Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hợp đồng lao động bị vô hiệu

Hợp đồng lao động bị vô hiệu

12/12/2021


HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG BỊ VÔ HIỆU

Hợp đồng lao động vô hiệu
Hình 1. Hợp đồng lao động vô hiệu

  Ký kết hợp đồng lao động là hoạt động diễn ra phổ biến hàng ngày hàng giờ. Tuy vậy, trong một số trường hợp nhất định, hợp đồng lao động có thể bị vô hiệu.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hợp đồng lao động vô bị vô hiệu trong những trường hợp nào?

2. Ai có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?

3. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu như thế nào?

3.1. Đối với hợp đồng vô hiệu từng phần.

3.2. Đối với hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

1. Hợp đồng lao động vô bị vô hiệu trong những trường hợp nào?

Điều 49 BLLĐ 2019 ghi nhận các trường hợp hợp đồng lao động (HĐLĐ) vô hiệu, bao gồm: HĐLĐ vô hiệu từng phần và HĐLĐ vô hiệu toàn phần.

  • Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần được hiểu là hợp đồng có phần nội dung vi phạm pháp luật nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của hợp đồng.
    • Ví dụ: BLLĐ chỉ cho phép tối đa thời giờ làm việc bình thường là 48 tiếng 01 tuần. Thế nhưng trong HĐLĐ quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 60 tiếng trong 01 tuần thì phần về thời giờ làm việc này vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng các phần còn lại, đây là trường hợp HĐLĐ vô hiệu từng phần.
  • Hợp đồng lao động vô hiệu toàn phần có thể xảy ra trong 03 trường hợp sau:
    • Toàn bộ nội dung của HĐLĐ vi phạm pháp luật;
    • Người giao kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ về tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và tự do giao kết HĐLĐ nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và đạo đức xã hội.
    • Công việc đã giao kết trong HĐLĐ là công việc mà pháp luật cấm.
  • Ví dụ: HĐLĐ thỏa thuận về việc NLĐ sẽ vận chuyển thuốc lá lậu cho NSDLĐ sẽ vô hiệu toàn phần vì công việc đã giao kết giữa hai bên bị pháp luật cấm.

Tham khảo thêm bài viết: Khi nào mới được sử dụng người lao động dưới 13 tuổi?

2. Ai có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?

  • Theo quy định tại Điều 50 BLLĐ 2019 thì Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu. Như vậy, khi HĐLĐ mà các bên đã ký kết rơi vào trường hợp vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn phần, HĐLĐ đó không bị vô hiệu liền mà phải được thông qua bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Hay nói cách khác, chủ thể duy nhất có thể tuyên bố HĐLĐ vô hiệu là Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

3. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu như thế nào?

  • Sau khi Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, các bên trong quan hệ lao động phải xử lý hệ quả của HĐLĐ vô hiệu. Việc xử lý HĐLĐ vô hiệu sẽ tùy thuộc vào phạm vi vô hiệu và căn cứ vô hiệu.

 Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
Hình 2. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

3.1. Đối với hợp đồng vô hiệu từng phần

Căn cứ Khoản 1 Điều 51 BLLĐ 2019, trong trường hợp này, phần nội dung bị vô hiệu sẽ phải được sửa đổi, bổ sung bởi nội dung khác không vi phạm pháp luật. Do đó, NSDLĐ và NLĐ phải tiến hành thay thế phần nội dung bị tuyên vô hiệu để phù hợp với pháp luật và TƯLĐTT.

  • Căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, việc thỏa thuận tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung giữa hai bên có thể dẫn đến 02 trường hợp sau:
  • Thứ nhất, các bên thống nhất ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung nội dung:
  • Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong khoảng thời gian bắt đầu xác lập QHLĐ theo HĐLĐ vô hiệu từng phần đến khi HĐLĐ này được sửa đổi, bổ sung thì sẽ được giải quyết theo TƯLĐTT, văn bản thể hiện thỏa thuận đạt được giữa phía NSDLĐ và phía NLĐ về các quy định chung đối với quan hệ lao động. Nếu không có TƯLĐTT thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật.
  • Đối với trường hợp HĐLĐ vô hiệu từng phần vì mức lương trả cho NLĐ thấp hơn quy định pháp luật hoặc TƯLĐTT, thì NSDLĐ có trách nhiệm như sau:
    • Thỏa thuận lại với NLĐ về mức lương sao cho đúng quy định pháp luật và TƯLĐTT;
    • Hoàn trả phần chênh lệch giữa tiền lương trong HĐLĐ vô hiệu từng phần với HĐLĐ đã được thỏa thuận sửa đổi, bổ sung tương ứng với thời gian đã làm việc theo HĐLĐ bị tuyên vô hiệu.
  • Thứ hai, các bên không thống nhất ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung nội dung:
  • Các bên trong HĐLĐ sẽ phải thực hiện chấm dứt HĐLĐ. Theo đó, quyền, nghĩa vụ lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt HĐLĐ sẽ được giải quyết theo TƯLĐTT hoặc theo quy định pháp luật (nếu không có TƯLĐTT).
  • Doanh nghiệp trong trường hợp này phải thực hiện trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo thời gian thực tế NLĐ đã làm việc cho NSDLĐ và các trách nhiệm khác khi chấm dứt HĐLĐ tại BLLĐ 2019.
  • Ngoài các vấn đề trên, việc xử lý nội dung có liên quan sẽ không được thỏa thuận mà thuộc thẩm quyền của Tòa án.

3.2. Đối với hợp đồng vô hiệu toàn bộ

  • Cần hiểu một cách tổng quát rằng việc xử lý quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các bên được nhắc đến trong mục này là quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các bên từ khi bắt đầu làm việc theo HĐLĐ bị tuyên vô hiệu cho đến khi HĐLĐ bị tuyên vô hiệu.
  • Căn cứ Điều 10 tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khi HĐLĐ vô hiệu toàn bộ, NSDLĐ và NLĐ sẽ có 02 sự lựa chọn:
  • Hai bên tiếp tục quan hệ lao động:
    • Ký lại HĐLĐ nếu vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ.
    • Giao kết HĐLĐ mới nếu vô hiệu do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm.
  • Hai bên kết thúc quan hệ lao động:
    • Không ký lại HĐLĐ khi vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ;
    • Không giao kết HĐLĐ mới khi vô hiệu do do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm.
  • Việc chọn tiếp tục hay kết thúc quan hệ lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong HĐLĐ vô hiệu sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật và TƯLĐTT như sau:
    • Nếu quyền, lợi ích trong HĐLĐ vô hiệu không thấp hơn so với quy định pháp luật, TƯLĐTT thì duy trì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích theo HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu;
    • Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
  • Tuy nhiên, theo Điều 10 và Điều 11 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, đối với trường hợp lựa chọn kết thúc quan hệ lao động, dựa theo căn cứ khác nhau dẫn đến HĐLĐ vô hiệu, sẽ có sự khác biệt trong trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ như sau:
  • Vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ: NSDLĐ phải chi trả trợ cấp thôi việc và thực hiện các trách nhiệm khác theo Bộ luật Lao động 2019.
  • Vô hiệu do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm: ngoài khoản trợ cấp thôi việc và trách nhiệm khác, NSDLĐ còn phải phải trả cho NLĐ một khoản tiền với mức hưởng: ít nhất một tháng lương tối thiểu vùng x số năm làm việc theo HĐLĐ (trừ đi thời gian NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc được NSDLĐ trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc).
  • Cần lưu ý rằng, việc giải quyết các vấn đề khác (không được trình bày ở trên) liên quan HĐLĐ bị vô hiệu dù là từng phần hay toàn phần đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các bên không được tự thỏa thuận. Do đó, các bên cần lưu ý đến những căn cứ khiến HĐLĐ vô hiệu và các cách thức xử lý hệ quả của HĐLĐ vô hiệu.

Tham khảo thêm bài viết:
 Những điểm mới về lương, thưởng theo Bộ luật lao động 2019.
Mức bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
13 trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Phân biệt trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hợp đồng lao động vô hiệu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến hợp đồng lao động theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí