Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tìm hiểu về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Tìm hiểu về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

22/03/2022


TÌM HIỂU VỀ CÁC BIỆN PHÁP
BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

2. Cầm cố tài sản.

3. Thế chấp tài sản.

4. Đặt cọc.

5. Ký cược.

6. Ký quỹ.

7. Bảo lưu quyền sở hữu.

8. Bảo lãnh.

9. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

10. Cầm giữ tài sản.

Biện pháp bảo đảm

Biện pháp bảo đảm (ảnh minh họa)

  Để đảm bảo rằng bên có thể thực hiện đầy đủ và đúng với nghĩa vụ của mình cũng như bảo vệ quyền lợi cho các bên có quyền thì pháp luật đã quy định những biện pháp đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ. Hãy cùng Luật Thịnh Trí tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết sau đây.

1. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

  • Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 thì để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có các biện pháp sau:
    • Cầm giữ tài sản.
    • Cầm cố tài sản.
    • Thế chấp tài sản.
    • Ký quỹ.
    • Ký cược.
    • Đặt cọc.
    • Bảo lãnh.
    • Bảo lưu quyền sở hữu.
    • Tín chấp.

2. Cầm cố tài sản

  • Cầm cố tài sản là việc một bên (được gọi là bên cầm cố) giao tài sản cho bên kia (được gọi là bên nhận cầm cố) mà tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
  • Hiệu lực của việc cầm cố tài sản được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
    • Hợp đồng cầm cố tài sản sẽ có hiệu lực từ thời điểm mà các bên giao kết hợp đồng, trừ trường hợp luật có quy định khác hoặc có thoả thuận khác.
    • Kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản thì việc cầm cố tài sản sẽ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
  • Trong trường hợp đối tượng cầm cố là bất động sản theo quy định của luật thì kể từ thời điểm đăng ký, việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

3. Thế chấp tài sản

  • Thế chấp tài sản là việc một bên (được gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ cho bên kia (được gọi là bên nhận thế chấp). Tuy nhiên, đối với thế chấp thì bên thế chấp sẽ không giao tài sản cho bên nhận thế chấp mà tài sản thế chấp sẽ do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận cho người thứ ba thực hiện việc giữ tài sản thế chấp.
  • Hiệu lực của thế chấp tài sản được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
    • Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm các bên giao kết hợp đồng, trừ trường hợp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác.
    • Kể từ thời điểm đăng ký, thế chấp tài sản sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Thế chấp tài sản

Thế chấp tài sản (ảnh minh họa)

4. Đặt cọc

  • Đặt cọc là việc một bên (được gọi là bên đặt cọc) giao một khoản tiền hoặc đá quý, kim khí quý hoặc vật có giá trị khác cho bên kia (được gọi là bên nhận đặt cọc) trong một thời hạn để thực hiện hợp đồng hoặc bảo đảm giao kết.
  • Trong trường hợp hợp đồng được thực hiện, giao kết thì tài sản đặt cọc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc được trả lại cho bên đặt cọc; nếu bên đặt cọc từ chối việc thực hiện, giao kết hợp đồng thì tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên đã nhận đặt cọc; Trong trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối việc thực hiện, giao kết hợp đồng thì phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị phần tài sản đã đặt cọc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

5. Ký cược

  • Ký cược là việc một bên (được gọi là bên thuê tài sản) thuê tài sản là động sản giao một khoản tiền hoặc đá quý, kim khí quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản ký cược) cho bên cho thuê trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
  • Bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê trong trường hợp tài sản thuê được trả lại; bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản mà bên thuê đã thuê trong trường hợp bên thuê không trả lại tài sản thuê; Tài sản ký cược sẽ thuộc về bên cho thuê nếu như tài sản thuê không còn để trả lại.

6. Ký quỹ

  • Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc giấy tờ có giá, đá quý hoặc kim khí quý vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
  • Trong trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ bồi thường, thanh toán thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra sau khi tổ chức tín dụng đã trừ các khoản chi phí dịch vụ.

7. Bảo lưu quyền sở hữu

  • Trong hợp đồng mua bán tài sản thì quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán thực hiện việc bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
  • Việc bảo lưu quyền sở hữu phải được ghi trong hợp đồng mua bán hoặc phải được lập thành văn bản riêng.
  • Kể từ thời điểm đăng ký thì bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

8. Bảo lãnh

  • Bảo lãnh là việc người thứ ba (được gọi là bên bảo lãnh) sẽ thực hiện cam kết với bên có quyền (được gọi là bên nhận bảo lãnh) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ cho bên phải thực hiện nghĩa vụ (được gọi là bên được bảo lãnh), trong trường hợp khi đã đến thời hạn mà bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ nhưng bên được bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ.
  • Các bên có thể thỏa thuận với nhau trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì lúc đó bên bảo lãnh mới phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh.

9. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội

  • Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho hộ gia đình nghèo, cá nhân để có thể vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng với mục đích tiêu dùng, kinh doanh, sản xuất theo quy định của pháp luật.
  • Ngoài ra, khi cho vay có bảo đảm bằng biện pháp tín chấp thì phải lập thành văn bản và văn bản đó phải có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về hoàn cảnh, điều kiện của bên vay vốn.

10. Cầm giữ tài sản

  • Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (được gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ tài sản hợp pháp và tài sản đó là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữa tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ.
  • Việc xác lập cầm giữ tài sản được Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
    • Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ.
    • Kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản thì việc cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Xem thêm:

Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
Tìm hiểu về đối tượng của hợp đồng dân sự.
Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.

  • Trên đây là nội dung Tìm hiểu về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.