Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Một số điều cần biết về bảo lãnh

Một số điều cần biết về bảo lãnh

22/03/2022


MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BẢO LÃNH

|Một số điều cần biết về bảo lãnh

Hình 1. Một số điều cần biết về bảo lãnh

  Bảo lãnh - hay nói một cách dân dã, việc làm này được ví như hoạt động “nhận nợ thay” để người cho vay tín nhiệm và yên tâm hơn về việc mình sẽ nhận được lại khoản tiền. Theo đó, việc “nhận nợ thay” chính là hoạt động bảo lãnh nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm bảo lãnh.

2. Đặc điểm bảo lãnh.

3. Phạm vi bảo lãnh.

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên.

1. Khái niệm bảo lãnh

  • Hiện nay, khái niệm bảo lãnh được ghi nhận tại Điều 335 BLDS 2015. Theo đó, bảo lãnh được hiểu là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
  • Ví dụ: A cam kết với B sẽ thanh toán tiền vay thay cho C nếu đến hạn thanh toán theo thỏa thuận mà C chưa trả tiền vay. Trong trường hợp này, A được xem là đang bảo lãnh cho C về nghĩa vụ thanh toán tiền vay đối với B.

2. Đặc điểm bảo lãnh

  • Xuất phát từ bản chất và khái niệm nêu trên, bảo lãnh mang một số đặc điểm đặc trưng như sau:
    • Thứ nhất, bảo lãnh là mối quan hệ ba bên, bao gồm bên có quyền, bên có nghĩa vụ và bên thứ ba. Cụ thể, bên có quyền là bên nhận bảo lãnh, bên có nghĩa vụ là bên được bảo lãnh, và bên thứ ba đóng vai trò là bên bảo lãnh.
    • Thứ hai, bảo lãnh là biện pháp bảo đảm mang tính đối nhân. Bởi vì biện pháp này không sử dụng các tài sản cụ thể để bảo đảm nghĩa vụ như các biện pháp thế chấp hoặc cầm cố (các biện pháp bảo đảm mang tính đối vật).
  • Thế nhưng, đặc điểm nêu trên không đồng nghĩa với việc loại trừ trường hợp các bên sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh.
  • Ví dụ: A thực hiện bảo lãnh cho C để thuê nhà của B. Theo đó, A cam kết với B sẽ thanh toán nợ thay cho C nếu khi đến hạn mà C không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê như thỏa thuận. Để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh này, A đã thế chấp chiếc điện thoại thuộc quyền sở hữu của mình cho B. Lúc này, việc thế chấp chiếc điện thoại này là thế chấp cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (nếu có), chứ không thế chấp trực tiếp cho nghĩa vụ thanh toán của C.
    • Thứ ba, đối tượng của bảo lãnh là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh. Theo đó, cam kết này chính là cam kết về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, bao gồm việc thực hiện một hoặc nhiều công việc sau đây: chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không thực hiện công việc nhất định.
    • Thứ tư, về thời điểm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh: nghĩa vụ bảo lãnh chỉ phát sinh tại thời điểm bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình (trong trường hợp thông thường); hoặc khi bên này không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (nếu các bên có thỏa thuận như vậy).

3. Phạm vi bảo lãnh

  • Phạm vi bảo lãnh là gì? Có thể hiểu đơn giản là giới hạn các nghĩa vụ mà bên thứ ba cam kết sẽ thực hiện thay cho bên được bảo lãnh. Trên tinh thần tự do, tự nguyện thỏa thuận của pháp luật dân sự, bên này có thể cam kết chỉ bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh theo Điều 336 BLDS 2015.
  • Cần lưu ý rằng, dù bên bảo lãnh cam kết bảo lãnh một phần hay toàn bộ nghĩa vụ, nhưng nghĩa vụ bảo lãnh đó không chỉ bao gồm số tiền gốc mà còn cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại và lãi trên số tiền chậm trả, trừ khi có thỏa thuận khác giữa các bên.
  • Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh trong tương lai, thì theo khoản 4 Điều 336 BLDS 2015 phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau thời điểm người bảo lãnh chết/ hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại. Điều này có nghĩa là, nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp nêu trên không chấm dứt, nhưng phạm vi bảo lãnh chỉ giới hạn đối với nghĩa vụ phát sinh trước thời điểm đó.
  • Ví dụ: Sau khi A chết, B là người thừa kế hợp pháp tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của A. Như vậy, B chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với nợ gốc và lãi phát sinh trước khi A chết. Những khoản nợ, lãi phát sinh sau thời điểm A chết sẽ không thuộc phạm vi bảo lãnh, và do đó B không có trách nhiệm với những nghĩa vụ này.

 Phạm vi bảo lãnh

Hình 2. Phạm vi bảo lãnh

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên

  Các bên trong quan hệ bảo lãnh có các quyền và nghĩa vụ nhất định nhằm đảm bảo việc bảo lãnh được diễn ra thuận lợi và phù hợp với pháp luật, cụ thể như sau:

  • Căn cứ Điều 340 và 342 BLDS 2015, bên bảo lãnh có các quyền và nghĩa vụ:
  • Có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Được hưởng thù lao nếu có thỏa thuận với bên được bảo lãnh về việc này.
  • Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc bên này không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (tùy từng trường hợp).
  • Không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
  • Đối với bên nhận bảo lãnh:
  • Có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp: (i) bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ; hoặc (ii) bên được bảo lãnh thực hiện không đúng nghĩa vụ; hoặc (iii) bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (tùy theo thỏa thuận giữa các bên).
  • Có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại (nếu có) trong trường hợp bên này không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh.
  • Không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
  • Đối với bên được bảo lãnh:
  • Có nghĩa vụ trả thù lao cho bên bảo lãnh nếu có thỏa thuận giữa hai bên.
  • Thực hiện nghĩa vụ đối với bên bảo lãnh trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Ví dụ: sau khi A thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán tiền thuê nhà năm 2020 thay cho B, B phải thanh toán lại cho A khoản tiền này theo đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh giữa hai bên.
  • Tóm lại, bảo lãnh là việc một người thứ ba nhận việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ trong hợp đồng khi người đó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng. Ngoài ra, người bảo lãnh cũng có thể thỏa thuận với đối phương về việc chỉ bảo lãnh khi người có nghĩa vụ này mất khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Tham khảo thêm bài viết:

Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự.
Hợp đồng thuê tài sản theo quy định pháp luật.
Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về tín chấp. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí