Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến và cách giải quyết

Các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến và cách giải quyết

27/10/2022


CÁC TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI PHỔ BIẾN
VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

Các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến

Hình 1. Các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Tranh chấp đất đai là gì?

2. Các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến.

3. Cách giải quyết các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến.

1. Tranh chấp đất đai là gì?

  • Ngày nay, tranh chấp đất đai là một trong các tranh chấp nhiều nhất được thụ lý giải quyết tại Tòa án. Theo đó, đây là loại tranh chấp dân sự về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Để hiểu rõ hơn tranh chấp đất đai là gì, chúng ta có thể tìm hiểu thông qua chủ thể tranh chấp và đối tượng tranh chấp.
  • Thứ nhất, về chủ thể tranh chấp đất đai: Trong các quan hệ sở hữu tài sản, thông thường chủ thể tranh chấp sẽ là chủ sở hữu tài sản đó. Tuy nhiên, tại Điều 4 Luật Đất đai 2013 có quy định rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, chủ thể của tranh chấp đất đai được xác định là các cá nhân, tổ chức được quyền sử dụng, quản lý đất.
  • Thứ hai, về đối tượng của tranh chấp đất đai: Theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có thể hiểu đối tượng của tranh chấp đất đai chính là quyền quản lý, quyền sử dụng, những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng đất đai.

2. Các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến

  Qua quá trình nghiên cứu cũng như căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Luật Thịnh Trí xin thông tin đến quý bạn đọc một số trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến như sau:

  • Thứ nhất, tranh chấp về quyền sử dụng đất: Có thể hiểu một cách khái quát rằng tranh chấp về quyền sử dụng đất là những tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất đó. Theo đó, có thể bao gồm các tranh chấp như sau:
  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi chia thừa kế, khi vợ chồng ly hôn;
  • Tranh chấp về ranh giới giữa những chủ thể sử dụng các thửa đất liền nhau. Có thể do hai bên cùng không xác định được ranh giới (do mất dấu,…) hoặc một bên lấn chiếm diện tích sử dụng,…; Trong trường hợp này, mục đích của tranh chấp chủ yếu để phân định quyền sử dụng thửa đất hoặc một phần thửa đất đó thuộc về ai.
  • Thứ hai, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất: Đây là những tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất hay nói cách khách là các tranh chấp liên quan tới giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất. Chẳng hạn:
  • Những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng dân sự về chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, bảo lãnh, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;
  • Những tranh chấp, khiếu nại về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất (Nhà nước thu hồi đất cho các mục đích an ninh – quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng).
  • Thứ ba, những tranh chấp về mục đích sử dụng đất:
  • Có thể hiểu mục đích sử dụng đất là căn cứ để nhà nước phân loại đất đai và đưa ra các quy định buộc chủ thể quản lý, người sử dụng đất phải quản lý, sử dụng theo đúng với mục đích được thể hiện trong quyết định giao đất, cho thuê đất.
  • Việc Nhà nước phân loại mục đích sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc áp dụng quy chế riêng đối với mỗi loại đất và người sử dụng đất, đồng thời, giúp sử dụng đất một cách hiệu quả, tận dụng và cải tạo đất triệt để.
  • Căn cứ vào Luật Đất đai 2013, mục đích sử dụng đất có thể chia thành 3 nhóm chính:
  • Đất nông nghiệp;
  • Đất phi nông nghiệp;
  • Đất chưa xác định mục đích sử dụng.
  • Như vậy, tranh chấp về mục đích sử dụng đất phát sinh khi người sử dụng đất dùng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất.

3. Cách giải quyết các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến

 Cách giải quyết tranh chấp đất đai

Hình 2. Cách giải quyết tranh chấp đất đai.

  • Tranh chấp đất đai là sự việc không ai mong muốn, tuy nhiên khi đã xảy ra tranh chấp thì việc lựa chọn phương án giải quyết cho phù hợp là vô cùng quan trọng và cần thiết.
  • Trên tinh thần chung, ngày nay pháp luật khuyến khích các bên tranh chấp tự thương lượng với nhau để đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Bởi lẽ, nếu các bên thương lượng thành công sẽ giúp giữ gìn mối quan hệ gắn bó cũng như bí mật giữa các bên; ngoài ra không tốn gian, công sức cho việc thực hiện thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền.
  • Thế nhưng, nếu không thể thương lượng được thì vụ việc cần được đưa ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Pháp luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
  • Nếu tranh chấp đất đai có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;
  • Nếu tranh chấp đất đai không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì các bên lựa chọn một trong hai cơ quan sau để giải quyết tranh chấp:
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền;
  • Đề nghị UBND cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết (tùy từng trường hợp cụ thể).

Tham khảo thêm bài viết:

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai bạn cần biết.
Một số quy định về tranh chấp ranh giới đất đai.
Lập di chúc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không cho bán, được không?
Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được giải quyết như thế nào?

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về các trường hợp tranh chấp đất đai phổ biến và cách giải quyết. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực đất đai theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí