Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hướng dẫn thủ tục tách thửa ở Bình Phước mới nhất

Hướng dẫn thủ tục tách thửa ở Bình Phước mới nhất

17/05/2022


HƯỚNG DẪN THỦ TỤC
TÁCH THỬA Ở BÌNH PHƯỚC MỚI NHẤT

thu-tuc-tach-thua-o-binh-phuoc

Hình 1. Thủ tục tách thửa ở Bình Phước.

  Bình Phước là tỉnh thành sở hữu vị trí thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế, là tỉnh nằm trong tam giác phát triển Tp.HCM - Bình Dương - Đồng Nai. Đây là cơ hội tốt cho thị trường bất động sản ở Bình Phước vươn lên bứt phá trong tương lai. Bài viết dưới đây Luật Thịnh Trí sẽ hướng dẫn về thủ tục tách thửa ở Bình Phước - một trong những thủ tục phổ biến nhưng cũng gặp không ít vướng mắc trên thực tế.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Điều kiện để được tách thửa ở Bình Phước.

1.1. Điều kiện chung.

1.2. Điều kiện tách thửa đối với đất ở tại Bình Phước.

1.3. Điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp tại Bình Phước.

2. Trình tự, thủ tục tách thửa ở Bình Phước.

1. Điều kiện để được tách thửa ở Bình Phước

1.1. Điều kiện chung

  Hiện nay, văn bản mới nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về điều kiện tách thửa là Quyết định 27/2020/QĐ-UBND. Trong đó, điều kiện chung để được tách thửa hiện được ghi nhận rất cụ thể tại Điều 4 của Quyết định. Các điều kiện bao gồm:

  • Thứ nhất, thửa đất cần tách thửa phải đã được cấp Giấy chứng nhận về quyền sử dụng hay nói cách khác là được cấp một trong những giấy tờ sau:
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở.
  • Thứ hai, thửa đất tách thửa không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
  • Thứ ba, thửa đất không thuộc khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, phê duyệt theo quy định pháp luật.
  • Thứ tư, thửa đất chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa có thông báo thu hồi đất.
  • Thứ năm, nếu như người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận cho thửa đất mới.
  • Thứ sáu, đối với các dự án thu hồi đất để làm đường giao thông do Nhà nước làm chủ đầu tư, thửa đất sau khi có quyết định thu hồi đất để làm đường và đã chỉnh lý trên Giấy chứng nhận thì được phép tách thửa đất.

1.2. Điều kiện tách thửa đối với đất ở tại Bình Phước

  Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Quyết định 27/2020/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước thì việc tách thửa đất ở phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Thứ nhất, thửa đất hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại khi tách thửa đất phải tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận và không thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trừ trường hợp thửa đất hình thành từ các khu tái định cư, nếu phù hợp điều kiện tách thửa đất theo Quy định này thì được phép tách thửa.
  • Thứ hai, diện tích tối thiểu và kích thước thửa đất ở sau khi tách thửa quy định như sau:
  • Tại phường, thị trấn với tuyến đường có lộ giới lớn hơn hoặc bằng 19 m: Diện tích tối thiểu không bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại là 45 m2 và phải đảm bảo kích thước tối thiểu của chiều rộng, chiều sâu thửa đất tính từ chỉ giới xây dựng là 5 m;
  • Tại các phường, thị trấn với tuyến đường có lộ giới nhỏ hơn 19m: Diện tích tối thiểu không bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại là 36 m2 và phải đảm bảo kích thước tối thiểu của chiều rộng, chiều sâu thửa đất tính từ chỉ giới xây dựng là 4 m;
  • Tại các xã thuộc thị xã, thành phố: Diện tích tối thiểu không bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại là 50 m2 và phải đảm bảo kích thước tối thiểu của chiều rộng, chiều sâu thửa đất tính từ chỉ giới xây dựng là 5 m;
  • Tại các xã thuộc huyện: Diện tích tối thiểu không bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại là 100m2 và phải đảm bảo kích thước tối thiểu của chiều rộng, chiều sâu thửa đất tính từ chỉ giới xây dựng là 5 m;
  • Trường hợp tuyến đường giao thông chưa quy định chỉ giới xây dựng thì chiều sâu thửa đất tính từ hành lang bảo vệ đường bộ.

1.3. Điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp tại Bình Phước

  • Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Quyết định 27/2020/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước thì việc tách thửa đất nông nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sau:
  • Diện tích tối thiểu bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại được quy định như sau:
  • Đất nông nghiệp tại các phường, thị trấn là 500 m2;
  • Đất nông nghiệp tại xã là 1.000 m2.
  • Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng: Vào ngày 22/3/2022 Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn 529/UBND-KT về việc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp vì tình hình phân lô, bán nền trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung của thành phố này.

 Siết chặt việc tách thửa đất nông nghiệp tại TP Đồng Xoài, Bình Phước

Hình 2. Siết chặt việc tách thửa đất nông nghiệp tại TP Đồng Xoài, Bình Phước.

2. Trình tự, thủ tục tách thửa ở Bình Phước

  • Bước 1: Nộp hồ sơ
  • Hồ sơ tách thửa ở Bình Phước bao gồm các loại giấy tờ sau:
  • Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu 11/ĐK.
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
  • Để nộp hồ sơ, quý khách hàng có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:
  • Nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu.
  • Nếu địa phương chưa tổ chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
  • Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
  • Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
  • Nếu như hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
  • Bước 3: Giải quyết yêu cầu
  • Trong thời hạn 12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện:
  • Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
  • Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
  • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
  • Bước 4: Trả kết quả
  • Kết quả phải trả cho người sử dụng đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.

Tham khảo thêm bài viết:

Người mua đất phải bồi thường như thế nào khi tự ý bỏ cọc đất?
Những điều cần biết về tặng cho quyền sử dụng đất.
Hủy hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bồi thường.
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai bạn cần biết.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về thủ tục tách thửa đất ở Bình Phước. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự, thương mại theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí