Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Chồng chết không có di chúc thì chia tài sản như thế nào?

Chồng chết không có di chúc thì chia tài sản như thế nào?

24/11/2021


CHỒNG CHẾT KHÔNG CÓ DI CHÚC
THÌ CHIA TÀI SẢN NHƯ THẾ NÀO?

Nếu vợ hoặc chồng mất trước, thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia như thế nào? Bài viết dưới đây, Thịnh trí sẽ giải đáp thắc mắc này cho quý khách hàng.

 Hình 1. LUẬT THỊNH TRÍ – TƯ VẤN CHIA TÀI SẢN KHI VỢ HOẶC CHỒNG CHẾT KHÔNG CÓ DI CHÚC
Hình 1. Luật Thịnh Trí – Tư vấn chia tài sản khi vợ hoặc chồng chết không có di chúc

Phân chia di sản thừa kế do người chết để lại nhưng không có di chúc là một vấn đề gây ra nhiều xung đột, tranh chấp trong gia đình. Nắm bắt được khó khăn của khách hàng, trong bài viết này Luật Thịnh Trí sẽ nói tóm tắt về việc chia di sản của người chết không để lại di chúc, và cụ thể là chồng chết không để lại di chúc thì vợ sẽ hưởng như thế nào?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Chồng chết không có di chúc thì chia tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia như thế nào?

a) Chia tài sản chung của vợ chồng khi chồng mất

b) Chia thừa kế khi người chết không để lại di chúc

2. Tư vấn chia thừa kế khi chồng mất trước nhưng không để lại di chúc

1. Chồng chết không có di chúc thì chia tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia như thế nào?

a) Chia tài sản chung của vợ chồng khi chồng mất

  • Tài sản chung của vợ chồng được hiểu là tài sản của vợ và chồng có được trong thời kỳ hôn nhân, gồm các loại tài sản mà vợ chồng mua được, nhận chuyển nhượng, thu nhập do lao động, sản xuất kinh doanh, kể cả hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng hoặc tài sản vợ chồng được tặng cho chung hay được thừa kế chung.
  • Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, những trường hợp chấm dứt quan hệ hôn nhân như ly hôn và một bên vợ hoặc chồng chết thì phần tài sản chung sẽ được chia đôi. Vậy nên đối với trường hợp chồng chết trước, hoặc vợ chết trước thì tài sản chung của cả 2 sẽ được chia đôi, trong đó một nửa tài sản sẽ thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của vợ hoặc chồng ( của 1 trong 2 người còn sống ). Phần tài sản còn lại thuộc về quyền sử dụng, quyền sở hữu của chồng hoặc chồng ( 1 trong 2 người đã chết ) và phần này sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật Dân sự về Thừa kế.

b) Chia thừa kế khi người chết không để lại di chúc

  • Trường hợp người chết không để lại di chúc, thì phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật. Căn Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật sẽ được tiến hành chia theo thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể.
  • Người thừa kế theo pháp luật chỉ là cá nhân, người thừa kế di sản của người chết không để lại di chúc được quy định theo pháp luật. Việc xác định người thừa kế dựa trên ba mối quan hệ: đầu tiên là hôn nhân, thứ 2 là huyết thống, thứ 3 là nuôi dưỡng. Hàng thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Về quan hệ giữa vợ và chồng, thì khi một trong hai người mất thì người còn lại sẽ hưởng di sản thừa kế. Về quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ – con đẻ, con đẻ được hưởng di sản của cha đẻ, mẹ đẻ và ngược lại. Trường hợp con riêng - bố dượng hay mẹ kế phải đáp ứng các điều kiện như chăm sóc, nuôi dưỡng người đã chết như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản như trong quan hệ thừa kế cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ.
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, quan hệ thừa kế giữa anh ruột, chị ruột, em ruột thì anh, chị, em ruột có thể là cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  • Những người thừa kế cùng hàng với nhau sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước vì lý do đã chết, bị truất quyền hưởng di sản, không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế sau mới được hưởng di sản.
  • Trong trường hợp khách hàng chưa hiểu rõ về các quy định pháp luật về vấn đề thừa kế có thể liên hệ tới Luật Thịnh Trí, luật sư sẽ tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng cho khách hàng, vui lòng liên hệ Hotline: 1800 63 65

2. Tư vấn chia thừa kế khi chồng mất trước nhưng không để lại di chúc:

 Hình 2. LUẬT THỊNH TRÍ - Tư vấn chia thừa kế khi chồng mất trước nhưng không để lại di chúc

Hình 2. Luật Thịnh Trí - Tư vấn chia thừa kế khi chồng mất trước nhưng không để lại di chúc

  • Tài sản chung của vợ chồng khi một trong hai người chết thì tài sản chung sẽ được chia đôi cho hai vợ chồng. Phần tài sản chia cho người chồng sẽ tiến hành chia thừa kế. Khi chia tài sản thừa kế của một người không để lại di chúc thì sẽ chia theo pháp luật quy định- theo hàng thừa kế, bắt đầu từ hàng thừa kế thứ nhất và những người được hưởng thừa kế cùng hàng với nhau thì được hưởng di sản bằng nhau. Và hàng thừa kế sau sẽ không được hưởng di sản thừa kế khi đi sản đã được chia cho những người ở hàng thứ nhất.
  • Ví dụ thực tế quý khách hàng đã gửi đến Luật Thịnh Trí: Tôi và chồng tôi đã kết hôn với nhau được hơn 40 năm. Chồng tôi không may mất vì tai nạn vào năm 2020; vì mất đột ngột nên chồng tôi không để lại di chúc. Trong thời gian chung sống với nhau, 2 vợ chồng tôi có một miếng đất và một căn nhà đã được nhà nước cấp giấy tờ đất, nhà (sổ hồng). Ngoài ra, trước khi kết hôn bố mẹ chồng tôi có tặng cho chồng tôi một mảnh đất riêng, đứng tên chồng tôi.
  • Hiện tại vợ chồng tôi có 3 người con, bố mẹ chồng tôi vẫn còn sống và chồng tôi cũng có 5 anh chị? Vậy tôi muốn hỏi trong trường hợp này, nếu như chia tài sản thì phải chia như thế nào và những người anh chị của chồng tôi, họ có được hưởng thừa kế không? Vì họ đang đòi quyền thừa kế.
  • Sau đây là lời tư vấn của chúng tôi, cụ thể:
  • Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ và chồng được hình thành trong thời kì hôn nhân, sẽ được chia đôi cho vợ và chồng. Trong trường hợp trên, hai vợ chồng bạn có với nhau một mảnh đất, thì mảnh đất đó sẽ chia đôi. Một phần mảnh đất đó sẽ thuộc về bạn, mảnh còn lại thuộc về chồng bạn. Tài sản của chồng bạn ( nửa mảnh đất chung) sẽ được chia thừa kế.
  • Theo nguyên tắc chia thừa kế thì, nếu người chết có di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc; nếu không có hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản của người chết sẽ được chia theo pháp luật. Vì do mất quá đột ngột nên chồng bạn không để lại di chúc, chỉ đích danh những người được hưởng tài sản, thì phần di sản thừa kế mà chồng bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.
  • Căn cứ khoản 1 Điều 651, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

  • Theo thông tin của bạn cung cấp phía trên, ngoài mảnh đất chung của 2 vợ chồng, chồng bạn còn có mảnh đất riêng (gọi là tài sản riêng), vậy nên di sản của chồng bạn bao gồm: nửa mảnh đất chung của hai vợ chồng và tài sản riêng. Di sản được kể trên sẽ được chia theo pháp luật, tức là sẽ chia theo hàng thừa kế thứ nhất, gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
  • Hiện tại, hàng thừa kế thứ nhất sẽ bao gồm: Vợ (bạn), bố mẹ chồng (người sinh thành và dưỡng dục người chết), và 3 đứa con của bạn là những người sẽ được thừa kế phần di sản này. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Như vậy, di sản này sẽ được chia đều làm 6 phần bằng nhau.
  • Kết luận: Anh em của chồng bạn là những người không nằm ở hàng thừa kế thứ nhất, nên sẽ không được nhận thừa kế.
  • Tổng tài sản của bạn (vợ) nhận được sẽ bao gồm: nửa mảnh đất chung của vợ chồng, 1/6 di sản của chồng bạn.
  • Trên đây là lời tư vấn của Luật Thịnh Trí, gửi đến bạn.
  • Thừa kế là một chế định rất khó khăn và phức tạp, vấn đề này nếu không được giải quyết sẽ thường xuyên gây mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, dẫn đến việc xích mích tình cảm. Để hiểu rõ về các vấn đề gặp phải trong thừa kế, qúy khách hàng nên tìm đến sự hỗ trợ của luật sư chuyên môn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như giúp khách hàng hiểu rõ hơn về luật thừa kế hiện nay. Trong trường hợp khách hàng chưa hiểu rõ về các quy định pháp luật về vấn đề này có thể liên hệ tới: CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ - Hotline: 1800 63 65

Tham khảo thêm:
Nguyên tắc bồi thường tổn thất tinh thần .
Những trường hợp không phải bồi thường thiệt hại.
Hành vi bán chui cổ phiếu là gì?.
Một số điều cần biết về bảo lãnh.