Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những quy định của pháp luật về Hợp đồng ủy quyền mới nhất

Những quy định của pháp luật về Hợp đồng ủy quyền mới nhất

28/01/2022


NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
VỀ HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN MỚI NHẤT

Hợp đồng ủy quyền là gì?

Hình 1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

  Ngày nay, không phải lúc nào các cá nhân, tổ chức cũng có thể trực tiếp tham gia xác lập, thực hiện một số giao dịch nhất định. Vì vậy, pháp luật cho phép họ ủy quyền cho bên thứ ba để thực hiện một số công việc trong phạm vi ủy quyền. Xuất phát từ lý do trên, hợp đồng ủy quyền được hình thành và pháp luật dân sự cũng đã ban hành các quy định cụ thể điều chỉnh loại Hợp đồng này.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

2. Thời hạn ủy quyền.

3. Ủy quyền lại.

4. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền.

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

  • Hiện nay, khái niệm hợp đồng ủy quyền được BLDS 2015 ghi nhận tại Điều 562. Hợp đồng ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, khi đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
  • Qua khái niệm nêu trên, có thể thấy hợp đồng ủy quyền mang những đặc trưng sau:
  • Thứ nhất, hợp đồng ủy quyền là hợp đồng song vụ. Nghĩa là, các bên trong hợp đồng đều có nghĩa vụ đối ứng với nhau. Cụ thể:
  • Bên ủy quyền phải cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc. Đồng thời bên ủy quyền có trách nhiệm thanh toán chi phí hợp lý và thù lao cho bên được ủy quyền (nếu có thỏa thuận).
  • Bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc theo ủy quyền; bảo quản, giữ gìn và giao lại cho bên ủy quyền các phương tiện, tài liệu, lợi ích đã nhận.
  • Thứ hai, hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Hiểu một cách đơn giản nếu bên được ủy quyền nhận thù lao thì đây là hợp đồng có đền bù. Nếu bên được uỷ quyền thực hiện công việc uỷ quyền mang tính chất giúp đỡ, tương trợ mà không nhận thù lao thì đây là hợp đồng không có đền bù.
  • Thứ ba, đối tượng của hợp đồng ủy quyền là công việc có thể thực hiện và không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội.

2. Thời hạn ủy quyền

  • Thời hạn hợp đồng được hiểu là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác, trong khoảng thời gian này các bên sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Theo quy định tại Điều 563 BLDS 2015, thời hạn của hợp đồng ủy quyền được xác định theo 03 trường hợp sau đây:
    • Thứ nhất, thời hạn ủy quyền dựa trên thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Theo đó, khi giao kết hợp đồng các bên có thể thỏa thuận cụ thể thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn công việc ủy quyền (Ví dụ: Hợp đồng này bắt đầu vào ngày A và kết thúc vào ngày B) hoặc thỏa thuận thời hạn theo số năm, tháng, tuần, ngày, … (Ví dụ: Hợp đồng này có hiệu lực trong vòng 01 năm kể từ ngày A).
    • Thứ hai, theo quy định cụ thể của pháp luật.
    • Thứ ba, nếu không thuộc hai trường hợp nêu trên thì thời hạn ủy quyền được pháp luật quy định rõ là 01 năm kể từ ngày xác lập ủy quyền.

3. Ủy quyền lại

  • Mặc dù hợp đồng ủy quyền đã được xác lập nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp bên được ủy quyền không đủ khả năng hoặc vì lý do nhất định nào đó không thể thực hiện được công việc ủy quyền. Nhằm lường trước cũng như có biện pháp giải quyết các trường hợp này, pháp luật hiện hành cho phép bên được ủy quyền thực hiện việc ủy quyền lại.
  • Như vậy, ủy quyền lại theo khoản 1 Điều 564 BLDS 2015 là việc bên được ủy quyền ủy quyền cho người thứ ba thay mặt mình thực hiện công việc đã được ủy quyền. Nhìn chung, không phải lúc nào cũng được thực hiện việc ủy quyền lại, Điều 564 quy định chỉ được thực hiện trong hai trường hợp sau đây:
    • Một là, có sự đồng ý của bên ủy quyền;
    • Hai là, do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được. Theo Điều 156 BLDS 2015, sự kiện bất khả kháng được hiểu là (i) sự kiện xảy ra một cách khách quan, (ii) không thể lường trước được, và (iii) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
  • Một điều cần phải lưu ý là phạm vi ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Bên cạnh đó, hình thức của hợp đồng ủy quyền phải phù hợp với hình thức của hợp đồng ủy quyền ban đầu.

 Ủy quyền lại theo quy định pháp luật

Hình 2. Ủy quyền lại theo quy định pháp luật

4. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

  Dựa vào đặc điểm của hợp đồng ủy quyền, theo Điều 569 BLDS 2015 việc đơn phương chấm dứt thực hiện loại hợp đồng này được chia thành hai trường hợp sau:

  • Trường hợp 1: Hợp đồng ủy quyền có đền bù (ủy quyền có thù lao)
  • Đối với bên ủy quyền:
  • Có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào.
  • Phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện.
  • Phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền này gây thiệt hại thực tế và trực tiếp.
  • Đối với bên được ủy quyền:
  • Có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào.
  • Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền này gây thiệt hại thực tế và trực tiếp.
  • Trường hợp 2: Hợp đồng ủy quyền không có đền bù (ủy quyền không có thù lao)
  • Bên ủy quyền và bên được ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên còn lại trong một thời gian hợp lý.
  • Lưu ý:  Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền (cả trường hợp 1 và 2), bên ủy quyền phải có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho người thứ ba về việc việc chấm dứt này. Trong trường hợp không thông báo thì các giao dịch được thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết/ hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
  • Tóm lại, hợp đồng ủy quyền là một trong các loại hợp đồng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Do đó, các cá nhân, tổ chức cần phải hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật về hợp đồng ủy quyền để xác lập, thực hiện và chấm dứt hợp đồng một cách thuận lợi và hợp pháp.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Hợp đồng gửi giữ tài sản.

Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về hợp đồng ủy quyền. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí