Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa đất của hộ gia đình

Hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa đất của hộ gia đình

17/05/2022


HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC
TÁCH THỬA ĐẤT CỦA HỘ GIA ĐÌNH

TÓM TĂT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quyền sở hữu đất cấp cho hộ gia đình.

2. Điều kiện thực hiện tách thửa đất của hộ gia đình.

3. Trình tự, thủ tục xin tách thửa đất của hộ gia đình.

Trình tự, thủ tục xin tách thửa đất để mua bán, tặng cho, góp vốn,... là vấn đề pháp lý được nhiều người quan tâm. Việc tách thửa đất phải bảo đảm các điều kiện về tách thửa theo quy định, trong đó, vấn đề về tách thửa đối với hộ gia đình phải được sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình. Để hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục tách thửa đất của hộ gia đình thì bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Quyền sở hữu đất cấp cho hộ gia đình

Quyền sở hữu đất cấp cho hộ gia đình (Ảnh minh họa)

1. Quyền sở hữu đất cấp cho hộ gia đình

  • Theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất thì những người thuộc hộ gia đình đang sống chung và có quyền sử dụng chung.
  • Đất cấp cho hộ gia đình thì đất đó là tài sản chung của cả hộ, do đó, việc chiếm hữu, định đoạt phải theo sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình được cấp đất.
  • Theo Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sở hữu chung của hộ gia đình như sau:
  • Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung bao gồm tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập nên, tài sản do các thành viên cùng nhau đóng góp và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật.
  • Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện bằng hình thức thỏa thuận.
  • Phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình trong trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.
  • Lưu ý: các thành viên là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  • Như vậy, nếu muốn tách thửa đất của hộ gia đình thì phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình.
  • Ngày 28/01/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó, thông tin trên Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ ông” hoặc “Hộ bà”, sau đó ghi thông tin của chủ hộ gia đình (họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân); địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình sử dụng đất.
  • Trường hợp người đại diện khác của hộ gia đình hoặc chủ hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi thông tin của người vợ hoặc chồng.

2. Điều kiện thực hiện tách thửa đất của hộ gia đình

  • Để thực hiện việc tách thửa đất của hộ gia đình thì thửa đất đó phải bảo đảm được các điều kiện quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013; Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, như sau: Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất; đang trong thời hạn sử dụng đất; không có tranh chấp; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không có quyết định hoặc thông báo thu hồi đất từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không thuộc các trường hợp không được tách thửa theo quy định; người sử dụng đất không vi phạm các quy định pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng thửa đất. Như vậy, để thực hiện tách thửa đất của hộ gia đình thì thửa đất phải bảo đảm các điều kiện nêu trên.
  • Khi thực hiện tách thửa đất của hộ gia đình thì thửa đất mới phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương đó. Theo khoản 23 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP quy định căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
  • Trường hợp thửa đất của hộ gia đình khi tách thửa có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định tại địa phương thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP là: thửa đất đang được sử dụng hình thành trước ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về diện tích đất tối thiểu có hiệu lực thi hành; thửa đất có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hộ gia đình sử dụng đất có thửa đất muốn tách nhỏ hơn diện tích đất tối thiểu có thể vừa xin tách thửa vừa xin hợp thửa đất đó với thửa đất liền kề tạo thành một thửa đất mới.

Thủ tục tách thửa đất của hộ gia đình

Thủ tục tách thửa đất của hộ gia đình (Ảnh minh họa)

3. Trình tự, thủ tục xin tách thửa đất của hộ gia đình

  • Theo Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa đất như sau:
  • Bước 1: Hộ gia đình sử dụng đất chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa đất là Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT, Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp, Văn bản thỏa thuận đồng ý tách thửa đất của các thành viên trong hộ gia đình và nộp cho Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã. Ở địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
  • Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ đề nghị tách thửa đất phù hợp theo quy định pháp luật thì Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành đo đạc địa chính để tách thửa đất của hộ gia đình.
  • Bước 3:  Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mới tách cho người sử dụng đất;
  • Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành tiến hành chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
  • Bước 5: Người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp người sử dụng đất nộp hồ sơ tại cấp xã thì Văn phòng đăng ký đất đai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.
  • Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn thời hạn giải quyết hồ sơ xin tách thửa đất là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ đối với thực hiện thủ tục tách thửa đất. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời hạn giải quyết hồ sơ tách thửa đất là 25 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Xem thêm:

Các trường hợp được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
Chuyển đổi quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam.
Hủy hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bồi thường.
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai bạn cần biết.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa của hộ gia đình của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.