Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Lừa dối kết hôn là gì? Có được quyền yêu cầu hủy kết hôn khi bị lừa dối không?

Lừa dối kết hôn là gì? Có được quyền yêu cầu hủy kết hôn khi bị lừa dối không?

11/02/2022


LỪA DỐI KẾT HÔN LÀ GÌ?
CÓ ĐƯỢC QUYỀN YÊU CẦU HỦY KẾT HÔN KHI BỊ LỪA DỐI KHÔNG?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định lừa dối kết hôn.

2. Quyền yêu cầu hủy kết hôn khi bị lừa dối.

3. Xử lý việc lừa dối kết hôn.

4. Hậu quả pháp lý đối với trường hợp lừa dối kết hôn.

  Kết hôn là trên cơ sở tự nguyện của hai bên thiết lập mối quan hệ vợ chồng nhằm mục đích sống chung và xây dựng hạnh phúc gia đình, tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp kết hôn vì lợi ích kinh tế chứ không phải để xây dựng hạnh phúc gia đình hoặc lừa dối để kết hôn. Vậy lừa dối kết hôn là gì? Trong trường hợp bị lừa dối để kết hôn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy như thế nào? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết về các điều nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Lừa dối kết hôn

Lừa dối kết hôn (ảnh minh họa)

1. Quy định lừa dối kết hôn

  • Nam và nữ muốn xác lập quan hệ vợ chồng với nhau phải đảm bảo các điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn theo quy định Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014. Một trong số điều kiện để đáp ứng đăng ký kết hôn là việc kết hôn của nam, nữ không nằm trong các trường hợp bị cấm đăng ký kết hôn theo khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014, trong đó có trường hợp lừa dối kết hôn.
  • Lừa dối kết hôn được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba vì muốn đạt được mục đích kết hôn nên đã cố ý làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi lừa dối thì bên kia đã không đồng ý việc kết hôn.

2. Quyền yêu cầu hủy kết hôn khi bị lừa dối

  • Kết hôn dựa trên sự tự nguyện của hai bên để xây dựng hạnh phúc gia đình, do đó, nếu việc kết hôn mà do lừa dối thì việc kết hôn đó trái pháp luật sẽ bị Tòa án có thẩm quyền xem xét và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật đó.
  • Theo Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định người bị lừa dối để kết hôn có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Lý do là việc lừa dối kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
  • Trường hợp, người bị lừa dối không thể tự mình yêu cầu thì có quyền đề nghị cá nhân, tổ chức sau đây yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật:
  • Về cá nhân: Cha, mẹ, con, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người kết hôn trái pháp luật; vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác.
  • Về tổ chức: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.
  • Trường hợp, cá nhân, tổ chức khác phát hiện việc kết hôn trái pháp luật có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
  • Lưu ý: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn khi bị lừa dối thì kèm theo đơn yêu cầu đề nghị hủy kết hôn trái pháp luật, người yêu cầu phải nộp tài liệu, chứng cứ về việc bị lừa dối kết hôn và phải nộp Giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ, tài liệu chứng minh đã đăng ký kết hôn; trường hợp thất lạc giấy chứng nhận kết hôn thì phải có xác nhận của UBND đã cấp Giấy chứng nhận kết hôn.

3. Xử lý việc lừa dối kết hôn

  • Xử lý việc lừa dối kết hôn do Tòa án thực hiện theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình và pháp luật về tố tụng dân sự. Sau khi giải quyết việc kết hôn trái pháp luật do bị lừa dối, Tòa án ra Quyết định về việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; gửi quyết định cho hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
  • Tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn do bị lừa dối mà cả hai bên kết hôn có đủ các điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Sau khi công nhận quan hệ hôn nhân, Tòa án ra Quyết định về việc công nhận quan hệ hôn nhân và gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; gửi quyết định cho hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

 Hậu quả pháp lý lừa dối kết hôn

Hậu quả pháp lý lừa dối kết hôn (ảnh minh họa)

4. Hậu quả pháp lý đối với trường hợp lừa dối kết hôn

  • Trường hợp lừa dối kết hôn theo Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về hậu quả pháp lý của việc kết hôn trái pháp luật như sau:
  • Thứ nhất, hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
  • Trong trường hợp, hai bên vẫn tiếp tục duy trì quan hệ như vợ chồng một cách tự nguyện thì coi như không còn sự lừa dối. Nếu hai bên muốn xác lập hôn nhân thì có quyền đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn lại. Trong trường hợp một trong hai bên hoặc người thứ ba có hành vi tiếp tục cưỡng ép hoặc lừa dối bên kia duy trì quan hệ như vợ chồng trái với ý chí của bên kia, thì người cưỡng ép hoặc lừa dối có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự như sau:
  • Xử lý vi phạm hành chính: Hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
  • Xử lý hình sự: Trường hợp hành vi cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân đã xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn vi phạm thì bị xử lý hình sự là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
  • Thứ hai, về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên giải quyết theo Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
  • Về tài sản chung: phân chia trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Về tài sản riêng: thuộc quyền sở hữu riêng từng người.
  • Việc giải quyết tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của con, của phụ nữ; công việc; công góp đóng sức và các quyền lợi khác theo quy định pháp luật.
  • Thứ ba, về con cái được giải quyết như khi ly hôn.
  • Cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
  • Trường hợp không trực tiếp chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con thì cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng đồng thời có quyền thăm nom con…

Xem thêm:

Một số vấn đề liên quan đến việc kết hôn.
Sau ly hôn, vi phạm quy định về nghĩa vụ, quyền nuôi con bị phạt thế nào?
Cách xác định tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Thủ tục ly hôn thuận tình với người nước ngoài.

  • Trên đây là nội dung Lừa dối kết hôn là gì? Có được quyền yêu cầu hủy kết hôn khi bị lừa dối không? của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.