Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Ai là người được quyền nuôi con khi ly hôn?

Ai là người được quyền nuôi con khi ly hôn?

03/12/2021


AI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC QUYỀN
NUÔI CON KHI LY HÔN?

Thủ tục ly hôn và quyền nuôi con

  Khi ly hôn thì việc giành quyền nuôi con là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với người làm cha mẹ. Vậy quyền nuôi con khi ly hôn được quy định như thế nào? Hãy liên hệ với Luật Thịnh Trí để được hỗ trợ giải đáp.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định của pháp luật về quyền nuôi con khi ly hôn.

1.1. Đối với con dưới 36 tháng tuổi.

1.2. Đối với con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên.

2. Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn.

3. Quyền và nghĩa vụ của cha/mẹ không trực tiếp nuôi con.

4. Vi phạm quy định về quyền nuôi con bị phạt thế nào?

1. Quy định của pháp luật về quyền nuôi con khi ly hôn

  • Giành quyền nuôi con khi ly hôn là một trong những dạng tranh chấp tương đối phổ biến khi vợ chồng tiến hành thủ tục ly hôn. Trong cuộc sống hôn nhân, không phải ai cũng có một kết thúc viên mãn. Có những cuộc hôn nhân đổ vỡ kéo theo đó là những ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của con trẻ bởi sự giành giật nuôi dưỡng giữa cha mẹ mình. Theo quy định pháp luật, quyền nuôi con khi ly hôn được xác định dựa theo độ tuổi của con, cụ thể như sau:

1.1. Đối với con dưới 36 tháng tuổi

  • Theo quy định pháp luật, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi.  Sở dĩ có quy định này là vì xuất phát từ nhu cầu được chăm sóc của đứa trẻ, cơ thể trẻ vẫn còn vô cùng yếu ớt và cần có sự chăm sóc của người mẹ, ví dụ như là cho con ăn bằng sữa mẹ, dạy con ăn uống, chăm lo sức khỏe cho con. Trong giai đoạn này, người mẹ trực tiếp nuôi con là phù hợp nhất.
  • Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi con nhỏ hơn 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con đều thuộc về người mẹ. Khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc giữa cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con thì Tòa án vẫn có thể giao con cho người cha trực tiếp nuôi.

1.2. Đối với con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên

  • Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì quyền nuôi con được Tòa án xác định như sau:
  • Con từ 03 đến dưới 07 tuổi: Tòa án dựa trên điều kiện nuôi con của hai bên như điều kiện kinh tế, chỗ ở, thời gian chăm sóc con,... để quyết định giao con;
  • Con từ 07 tuổi trở lên: Tòa án sẽ xem xét, căn cứ vào nguyện vọng của con.
  • Bên cạnh đó, nếu Tòa án xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ, trong đó bao gồm:
  • Người giám hộ đương nhiên theo thứ tự sau:
    • Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ. Nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ (trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác là người giám hộ).
    • Trường hợp không có anh, chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ là người giám hộ.
    • Trường hợp không có người giám hộ như các đối tượng nêu trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
  • Người giám hộ được cử, chỉ định:
    • Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ;
    • Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
  • Cần lưu ý rằng, khi cử, chỉ định người giám hộ cho con từ đủ 06 (sáu) tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

2. Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn

Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn
Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn.

  • Muốn giành được quyền nuôi con, cha/mẹ phải chứng minh mình có điều kiện nuôi con tốt hơn chồng người còn lại. Những điều kiện cần chứng minh là về vật chất và tinh thần cụ thể như sau:
  • Điều kiện về vật chất (kinh tế): Cha/mẹ phải chứng minh được mình có đầy đủ các điều kiện về vật chất như:
    • Thu nhập thực tế;
    • Công việc ổn định;
    • Có chỗ ở ổn định (nhà ở hợp pháp).
    • Theo đó, cha/mẹ phải có điều kiện về tài chính hơn so với người còn lại, mức thu nhập, nơi cư trú của cha/mẹ phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, học tập và vui chơi cho cháu bé. Để chứng minh được vấn đề này, cha/mẹ cần cung cấp cho Tòa án những giấy tờ như: hợp đồng lao động, bảng lương, giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu đất, sở hữu nhà (sổ đỏ),...
  • Điều kiện về tinh thần: Các điều kiện về tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ,...
  • Tóm lại, việc vợ chồng ly hôn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con trẻ khi luôn thiếu đi tình cảm của cha mẹ, không được hưởng trọn vẹn sự yêu thương, chăm sóc và đùm bọc, không có được một mái ấm gia đình theo đúng nghĩa.
  • Khi vợ chồng ly hôn, nếu không thể tự thỏa thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử và ra quyết định giao con cho một trong hai bên khi xét thấy điều kiện về vật chất và điều kiện về tinh thần của con được tốt nhất nếu được sống với người đó. Chính vì vậy, để giành quyền nuôi con cha/mẹ phải chứng minh được các điều kiện tốt nhất về mọi mặt mà mình có thể dành cho con.

3. Quyền và nghĩa vụ của cha/mẹ không trực tiếp nuôi con

  • Thứ nhất, nghĩa vụ tôn trọng quyền của con: Cha/mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  • Thứ hai, quyền thăm nom khi không trực tiếp nuôi con:
  • Mặc dù không được trực tiếp nuôi con nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người này cùng với tôn trọng tình cảm cha mẹ con cái được pháp luật bảo vệ, người không nuôi con được quyền thăm nom con cái mà không ai được cản trở.
  • Tuy nhiên, không thể lấy lý do thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Khi đó, người có trách nhiệm nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom. Cụ thể, Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các trường hợp sau đây sẽ bị Tòa án hạn chế quyền thăm nom con:
    • Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý
    • Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
    • Phá tài sản của con;
    • Có lối sống đồi trụy;
    • Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
  • Thứ ba, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con: Người không trực tiếp nuôi nấng con cái phải có nghĩa vụ cấp dưỡng để san sẻ một phần gánh nặng về tiền bạc đối với người nuôi con. Theo đó, mức cấp dưỡng bao nhiêu sẽ do hai bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập thực tế, khả năng tài chính của người cấp dưỡng cũng như nhu cầu chi tiêu của người con. Chỉ khi không thể thỏa thuận được, Tòa án mới áp dụng mức cấp dưỡng cho các bên.

 4. Vi phạm quy định về quyền nuôi con bị phạt thế nào?

  • Theo quy định tại Điều 53, Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thì:
    • Người nào có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng - 300 nghìn đồng.
    • Đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn, giữa cha mẹ và con sau khi ly hôn thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 nghìn đồng.
  • Bên cạnh đó, khi đã có quyết định của Tòa án yêu cầu cha hoặc mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng không thực hiện bản án mặc dù có đủ điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì có thể bị phạt tối đa 5 năm tù giam theo quy định tại Điều 380 BLHS 2015.
  • Ngoài ra, nếu việc trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ khiến người con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại Điều 186 BLHS 2015.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần biết về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
Những điều cần biết về trước và sau khi kết hôn.
Cách xác định tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Thủ tục ly hôn thuận tình với người nước ngoài.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quyền nuôi con khi ly hôn. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các hồ sơ, thủ tục ly hôn cũng như các vấn đề liên quan đến quyền nuôi con theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 63 65