Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hợp đồng thuê khoán tài sản là gì?

Hợp đồng thuê khoán tài sản là gì?

15/02/2022


HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN LÀ GÌ?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm hợp đồng thuê khoán tài sản.

2. Đặc điểm của hợp đồng thuê khoán tài sản.

3. Hình thức hợp đồng thuê khoán tài sản.

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thuê khoán tài sản.

4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê khoán tài sản.

4.2. Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê khoán tài sản.

5. Các lưu ý cần biết khi giao kết hợp đồng thuê khoán tài sản.

Hợp đồng thuê khoán tài sản

Hình 1. Hợp đồng thuê khoán tài sản

  Hợp đồng thuê khoán tài sản là một loại hợp đồng thuê tài sản đặc biệt để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức. Để không xảy ra những tranh chấp và việc thực hiện hợp đồng diễn ra đúng pháp luật, mỗi cá nhân, tổ chức cần hiểu rõ các quy định pháp luật về giao kết hợp đồng thuê khoán tài sản.

1. Khái niệm hợp đồng thuê khoán tài sản

  • Có thể thấy hiện nay vẫn còn nhiều người xa lạ với hợp đồng thuê khoán tài sản. Đây là một loại hợp đồng dân sự mà bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng cần hiểu rõ khái niệm và đặc điểm hợp đồng.
  • Hiện nay, khái niệm hợp đồng thuê khoán tài sản được ghi nhận tại Điều 483 BLDS 2015. Cụ thể là sự thỏa thuận giữa các bên mà khi đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.
  • Nhìn chung, không giống với các hợp đồng thuê tài sản thông thường, đối tượng của hợp đồng thuê khoán là các tài sản có thể khai thác công dụng hay hưởng hoa lợi, lợi tức từ đó.

2. Đặc điểm của hợp đồng thuê khoán tài sản

  • Bên cạnh các đặc điểm chung của hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng thuê khoán tài sản còn có các đặc trưng sau:
  • Thứ nhất, như đã đề cập đối tượng của hợp đồng thuê khoán phải là những tư liệu sản xuất có thể khai thác công dụng được như đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.  Điều này được BLDS 2015 ghi nhận tại Điều 485. Hay nói cách khác, các tài sản không được liệt kê sẽ không thể được thuê khoán, do đó các bên cần cân nhắc để lựa chọn đúng loại hợp đồng.
  • Thứ hai, theo Điều 485 BLDS 2015 thời hạn thuê khoán được ưu tiên theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì có thể áp dụng theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán.
  • Thứ ba, giá thuê khoán do các bên thỏa thuận. Nếu việc thuê khoán thông qua đấu thầu thì giá thuê khoán là giá được xác định theo kết quả đấu thầu. Điều này có nghĩa là các bên hoàn toàn có quyền áp đặt giá thuê khoán mà không có sự giới hạn từ pháp luật.

3. Hình thức hợp đồng thuê khoán tài sản

  • Nếu như hình thức của các hợp đồng thuê thông thường được mở rộng, bao gồm văn bản, lời nói và hành vi cụ thể thì hình thức của hợp đồng thuê khoán tài sản có sự khác biệt. Bởi lẽ đối tượng của loại hợp đồng thuê khoán khá đặc biệt - là các tư liệu sản xuất nên cần xem xét các văn bản pháp luật khác ngoài BLDS. Nếu có pháp luật quy định, hợp đồng khoán tài sản phải có công chứng hoặc chứng thực hoặc phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thuê khoán tài sản

  • Khi hợp đồng thuê khoán tài sản được xác lập đi cùng với việc quyền và nghĩa vụ tương ứng cho các bên liên quan được hình thành.

4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê khoán tài sản

  • Quyền của bên thuê khoán tài sản
  • Hợp đồng thuê khoán là sự chuyển giao quyền sử dụng tài sản thuê khoán cho bên thuê. Vì vậy, bên thuê khoán được toàn quyền sử dụng tài sản thuê khoán sau khi hợp đồng thuê khoán có hiệu lực.
  • Ngoài ra, pháp luật dân sự cũng cho phép bên thuê khoán có một số quyền như: có thể tự mình sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán (nếu có thỏa thuận và phải bảo toàn giá trị tài sản thuê khoán) và bên cho thuê khoán phải thanh toán cho bên thuê khoán các chi phí hợp lý trên theo thỏa thuận.
  • Nghĩa vụ của bên thuê khoán tài sản
  • Nghĩa vụ chính của bên thuê khoán là nghĩa vụ trả tiền thuê khoán. Cụ thể, bên thuê khoán có thể trả bằng 03 phương thức au:
  • Trả bằng tiền thuê khoán. Lưu ý rằng việc trả tiền là nghĩa vụ bắt buộc ngay cả trong trường hợp bên thuê khoán không khai thác công dụng tài sản thuê khoán. 
  • Trả bằng hiện vật theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác công dụng của tài sản thuê khoán. Trong trường hợp này bên thuê khoán phải trả vào thời điểm kết thúc thời vụ hoặc kết thúc chu kỳ khai thác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Thanh toán bằng cách thực hiện một công việc cho bên cho thuê khoán. 
  • Ngoài ra, bên thuê khoán tài sản còn có nghĩa vụ khai thác tài sản thuê khoán đúng mục đích đã thỏa thuận và báo cho bên thuê khoán theo định kỳ về tình trạng tài sản và tình hình khai thác tài sản. 
  • Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê khoán. Theo đó, trong thời hạn khai thác tài sản thuê khoán, bên thuê khoán phải bảo quản, bảo dưỡng tài sản thuê khoán và trang thiết bị kèm theo bằng chi phí của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4.2. Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê khoán tài sản

  • Bên cho thuê khoán sẽ có 2 quyền chính là quyền nhận lại tài sản và quyền đòi tiền thuê khoán sau khi hết hạn hợp đồng.
  • Do hợp đồng thuê khoán tài sản là một loại hợp đồng thuê tài sản và BLDS không có các yêu cầu riêng biệt đối với nghĩa vụ của bên cho thuê khoán, mọi người có thể tham khảo bài “Hợp đồng thuê tài sản” phần nghĩa vụ của bên cho thuê.

5. Các lưu ý cần biết khi giao kết hợp đồng thuê khoán tài sản

Những lưu ý khi ký kết hợp đồng thuê khoán tài sản 

Hình 2. Những lưu ý khi ký kết hợp đồng thuê khoán tài sản

  • Có thể thấy hợp đồng thuê khoán tài sản mang nhiều điểm tương đồng với hợp đồng thuê tài sản. Tuy nhiên, các bên trong hợp đồng thuê khoán cũng cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau đây để tránh việc tranh chấp không đáng có.
  • Thứ nhất, về việc giao tài sản thuê khoán. Theo đó, khi giao tài sản thuê khoán,  Điều 487 BLDS 2015 bắt buộc là các bên phải tự mình hoặc nhờ người thứ ba xác định giá trị tài sản thuê khoán và lập biên bản đánh giá tình trạng của tài sản thuê khoán.
  • Thứ hai, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê khoán. Điều 492 BLDS 2015 cho phép các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.
  • Thứ ba, về việc hưởng lợi ích từ tài sản thuê khoán là gia súc. Trong thời hạn thuê khoán gia súc, Điều 491 BLDS 2015 quy định bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, các bên cần thỏa thuận rõ ràng về việc chia lợi ích cũng như chịu thiệt hại trong quá trình sử dụng tài sản là gia súc trong hợp đồng nếu muốn chủ động trong vấn đề này.

Tham khảo thêm bài viết:

Các hình thức của hợp đồng dân sự? Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự.
Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về hợp đồng thuê khoán tài sản. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí