Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng dân sự

Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng dân sự

11/03/2022


CHỦ THỂ THAM GIA
GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Điều kiện của cá nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự.

2. Điều kiện của pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự.

3. Điều kiện giao kết hợp đồng đối với người mất năng lực hành vi dân sự,  người hạn chế năng lực hành vi dân sự, Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

  Chủ thể tham gia hợp đồng bao gồm cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải phù hợp với “giao dịch dân sự” được xác lập. Như vậy, chủ thể của hợp đồng là gì và điều kiện đảm bảo chủ thể tham gia giao kết hợp đồng là gì?  Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Điều kiện cá nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự

Điều kiện cá nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự (ảnh minh họa)

1. Điều kiện của cá nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự

  • Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự quy định Hợp đồng được xây dựng dựa trên cơ sở thỏa thuận của hai bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
  • Điều kiện về chủ thể để giao dịch dân sự có hiệu lực theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập và tham gia giao kết hợp đồng trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Theo đó:
  • Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là: khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự (bao gồm quyền nhân thân gắn với tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản; quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó; quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản).
  • Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết và không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  • Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là: khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
  • Khi xác lập, giao kết hợp đồng, cá nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác.

 Điều kiện pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự

Điều kiện pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự (ảnh minh họa)

2. Điều kiện của pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng dân sự

  • Một tổ chức được công nhận là pháp nhân phải bảo đảm các điều kiện như: Được thành lập theo quy định pháp luật; đảm bảo cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
  • Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  • Pháp nhân có 02 loại là: Pháp nhân phi thương mại và pháp nhân thương mại.
  • Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác; không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; không được phân chia cho các thành viên nếu có lợi nhuận. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo Điều 137 Bộ luật Dân sự là:
  • Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
  • Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ.
  • Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
  • Khi pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Khi xác lập, giao kết hợp đồng, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác.

3. Điều kiện giao kết hợp đồng đối với người mất năng lực hành vi dân sự,  người hạn chế năng lực hành vi dân sự, Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

  1. Quy định về người mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015:
  • Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
  • Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
  • Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
    • Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
  1. Quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015:
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: là người thành niên không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng tinh thần hoặc thể chất nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.
  • Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
  • Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
  1. Quy định về người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015:
  • Người hạn chế năng lực hành vi dân sự: Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.
  • Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người thuộc trường hợp nêu trên là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan và Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
  • Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
  • Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
  1. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự đó được xem là vô hiệu
  • Theo Khoản 1 Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo yêu cầu của người đại diện của người đó nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.
  • Theo Khoản 1 Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch dân sự của người người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được xác lập, thực hiện không bị vô hiệu khi:
    • Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự được xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
    • Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ.
    • Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Xem thêm:

Chấm dứt hợp đồng dân sự là gì? Các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự.
Hợp đồng thuê tài sản theo quy định pháp luật.
Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.