Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những điều cần biết về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Những điều cần biết về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

27/12/2021


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ
BẢO LƯU THỜI GIAN ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hiểu đúng về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?

2. Những trường hợp người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHTN.

3. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tính như thế nào?

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (ảnh minh họa)

  Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là một trong những quyền lợi của người lao động khi tham bảo hiểm thất nghiệp. Khi bảo lưu thời gian đóng, người lao động có thể tính thời gian này cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo. Dưới đây là những điều quan trọng mà người lao động cần biết về bảo lưu thời gian đóng bào hiểm thất nghiệp.

1. Hiểu đúng về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?

  • Hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về khái niệm bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, có thể hiểu, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là việc người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp và đã đủ điều kiện để NLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng với một số lý do nào đó chẳng hạn như: Người lao động chưa muốn nhận tiền ngay lúc này; Đã làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; Người lao động có những tháng chưa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp… thì thời gian chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn này sẽ được bảo lưu lại và cộng dồn cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.

2. Những trường hợp người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHTN

  • Theo quy định tại Điều 9, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì những trường hợp mà người lao động được quyền bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp đối cho lần hưởng tiếp theo bao gồm:
  1. NLĐ không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
    • Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tiến hành việc trả hồ sơ cho người lao động khi đã có quyết định từ Giám đốc Sở LĐTBXH đối với việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp người lao động sau 03 tháng từ từ ngày hết thời hạn trả kết quả mà không đến nhận lại hồ sơ bảo hiểm xã hội thì kể từ ngày cuối cùng của 03 tháng nêu trên, trong thời hạn 03 ngày làm việc, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ chuyển hồ sơ bảo hiểm xã hội của người lao động đó đến BHXH cấp tỉnh để thực hiện việc quản lý.
    • Ví dụ: Bà Lê Thị C đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 24 tháng và được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Ngày 16/4/2020 là ngày trả kết quả ghi trong phiếu hẹn. Tuy nhiên, sau 02 ngày làm việc (nghĩa là ngày 18/4/2020) bà C không đến trung tâm dịch vụ việc làm để nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do vậy, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày bà C không đến trung tâm để nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì, trung tâm sẽ trình lên Giám đốc Sở LĐTBXH để ra quyết định đối với việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà C. Vì bà C không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu là 24 tháng.
  2. Người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp;
    • Khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì tổ chức BHXH căn cứ quyết định đối với việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Khi đó, thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng BHTN vào sổ bảo hiểm xã hội theo sự hướng dẫn từ Bảo hiểm xã hội Việt nam.
    • Ví dụ: Bà Nguyễn Thị B đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian của bà B về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày 20/3/2020-19/6/2020. Tuy nhiên, sau 03 tháng kể từ ngày bà B hết thời hạn để hưởng trợ cấp thất nghiệp (nghĩa là ngày 19/6/2020) mà bà B vẫn không đến để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp đối với tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Do đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà B sẽ được bảo lưu lại là 12 tháng đồng nghĩa với 01 tháng hưởng trợ cấp mà bà B không đến nhận tiền.
  3. NLĐ chưa giải quyết hết số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp
    • Nghĩa là người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 36 thì những tháng người đó chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được bảo lưu.
    • Theo đó, căn cứ vào quyết định từ Giám đốc Sở LĐTBXH đối với việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tổ chức xã hội sẽ thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội
    • Ví dụ: Ông Nguyễn Trần H chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 11/5/2020. Ông H có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 38 tháng. Như vậy, ông H sẽ được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương đương với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp). Có thể thấy, ông H vẫn còn 02 tháng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết và thời gian này sẽ được bảo lưu.
    • Sau khi đã hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì ông H đã giao kết một hợp đồng lao động có thời hạn 10 tháng với doanh nghiệp G và tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Sau 10 tháng làm việc, ông H hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp G và ông đến trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì lần nhận trợ cấp thất nghiệp trước ông H vẫn còn 02 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu nên thời tổng thời gian mà ông H tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng. Trong trường hợp ông H đáp ứng đủ điều kiện và nộp đủ hồ sơ theo quy định thì ông H được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.
  4. NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:
  • Người lao động đi nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự;
  • Người lao động đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Chấp hành các quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Bị toà án tuyên bố mất tích;
  • Người lao động đã tìm được việc làm;
  • Người lao động đang chấp hành hình phạt tù, bị tạm giam.
    • Ví dụ: Ông Trần Văn N có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 37 tháng và ông N sẽ được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, được bảo lưu 01 tháng còn lẻ. Thời gian ông N hưởng trợ cấp thất nghiệp tính từ ngày 02/3/2020 đến ngày 01/6/2020. Trong đó:
      • Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất: Từ ngày 02/3/2020-01/4/2020;
      • Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai: Từ ngày 02/4/2020-01/5/2020;
      • Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba: Từ ngày 02/5/2020-01/6/2020.
    • Tuy nhiên, trong thời gian này ông N bị tạm giam vào ngày 25/4/2020 nên chấm dứt việc hưởng trợ cấp thất nghiệp do đó sẽ không nhận được tháng trợ cấp thất nghiệp cuối cùng và tháng chưa nhận trợ cấp này sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng.
    • Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của ông N được tính tổng là: 1 tháng + 12 tháng = 13 tháng.

Cách tính thời gian đóng BHTN được bảo lưu  

Cách tính thời gian đóng BHTN được bảo lưu (ảnh minh họa)

3. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tính như thế nào?

  • Tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì thời gian bảo lưu đối với bảo hiểm thất nghiệp được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian mà người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Xem thêm:
Các trường hợp được nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần.
Có bao nhiêu loại hợp đồng lao động hiện nay?
Quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
 Những điểm mới về lương, thưởng theo Bộ luật lao động 2019.

  • Trên đây là nội dung Những điều cần biết về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.