Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Một số lưu ý đối với công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài

Một số lưu ý đối với công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài

11/02/2022


MỘT SỐ LƯU Ý ĐỐI VỚI CÔNG DÂN VIỆT NAM CƯ TRÚ
Ở NƯỚC NGOÀI KHI THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ KẾT HÔN Ở NƯỚC NGOÀI

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài là gì?

2. Thẩm quyền đăng ký kết hôn ở nước ngoài.

3. Một số lưu ý về giấy tờ khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài.

4. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn ở nước ngoài.

5. Chi phí đăng ký kết hôn ở nước ngoài.

  Khi công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thực hiện việc đăng ký kết hôn phải đăng ký ở đâu, cần những loại giấy tờ gì khi đăng ký kết hôn và lệ phí đăng ký kết hôn ở nước ngoài là bao nhiêu? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết về các điều nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài đăng ký kết hôn ở nước ngoài

Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài đăng ký kết hôn ở nước ngoài (ảnh minh họa)

1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài là gì?

  • Theo Điều 3 Thông tư số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thì Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, Công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài, Công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài là người đang có quốc tịch Việt Nam được hiểu như sau:
  • Công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài là người đang công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và được nước sở tại cấp giấy tờ cho phép cư trú có thời hạn.
  • Công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài là người được nước sở tại cho hưởng quy chế thường trú.
  • Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài là người tạm trú hoặc thường trú ở nước ngoài.

2. Thẩm quyền đăng ký kết hôn ở nước ngoài

  • Trường hợp, kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn là Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp. Trường hợp công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì phải đảm bảo việc kết hôn phù hợp với pháp luật của nước sở tại.

 Giấy tờ cần thiết khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài

Giấy tờ cần thiết khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài (ảnh minh họa)

3. Một số lưu ý về giấy tờ khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài

  • Thứ nhất, về Tờ khai đăng ký kết hôn: Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;
  • Thứ hai, về Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp không quá 06 tháng;
  • Thứ ba, về Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với bên kết hôn là công dân Việt Nam:
  • Phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú ở Việt Nam cấp trong trường hợp công dân Việt Nam trước khi cư trú ở nước ngoài có thời gian thường trú ở Việt Nam, trong thời gian thường trú ở Việt Nam đã đủ tuổi kết hôn.
  • Phải nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi đã cư trú cấp trong trường hợp công dân Việt Nam đã có thời gian cư trú ở nhiều nước khác nhau.
  • Phải nộp văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở các nơi đã cư trú trước đây và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan trong trường hợp công dân Việt Nam không thể xin được xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi đã cư trú trước đây.
  • Nội dung cam đoan phải thể hiện rõ về thời gian, giấy tờ tùy thân, địa điểm cư trú và tình trạng hôn nhân.
  • Ví dụ: Tôi tên là Trần Văn A, mang hộ chiếu số………, hiện đang cư trú tại……………, cam đoan trong thời gian cư trú tại…………………, từ ngày.... đến ngày... và thời gian cư trú tại ………………, từ ngày.... đến ngày..., không đăng ký kết hôn với ai. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về nội dung cam đoan của mình.
  • Phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài cấp.
  • Phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài không đồng thời có quốc tịch nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng thường trú ở nước thứ ba cấp.
  • Thứ tư, về Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với bên kết hôn là người nước ngoài phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng.
  • Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ Điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
  • Giá trị sử dụng của giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài được xác định theo thời hạn ghi trên giấy tờ. Trường hợp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp.
  • Thứ năm, về bản sao trích lục hộ tịch về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn (nếu có trong trường hợp công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài).

4. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn ở nước ngoài

  • Thời hạn nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ là 10 ngày. Cán bộ lãnh sự thực hiện việc này, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành các biện pháp xác minh và báo cáo Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy các bên đăng ký kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
  • Số lượng ký: 02 bản Giấy chứng nhận kết hôn.
  • Thời hạn tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn là 03 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn do Cơ quan đại diện tổ chức thực hiện.
  • Khi đăng ký kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Cơ quan đại diện. Cán bộ lãnh sự hỏi ý kiến hai bên nam nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn; hướng dẫn hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ đăng ký kết hôn.
  • Giấy chứng nhận kết hôn sẽ được phát cho vợ, chồng mỗi người một bản chính. Tùy theo yêu cầu của vợ, chồng sẽ cấp Trích lục kết hôn (bản sao).
  • Lưu ý: Trường hợp Cơ quan đại diện thông báo cho các bên nam, nữ đến để nhận Giấy chứng nhận kết hôn nhưng một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận thì phải có văn bản đề nghị được gia hạn thời gian tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn.
  • Thời gian gia hạn: Không quá 60 ngày tính từ ngày Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn.
  • Hết thời hạn nêu trên mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì cán bộ lãnh sự báo cáo Thủ trưởng Cơ quan đại diện hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.
  • Trường hợp sau khi bị hủy Giấy chứng nhận kết hôn mà hai bên nam, nữ vẫn muốn xác lập quan hệ hôn nhân thì tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.

5. Chi phí đăng ký kết hôn ở nước ngoài

  • Theo Thông tư số 113/2021/TT-BTC ngày 15/12/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực vào ngày 01/02/2022 quy định về phí vụ việc đăng ký kết hôn là 70 USD/vụ việc.

Xem thêm:

Thủ tục ly hôn thuận tình với người nước ngoài.
Tư vấn thủ tục ly hôn khi đang làm việc ở nước ngoài?
Các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định pháp luật hiện hành.
Những điều cần biết về trước và sau khi kết hôn.

  • Trên đây là nội dung Một số lưu ý đối với công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài theo quy định pháp luật mới nhất của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.