Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Một số lưu ý về xử lý tiền cọc theo quy định pháp luật

Một số lưu ý về xử lý tiền cọc theo quy định pháp luật

16/03/2022


MỘT SỐ LƯU Ý VỀ XỬ LÝ TIỀN CỌC
THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Một số lưu ý về xử lý tiền cọc

Hình 1. Một số lưu ý về xử lý tiền cọc

  Nhằm đảm bảo cho việc giao kết và thực hiện giao dịch dân sự theo đúng mục đích và tiến độ, nhất là trong các hợp đồng mua bán tài sản, các bên tham gia hợp đồng thường thực hiện kèm theo biện pháp bảo đảm. Thỏa thuận về tiền cọc là một trong những biện pháp bảo đảm phổ biến nhất hiện nay.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Tiền cọc là gì?

2. Xử lý tiền cọc như thế nào?

2.1. Khi hợp đồng được giao kết.

2.2. Khi hợp đồng không được giao kết.

3. Một số trường hợp không phải đền bù tiền cọc.

3.1. Sự kiện bất khả kháng.

3.2. Trở ngại khách quan.

4.3. Trường hợp không thể thực hiện giao dịch do lỗi của một bên.

1. Tiền cọc là gì?

  • Tiền cọc được hiểu là một khoản tiền do bên đặt cọc đưa trước cho bên nhận đặt cọc trong một thời hạn để tạo lòng tin, nhằm đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Thực tế, các bên có thể sử dụng tài sản khác như kim khí, đá quý, vật có giá trị khác để đặt cọc. Thế nhưng, tiền cọc vẫn là đối tượng được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
  • Trong quan hệ đặt cọc, các chủ thể tham gia bao gồm bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc, cụ thể:
  • Bên đặt cọc: đây là bên giao một khoản tiền để đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
  • Bên nhận đặt cọc: đây là bên nhận khoản tiền từ bên đặt cọc nhằm đảm bảo việc giao kết hợp đồng hoặc bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng.
  • Song song đó, các chủ thể nêu trên phải đáp ứng thêm các điều kiện chung của pháp luật dân sự như: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.

2. Xử lý tiền cọc như thế nào?

  • Trong giao dịch dân sự, tiền cọc sẽ được xử lý tùy theo từng trường hợp cũng như theo thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, có thể chia thành hai trường hợp như sau: Khi hợp đồng được giao kết và khi hợp đồng không được giao kết.

2.1. Khi hợp đồng được giao kết

  • Như đã đề cập, một trong những mục đích của việc đặt cọc là nhằm đảm bảo việc giao kết hợp đồng. Do đó, khi việc đưa tiền cọc và các bên đã hoàn tất việc giao kết hợp đồng thì tiền cọc sẽ được xử lý theo một trong những cách thức sau:
  • Tiền cọc được trả lại cho bên đặt cọc, hoặc;
  • Tiền cọc được khấu trừ vào phần nghĩa vụ thanh toán tức là được trừ vào phần tiền phải trả.
  • Theo quy định của pháp luật hiện hành, các bên có thể thỏa thuận, lựa chọn cách thức xử lý tiền cọc phù hợp với nhu cầu, mục đích tham gia giao dịch của mình. Thỏa thuận này nên nêu rõ ràng khi các bên tiến hành đặt cọc.

2.2. Khi hợp đồng không được giao kết

  • Có thể hiểu rằng, nếu như việc đưa tiền cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu thì phải đền bù tiền cọc, cụ thể như sau:
  • Trường hợp bên đặt cọc có lỗi trong việc làm cho hợp đồng không được giao kết, không được thực hiện hoặc bị vô hiệu thì khoản tiền cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc;
  • Trường hợp bên nhận đặt cọc có lỗi trong việc làm cho hợp đồng không được giao kết, không được thực hiện hoặc bị vô hiệu thì phải trả cho bên đặt cọc khoản tiền cọc đã nhận và một khoản tiền tương đương để đền bù.

3. Một số trường hợp không phải đền bù tiền cọc

  • Về nguyên tắc, bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu thì phải đền bù tiền cọc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm đền bù tiền cọc.

 Một số trường hợp không phải đền bù tiền cọc

Hình 2. Một số trường hợp không phải đền bù tiền cọc

3.1. Sự kiện bất khả kháng

  • Theo quy định của pháp luật, để được xem là sự kiện bất khả kháng cần phải đáp ứng đủ ba yếu tố sau đây: 
  • Một là, sự kiện xảy ra một cách khách quan tức là không phụ thuộc vào ý chí, chủ đích của các bên;
  • Hai là, không thể lường trước được, sự kiện xảy ra nằm ngoài dự đoán của các bên;
  • Ba là, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được.
  • Ví dụ: Lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần,... là những sự kiện bất khả kháng.
  • Thông thường, cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, nếu bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc vi phạm nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm đền bù tiền cọc. 

3.2. Trở ngại khách quan

  • Trở ngại khách quan được hiểu là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
  • Ví dụ: X ký kết hợp đồng với Y, sau đó X phát hiện mình bị bệnh và phải điều trị. Trong thời gian trị bệnh X không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, đây được xem là trở ngại khách quan.
  • Một vấn đề đặt ra là liệu trong trường hợp bên đặt cọc, bên nhận đặt cọc không thể tiến hành giao kết hợp đồng hoặc có hành vi vi phạm nghĩa vụ do trở ngại khách quan thì bên vi phạm có phải đền bù tiền cọc hay không? Hiện nay, vấn đề này chưa được quy định một cách minh thị trong BLDS 2015.
  • Tuy nhiên, theo nội dung của Án lệ số 25/2018/AL thì trường hợp xác định một bên tham gia không thể thực hiện đúng cam kết do trở ngại khách quan thì không phải chịu phạt cọc.

4.3. Trường hợp không thể thực hiện giao dịch do lỗi của một bên

  • Căn cứ Điều 351 BLDS 2015, khi bên đặt cọc không thể tiến hành giao kết hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mà do lỗi hoàn toàn của bên nhận đặt cọc hoặc ngược lại thì bên đặt cọc, bên nhận đặt cọc không phải chịu trách nhiệm dân sự do hành vi vi phạm của mình gây ra. Tuy nhiên, bên có nghĩa vụ cần phải chứng minh được việc mình vi phạm nghĩa vụ là do hoàn toàn lỗi của bên kia thì mới được miễn trách nhiệm đền bù tiền cọc.
  • Tóm lại, việc đưa tiền cọc nhằm bảo đảm giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự là một biện pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Các cá nhân, pháp nhân cần phải hiểu rõ quy định pháp luật về tiền cọc nói chung cũng như các trường hợp được miễn trừ đền bù tiền cọc nói riêng để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất khi tham gia giao dịch dân sự.

Tham khảo thêm bài viết:

Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự.
Những vấn đề cần lưu ý khi ký kết hợp đồng đặt cọc.
Tranh chấp đất đai hòa giải không thành thì bao lâu được khởi kiện?
Công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở đâu?

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về xử lý tiền cọc. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí