Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái giải quyết như thế nào?

Tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái giải quyết như thế nào?

16/07/2022


TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI GIỮA
CHA MẸ VÀ CON CÁI GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

  • Ngày nay, tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng phổ biến. Có thể dễ thấy rằng, tranh chấp đất đai thường xảy ra giữa hàng xóm sát vách nhà nhau, giữa anh em ruột trong gia đình, thậm chí, còn xảy ra cả tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái nữa. Cùng Luật thịnh Trí tìm hiểu về loại tranh chấp này và cách giải quyết theo quy định pháp luật đất đai hiện hành trong bài viết dưới đây.

Tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái

Hình 1. Tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Một số tình huống tranh chấp đất đai thường xảy ra giữa cha mẹ và con cái.

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái.

1. Một số tình huống tranh chấp đất đai thường xảy ra giữa cha mẹ và con cái:

  • Thực tế cho thấy, thông thường có 2 tình huống tranh chấp đất đai xảy ra giữa cha mẹ và con cái, đó là:
  • Thứ nhất, tranh chấp xem ai có quyền sử dụng đất, tức là tranh chấp về phần đất chung của cha mẹ và con cái. Trong trường hợp này, tranh chấp có thể xảy ra khi gia đình đang sinh sống chung trong một phần nhà đất hay được tặng cho, được hưởng thừa kế chung mà chưa có sự phân chia xem ai là người có quyền sử dụng cả phần đất đó hay phần đất nào thuộc quyền sử dụng của người nào.
  • Thứ hai, tranh chấp về các giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất. Cụ thể, đây là dạng tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất như: mua bán, tặng cho, cầm cố, thế chấp, đổi đất, ủy quyền quản lý đất,…

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái:

  • Các tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái đều được giải quyết theo quy định của pháp luật. Có thể khái quát thành 3 thủ tục như sau:
  1. Thủ tục hòa giải:
  • Theo đó, khi có tranh chấp xảy ra các bên sẽ tự hòa giải với nhau. Trường hợp các bên không tự hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết.
  • Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
  • Nếu hòa giải tại Uỷ ban nhân dân cấp xã không thành thì theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp được giải quyết theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tố tụng như sau:
  1. Thủ tục hành chính tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền:
  • Thủ tục hành chính được áp dụng trong trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013. Lúc này, các bên sẽ có quyền lựa chọn 1 trong 2 hình thức: nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án.
  • Theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Uỷ ban nhân dân thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Nếu không đồng ý với kết quả thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện theo thủ tục hành chính ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
  • Đối với tranh chấp có người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp không đồng ý với kết quả thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo thủ tục hành chính ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

 Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái

Hình 2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái.

  1. Thủ tục tố tụng tại Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:
  • Theo quy định pháp luật, thủ tục tố tụng được áp dụng trong 2 trường hợp:
  • Một là, đối với tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất;
  • Hai là, đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì các bên có quyền lựa chọn khởi kiện ra Tòa án. Lúc này, cha mẹ hoặc con nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP:
  • Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì các bên phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện tại Tòa án, nếu không có bước hòa giải tại UBND cấp xã thì không đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
  • Đối với tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì các bên có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án mà không cần hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Tham khảo thêm bài viết:

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai bạn cần biết.
Một số quy định về tranh chấp ranh giới đất đai.
Những vấn đề liên quan khi xin cấp giấy chứng nhận chủ “quyền nhà đất”.
Có được hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng?

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về tranh chấp đất đai giữa cha mẹ và con cái. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực đất đai theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí