Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hợp đồng ký quỹ và những quy định cần lưu ý

Hợp đồng ký quỹ và những quy định cần lưu ý

12/04/2022


HỢP ĐỒNG KÝ QUỸ VÀ
NHỮNG QUY ĐỊNH CẦN LƯU Ý

Hợp đồng ký quỹ

Hình 1. Hợp đồng ký quỹ

  Ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự được quy định trong pháp luật dân sự. Đây là biện pháp bảo đảm được lựa chọn phổ biến trên thực tế, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. Tương tự, hợp đồng ký quỹ cũng là một dạng hợp đồng bảo đảm với những đặc trưng nổi bật và pháp luật đã có những quy định chặt chẽ đối với vấn đề này.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Vấn đề chung.

1.1 Ký quỹ là gì?

1.2 Hợp đồng ký quỹ là gì?

2. Một số quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng ký quỹ.

2.1 Hình thức và nội dung của hợp đồng.

2.2 Nội dung của hợp đồng.

2.3 Hậu quả pháp lý.

3. Ký quỹ trong hoạt động đầu tư.

1. Vấn đề chung

  • Để dễ hình dung về biện pháp ký quỹ, có thể xem qua ví dụ sau:
  • A và B giao kết hợp đồng mua bán tài sản. Tuy nhiên, vì tài sản này có giá trị lớn nên B lo ngại rủi ro xảy ra trong trường hợp A không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho B.
  • Do đó, cả A và B đã lựa chọn một tổ chức tín dụng làm bên thứ ba có nhiệm vụ: Mở tài khoản để giữ một số tiền đảm bảo riêng cho giao dịch, nhằm mục đích buộc các bên phải thực hiện đúng và đầy đủ những điều khoản, quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong hợp đồng. Như vậy, cả A và B đang thực hiện biện pháp bảo đảm là ký quỹ.

1.1 Ký quỹ là gì?

  • Dưới góc độ ngữ nghĩa, ký quỹ là hình thức gửi tiền (quỹ), ký gởi tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nhằm một mục đích cụ thể nào đó.
  • Dưới góc độ pháp lý, ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ .
  • Như vậy, có thể nói, để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự được đầy đủ và đúng thời hạn, bên có nghĩa vụ cần gửi một khoản tiền, kim quý, đá quý, giấy tờ có giá trị vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng.

1.2 Hợp đồng ký quỹ là gì?

  • Hiện nay, hợp đồng ký quỹ không được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên từ khái niệm ký quỹ nói trên, có thể suy ra rằng, hợp đồng ký quỹ là một dạng hợp đồng bảo đảm, trong đó có ghi nhận hình thức, chủ thể, tài sản ký quỹ cũng như biện pháp xử lý… khi chủ thể không thực hiện nghĩa vụ.

2. Một số quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng ký quỹ

  • Ký quỹ được xem là một hình thức đảm bảo tài chính của chủ thể, có thể là cá nhân, tổ chức đối với ngân hàng. Đối với biện pháp này thì các bên thường thực hiện thông qua hình thức là hợp đồng.

2.1 Hình thức và nội dung của hợp đồng

  • Theo đó, pháp luật hiện hành có quy định những hình thức của một giao dịch dân sự, bao gồm: lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
  • Theo đó, hợp đồng ký quỹ là một dạng hợp đồng bảo đảm, liên quan đến nhiều nội dung như tài sản ký quỹ về kim khí, đá quý có giá trị lớn; quyền và nghĩa vụ của chủ thể... Do vậy, các bên thường thực hiện thông qua hình thức là hợp đồng.

2.2 Nội dung của hợp đồng

  • Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của giao dịch dân sự được pháp luật quy định là sự tự nguyện thỏa thuận của các bên và hợp đồng ký quỹ cũng vậy. Ngoài những nội dung mà các bên thỏa thuận, hợp đồng này có thể bao gồm những nội dung sau đây:
  • Đối tượng của hợp đồng;
  • Số lượng, chất lượng;
  • Giá, phương thức thanh toán;
  • Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  • Phương thức giải quyết tranh chấp.
  • Riêng đối với hợp đồng ký quỹ, bên cạnh các nội dung nêu trên, hợp đồng ký quỹ thường bao gồm một số nội dung, như: thông tin của bên ký quỹ, bên nhận ký quỹ, bên được đảm bảo; mục đích hợp đồng; cam kết của các bên; phương thức thanh toán…

2.3 Hậu quả pháp lý

  • Khi đã giao kết hợp đồng ký quỹ, các bên cần tuân thủ đầy đủ những nội dung ghi trong hợp đồng, bao gồm nghĩa vụ, cam kết của mình cùng một số thỏa thuận khác (nếu có). Mọi vấn đề phát sinh trong quá trình ký quỹ hoặc bồi thường thiệt hại… phải dựa vào hợp đồng và quy định của pháp luật.
  • Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

3. Ký quỹ trong hoạt động đầu tư

 Ký quỹ trong hoạt động đầu tư

Hình 2. Ký quỹ trong hoạt động đầu tư

  • Hình thức bảo đảm bằng ký quỹ không thường xuất hiện ở các giao dịch dân sự thông thường, mà chủ yếu xuất hiện trong các dự án đầu tư kinh doanh. Theo đó, ký quỹ trong hoạt động đầu tư nhằm mục đích bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Hoạt động này chỉ được áp dụng đối với dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:
    • Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
    • Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
    • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
    • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác;
    • Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.     
  • Nhìn chung, biện pháp ký quỹ và hợp đồng ký quỹ là biện pháp bảo đảm thường được lựa chọn trên thực tế, đặc biệt là trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư. Nắm rõ những quy định trên giúp chủ thể có cái nhìn tổng quan cũng như chú ý hơn về hình thức, nội dung thỏa thuận, cách xử lý tài sản khi lựa chọn biện pháp bảo đảm này.

Tham khảo thêm bài viết:

15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.
Tìm hiểu về đối tượng của hợp đồng dân sự.
Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hợp đồng ký quỹ. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí