháp luật áp dụng.

7. Áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật

  • Pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định trong trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến.

8. Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài

  • Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, trong những trường hợp dưới đây, pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng:
    • Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
    • Mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng không xác định được nội dung của pháp luật nước ngoài.
  • Pháp luật Việt Nam được áp dụng trong trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định được nêu trên.

Xem thêm:

Những vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự.
Giao dịch dân sự có những hình thức nào?
Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là nội dung Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.