Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Bên B muốn hỏi về tính pháp lý chữ ký số điện tử cho cá nhân, tổ chức (điều kiện để được sử dụng chữ ký số điện tử, ngoài ký trên hợp đồng thì có áp dụng với chứng từ ngân hàng được không....) - các văn bản pháp luật liên quan

Bên B muốn hỏi về tính pháp lý chữ ký số điện tử cho cá nhân, tổ chức (điều kiện để được sử dụng chữ ký số điện tử, ngoài ký trên hợp đồng thì có áp dụng với chứng từ ngân hàng được không....) - các văn bản pháp luật liên quan

05/10/2021


   Căn cứ yêu cầu tư vấn của Quý công ty và trên cơ sở quy định của pháp luật, chúng tôi phản hồi yêu cầu tư vấn của Quý công ty như sau:

  • 1. Xác định vấn đề

- Căn cứ Khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về chữ ký điện tử như sau:

Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.”

- Căn cứ Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định về chữ ký số như sau:

"Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Quý công ty muốn hỏi về tính pháp lý chữ ký số điện tử cho cá nhân, tổ chức (điều kiện để được sử dụng chữ ký số điện tử, ngoài ký trên hợp đồng thì có áp dụng với chứng từ ngân hàng được không....), căn cứ quy định pháp luật được trích dẫn ở trên và hình ảnh được Quý Công ty cung cấp, chúng tôi hiểu Quý Công ty đang đề cập đến chữ ký số. Do đó, các nội dung dưới đây sẽ tập trung vào chữ ký số.

  • 2. Giá trị pháp lý của chữ ký số

- Căn cứ Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của chữ ký số như sau:

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

- Căn cứ Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số như sau:

“Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

2. Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;

b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

c) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

d) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

3. Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.”

Do đó, các văn bản của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ có giá trị pháp lý khi sử dụng chữ ký số có đủ các điều kiện đảm bảo an toàn và được cung cấp bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số như trích dẫn ở trên thì sẽ có hiệu lực pháp luật như đối với văn bản được in ra, được các bên ký tên và đóng dấu.

  • 3. Chữ ký số có được áp dụng với các chứng từ ngân hàng không?

Thông thường, chữ ký số có thể sử dụng ký trong các hoạt động như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, khai Hải quan điện tử, giao dịch Bảo hiểm xã hội, các hợp đồng mà các bên có thoả thuận sử dụng chữ ký số.

Và như ở mục 2 đã phân tích về giá trị pháp lý của chữ ký số thì về mặt pháp lý đối với các hồ sơ, chứng từ thực hiện giao dịch điện tử trong giao dịch của các bên nếu được ký bởi chữ ký số có đủ điều kiện đảm bảo an toàn và được cung cấp bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký theo quy định thì có căn cứ để thừa nhận giá trị pháp lý.

- Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Nghị định 35/2007/NĐ-CP quy định về nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng như sau:

“Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc giao dịch theo phương thức truyền thông, trừ trường hợp có quy định khác của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.”

- Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 35/2007/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:

    a) Cam kết thực hiện các quy trình về giao dịch điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử quy định;

    b) Có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật;

    c) Xác lập phương thức gửi, nhận chứng từ điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử.

Như các căn cứ trên có thể thấy, doanh nghiệp có thể lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử khi làm việc với ngân hàng nếu đáp ứng các điều kiện được liệt kê trên. Tuy nhiên, cần phải xét thực tiễn trong hoạt động ngân hàng, hiện nay các ngân hàng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng chữ ký số để ký trên các chứng từ trong các giao dịch thay cho chữ ký sống và đóng dấu. Do đó, thời điểm này, đối với các chứng từ ngân hàng thì doanh nghiệp vẫn được các ngân hàng yêu cầu ký sống, đóng dấu và chưa áp dụng chữ ký số.

  • 4. Văn bản pháp luật có liên quan

- Luật giao dịch điện tử 2005;

- Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

- Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng;

- Thông tư số 28/2015/TT-NHNN quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước;

- Thông tư số 10/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số28/2015/TT-NHNN ngày 18/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước.