Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính do các chủ thể có thẩm quyền ban hành

Yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính do các chủ thể có thẩm quyền ban hành

17/08/2021


YÊU CẦU VỀ TÍNH HỢP PHÁP, HỢP LÝ CỦA QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH,

HÀNH VI HÀNH CHÍNH DO CÁC CHỦ THỂ CÓ THẨM QUYỀN BAN HÀNH

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm Quyết định hành chính, Hành vi hành chính

1.1.Quyết định hành chính

1.2. Hành vi hành chính

2.Yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính

1. Khái niệm Quyết định hành chính, Hành vi hành chính:

      1.1.Quyết định hành chính:

  • Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011 và Luật tố tụng hành chính năm 2015, Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
  • Theo đó, Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, do các chủ thể quản lý hành chính nhà nước ban hành theo trình tự, hình thức pháp luật quy định, nhằm đề ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong quản lý hành chính Nhà nước có tính chất bắt buộc phải thực hiện đối với các đối tượng liên quan.
    • Đặc điểm chung: Quyết định hành chính mang tính quyền lực nhà nước và tính pháp lý. Ngoài những đặc điểm chung nêu trên quyết định hành chính còn có những đặc điểm riêng như sau:
      • Tính dưới luật: Quyết định hành chính được xây dựng và ban hành trên cơ sở Hiến pháp và Luật;
      • Quyết định hành chính được ban hành theo hình thức và trình tự do pháp luật quy định;
    • Chủ thể chủ yếu ban hành quyết định là những cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như những chủ thể có thẩm quyền riêng.
    • Căn cứ vào tính chất pháp lý có thể phân loại quyết định hành chính thành quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm và quyết định cá biệt. Trong đó Quyết định hành chính cá biệt là loại quyết định được áp dụng thường xuyên trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm giải quyết trực tiếp các công việc cụ thể phát sinh trong hoạt động quản lý. Quyết định hành chính cá biệt là quyết định áp dụng pháp luật, được ban hành căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Quyết định hành chính cá biệt còn có thể là quyết định lên lương, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật...đối với cán bộ, công chức nhà nước.

       1.2. Hành vi hành chính

  • Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
  • Hành vi hành chính được biểu hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động:
    • Hành vi hành động thể hiện dưới dạng là thực hiện các hành vi công vụ được giao theo thẩm quyền và lĩnh vực quản lý (về đất đai, về y tế, về văn hoá, giáo dục….)
    • Hành vi không hành động là hành vi của người hoặc cơ quan có thẩm quyền không thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật, nó được thể hiện dưới dạng họ không thực hiện nhiệm vụ được giao, là họ đưa ra nhiều lý do để từ chối thực hiện nhiệm vụ.

Yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính do các chủ thể có thẩm quyền ban hành
Yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính do các chủ thể có thẩm quyền ban hành.

2.Yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính:

  • Quyết định hành chính, hành vi hành chính là hai tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quản lý hành chính nhà nước ở hai góc độ khác nhau, tuy độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, thống nhất và bổ trợ cho nhau.
  • Tính hợp pháp là biểu hiện của nguyên tắc Pháp chế. Trong khi tính hợp lý của quyết định quản lý nhà nước thể hiện tính “Khả thi”và hiệu quả cao nhất về kinh tế – chính trị, xã hội. Sức sống và khả năng tồn tại của các quyết định quản lý nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào tính hợp lý của nó.
  • Yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính bao gồm các nội dung sau:
  • Quyết định, hành vi quản lý hành chính nhà nước khi được ban hành, thực hiện chỉ có hiệu quả khi nội dung và hình thức của chúng bảo đảm cả tính hợp pháp và tính hợp lý. Để bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý của nội dung và hình thức quyết định thì thủ tục xây dựng và ban hành (QĐHC) thực thi (HVHC) của cơ quan, công chức có thẩm quyền cũng phải theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với lý luận và thực tiễn. Nghĩa là thủ tục đó phải bảo đảm tính hợp pháp và tính hợp lý. Cụ thể, một quyết định hành chính, hành vi hành chính  chỉ có hiệu lực thi hành khi nó hợp pháp, tức là thoả mãn tất cả các yêu cầu sau:
    • Một là, QĐHC, HVHC phải phù hợp với mục đích và nội dung của luật, không trái với hiến pháp, luật, pháp lệnh và các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên. Điều này xuất phát từ đặc điểm riêng của quyết định hành chính, đó là tính dưới luật. Chính do bởi hiệu lực pháp lý của các quyết định hành chính luôn thấp hơn luật nên không thể trái với những quy định mà hiến pháp và luật đã đặt ra.
    • Hai là, QĐHC, HVHC  được ban hành, thực thi trong phạm vi thẩm quyền của chủ thể quản lý.
  • Tính hợp pháp là yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế, còn tính hợp lý là yêu cầu của nghệ thuật quản lý, của chính cuộc sống.
  • Như vậy, tính hợp pháp của QĐHC , HVHC là phải đảm bảo yêu cầu về thẩm quyền của chủ thể, Trình tự, thủ tục  ban hành, thực thi trong khuôn khổ luật định và không trái với những văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; Tính hợp lý  là sự thể hiện phương án được lựa chọn để điều chỉnh đối tượng quản lý là phương án tốt nhất. Để ra đời và tồn tại lâu dài, một QĐHC, HVHC phải đảm bảo các yêu cầu về tính hợp lý như đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như nguyện vọng của nhân dân, Phải phù hợp thực tế khác quan, Ngôn ngữ dễ hiểu, chính xác, rõ ràng.
  • Tính hợp pháp và hợp lý luôn gắn bó với nhau, cả về nội dung lẫn hình thức như một chỉnh thể thống nhất mà nếu thiếu một trong những yêu cầu đó thì QĐHC, HVHC ban hành sẽ không đạt hiệu quả, không đạt được mục đích. Điều này cho thấy chất lượng của QĐHC, HVHC trong quản lý hành chính nhà nước là hết sức cần thiết và quan trọng bởi lẽ, mọi QĐHC, HVHC đều nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước, thực thi pháp luật thực tế, không chỉ đảm bảo lợi ích Nhà nước mà còn phải phù hợp thực tế khách quan cùng nguyện vọng nhân dân; phải rõ ràng chính xác để tránh hiểu sai, áp dụng sai, phải có tính khả thi mới có thể tiến hành áp dụng quyết định hành chính theo từng giai đoạn nhằm ổn định trật tự xã hội và đời sống của nhân dân.

Tham khảo thêm bài viết:
Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp.

Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.