Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản

22/03/2022


CĂN CỨ XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Tài sản là gì?

2. Cách xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản.

3. Một số trường hợp cụ thể về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

  Quyền sở hữu về tài sản là quyền hợp pháp của cá nhân, pháp nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Do đó, nếu người nào thực hiện các hành vi xâm phạm đến tài sản dẫn đến gây thiệt hại đối với người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản nói riêng. Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là gì?  Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Tài sản là gì?

Tài sản là gì? (ảnh minh họa)

1. Tài sản là gì?

  • Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản được xác định là:
  • Vật:
  • Trong tự nhiên, vật được xem là rất đa dạng và phong phú, tùy thuộc vào đặc tính của vật, giá trị sử dụng của vậy mà người ta phân biệt các loại vật với nhau. Bộ luật Dân sự có những cách phân loại vật như sau:
  • Hoa lợi: là những sản vật phát sinh tự nhiên được hình thành từ tài sản, ví dụ: cây thì nở hoa kết trái, gia cầm đẻ trứng, gia súc đẻ con thì trứng, con, hoa, trái được xem là hoa lợi.
  • Lợi tức: là lợi nhuận thu được từ việc khai thác công dụng của tài sản, ví dụ: khoản tiền thu được từ việc cho thuê xe, khoản tiền lãi thu được từ việc cho vay tài sản.
  • Vật chính: là vật độc lập, sử dụng theo tính năng, ví dụ: máy điều hòa có tính năng, công dụng độc lập.
  • Vật phụ: là vật đi kèm với vật chính, phục vụ cho việc sử dụng tính năng của vật chính, ví dụ như điều khiển từ xa của máy điều hòa.
  • Vật chia được: là những vật khi được phân chia thành những phần nhỏ không làm mất đi giá trị của vật và tính năng của vật, ví dụ như gạo, dầu ăn, xăng.
  • Vật không chia được là vật không thể phân chia thành những phần nhỏ vì sẽ làm mất đi giá trị và tính năng của vật, ví dụ như giường, tủ, xe đạp.
  • Vật tiêu hao: sau khi sử dụng sẽ mất đi hoặc tiêu hao hoặc không còn giữ nguyên như ban đầu, ví dụ như xi măng, cát, thực phẩm.
  • Vật không tiêu hao: sau khi sử dụng vẫn còn nguyên giá trị và tính năng của vật, ví dụ như nhà ở, xe, công cụ khác.
  • Vật cùng loại là có cùng tính chất, hình dáng, công dụng và thường được xác định bằng đơn vị đo lường như mét, lít, kilogam, ví dụ như gạo, xi măng cùng loại cùng một nhà sản xuất.
  • Vật đặc định là vật có dấu hiệu đặc trưng riêng biệt, ví dụ như đồ cổ quý hiếm.
  • Tiền: Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định tiền là một loại tài sản nhưng lại không có quy định để làm rõ bản chất pháp lý của tiền, chỉ có loại tiền có giá trị đang được lưu hành trên thực tế, tức là được pháp luật thừa nhận, mới được coi là tài sản. Tiền là công cụ thanh toán đa năng, là công cụ tích lũy tài sản và là thước đo giá trị.
  • Giấy tờ có giá: là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự, ví dụ như cổ phiếu, séc, kỳ phiếu, tín phiếu,...
  • Quyền tài sản: là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015.
  • Động sản và bất động sản (kể cả hiện có và tài sản hình thành trong tương lai).

Cách xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản

Cách xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản (ảnh minh họa)

2. Cách xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản

  • Theo Bộ luật Dân sự quy định người nào có hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan có quy định khác.
  • Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cách xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng:
  • Tại thời điểm gây thiệt hại và thời điểm phải bồi thường thì giá trị tài sản có sự chênh lệch, không thống nhất,.. Do đó, đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại thì cách xác định giá trị tài sản được xác định là giá trị thực tế của tài sản vào thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm để người gây thiệt hại bồi thường.
  • Đối với tài sản bị hư hỏng thì việc bồi thường được xác định là chi phí sửa chữa, thay thế những bộ phận bị hư hỏng buộc người gây thiệt hại bồi thường.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút: là những lợi ích vật chất mà người bị thiệt hại bị mất đi kể từ khi tài sản bị xâm phạm, ví dụ như hoa màu không thể thu hoạch được, xe ô tô bị hư không thể cho thuê kiếm tiền được. Như vậy, người gây thiệt hại phải bồi thường khoản lợi ích bị mất đi kể từ khi tài sản bị xâm phạm.
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại: Người bị thiệt hại đã phải bỏ ra các khoản chi phí để ngăn chặn không cho thiệt hại tiếp tục phát sinh hoặc hạn chế thiệt hại phát sinh, khắc phục thiệt hại thì người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường các khoản này cho người bị thiệt hại. Ví dụ: A cố ý làm cho nhà B cháy, B bỏ ra chi phí để chữa cháy, ngăn chặn đám cháy tránh gây thiệt hại thì A có trách nhiệm bồi thường chi phí này.
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

3. Một số trường hợp cụ thể về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

  Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một số trường hợp cụ thể về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra là:

1.Trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015:

-Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm chất nổ, chất độc, chất cháy, chất phóng xạ, vũ khí, thú dữ, phương tiện giao thông vận tải cơ giới, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, hệ thống tải điện và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

-Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là: Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ; người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trong trường hợp chủ sở hữu giao cho thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại.

- Người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại nếu nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.

Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

2. Trường hợp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015:

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là chủ sở hữu súc vật;  người đang trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

- Người thứ ba phải bồi thường thiệt hại nếu hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác; nếu chủ sở hữu và người thứ ba cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3.Trường hợp bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra theo Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015: trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý.

4. Trường hợp bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra theo Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015: trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Xem thêm:

Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.