Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định mới về Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)

Quy định mới về Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)

15/02/2022


QUY ĐỊNH MỚI VỀ
HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH (BCC)

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm hợp đồng hợp tác kinh doanh.

2. Chủ thể hợp đồng hợp tác kinh doanh.

3. Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh.

4. Lưu ý khi thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

4.1. Các hình thức thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

4.2. Lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)

Hình 1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)

  Hiện nay, hoạt động kinh doanh diễn ra hàng ngày, hàng giờ và dần trở thành hoạt động không thể thiếu trong thời đại kinh tế thị trường. Khi các nhà đầu tư muốn chung vốn, góp nguồn lực kinh tế của mình nhằm hướng đến mục đích lợi nhuận chung thì thường lựa chọn loại hợp đồng hợp tác kinh doanh. Pháp luật hiện hành quy định tương đối cụ thể về chủ thể tham gia cũng hình thức, nội dung của hợp đồng này.

1. Khái niệm hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Ngày nay, hoạt động đầu tư kinh doanh đang diễn ra vô cùng phổ biến, khi đó các nhà đầu tư bỏ vốn, tài sản theo nhiều hình thức và cách thức khác nhau để thực hiện hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế, xã hội khác. Một trong những hình thức đầu tư hiện nay là đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh hay còn gọi là hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) là hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không cần phải thành lập các tổ chức kinh tế.
  • Xuất phát từ việc đa dạng trong các lĩnh vực hợp tác, hợp đồng BCC thường chịu sự điều chỉnh của ít nhất 03 văn bản pháp luật, bao gồm BLDS 2015, Luật Đầu tư 2020 và Luật chuyên ngành cho lĩnh vực, hoạt động được hợp tác. Ví dụ: Liên kết kinh doanh trong xây dựng thì áp dụng theo Luật xây dựng, liên kết kinh doanh trong phân phối hàng hóa thì áp dụng theo Luật thương mại.

2. Chủ thể hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Như đã phân tích, hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư với nhau, bao gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
  • Theo khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
  • Theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
  • Lưu ý rằng, các tổ chức kinh tế trong hợp đồng này không bắt buộc phải là pháp nhân. Đây chính là lợi thế nổi bật đối với các nhà đầu tư. Bởi lẽ, nhà đầu tư và các đối tác có thể thỏa thuận với nhau về quyền, nghĩa vụ thông qua hợp đồng với tư cách là một nhà đầu tư độc lập mà không bị ràng buộc bởi pháp nhân chung, qua đó sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho việc thành lập, cũng như vận hành một pháp nhân mới.
  • Một vấn đề khác được đặt ra là pháp luật có bắt buộc một bên trong hợp đồng BCC phải là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay không?
  • Câu trả lời là tùy vào lĩnh vực hợp tác sẽ có những quy định khác nhau. Ví dụ như trong lĩnh vực viễn thông, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 25/2011/NĐ-CP nhà đầu tư nước ngoài khi ký kết hợp đồng BCC để cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng phải ký kết với doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là hợp đồng BCC trong lĩnh vực viễn thông bắt buộc phải có một bên là tổ chức trong nước.

3. Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Nội dung của hợp đồng BCC là các thỏa thuận về nội dung hợp tác của các bên tham gia hợp đồng với các nội dung chủ yếu tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020. Cụ thể như sau:
  • Về thông tin pháp lý: Tên công ty, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
  • Mục tiêu, mong muốn của việc kết hợp với nhau để thực hiện dự án và phạm vi theo không gian và thời gian hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • Sự đóng góp về vốn như tài sản cố định, tài sản lưu động,… của các bên tham gia hợp đồng và với mục đích tối đa hóa lợi nhuận thì việc phân chia kết quả đầu tư sản xuất, kinh doanh giữa các bên cũng là điều đáng lưu tâm;
  • Ngoài ra, cần thỏa thuận tiến độ (thời gian các công đoạn thực hiện dự án) và thời hạn thực hiện hợp đồng;
  • Cần thỏa thuận rõ ràng quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng để tránh phát sinh tranh chấp;
  • Cần phải thỏa thuận, thương lượng các trường hợp sửa đổi, chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hay Tòa án.

4. Lưu ý khi thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Thực hiện hợp đồng BCC là một vấn đề quan trọng mà các bên cần phải hết sức lưu tâm. Bởi lẽ, việc thực hiện hợp đồng BCC như thế nào sẽ quyết định đến hiệu quả của hoạt động hợp tác.

 Lưu ý khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hình 2. Lưu ý khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh

4.1. Các hình thức thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Hợp đồng BCC có thể được thực hiện theo hình thức cùng nhau xây dựng tài sản hoặc hợp tác trong một số hoạt động kinh doanh . Cụ thể như sau:
  • Một là, hợp đồng BCC theo hình thức tài sản đồng kiểm soát: Tài sản đồng kiểm soát là tài sản được các bên mua, xây dựng, được sử dụng cho mục đích của hợp tác và mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Các bên tham gia hợp tác được ghi nhận phần giá trị tài sản đồng kiểm soát mà mình được hưởng. Ví dụ: A và B mỗi bên góp vốn 1 tỷ đồng để xây dựng cửa hàng mua bán thức ăn nhanh, theo đó cửa hàng này là tài sản đồng kiểm soát được các bên hợp tác xây dựng cho mục đích kinh doanh.
  • Hai là, hợp đồng BCC dưới hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát: đây là hoạt động hợp tác không thành lập một cơ sở kinh doanh mới. Các bên hợp tác có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng. Hoạt động của hợp đồng hợp tác được các bên góp vốn thực hiện cùng với các hoạt động kinh doanh thông thường khác của từng bên. Ví dụ: A đang kinh doanh nhà hàng, sau đó B góp vốn để hợp tác mở rộng hoạt động kinh doanh.

4.2. Lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài

  • Pháp luật quy định các bên chỉ phải bắt buộc thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hợp đồng BCC khi một trong các bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài.  Bản chất của việc hợp tác kinh doanh theo hợp đồng BCC là để hạn chế việc thành lập công ty mới, vì thế việc phát sinh thủ tục đăng ký đầu tư được coi là yếu tố quyết định hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng này sẽ không có giá trị pháp lý áp dụng khi vi phạm điều này.
  • Tóm lại, hợp đồng BCC đem đến nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư như tiết kiệm thời gian, chi phí để thành lập và vận hành một pháp nhân mới, ngoài ra khi hoạt động đầu tư kết thúc, các bên cũng không phải lo lắng về vấn đề giải thể. Với những ưu điểm nhất định mà hợp đồng BCC mang lại, việc ký kết hợp đồng BCC sẽ trở nên phổ biến. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần phải nắm rõ quy định pháp luật về hợp đồng này, nhằm hạn chế rủi ro không đáng có.

Tham khảo thêm bài viết:

Hợp đồng tặng cho tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.
Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí