Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tranh chấp về thuế, phương thức tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực quản lý hành chính về thuế

Tranh chấp về thuế, phương thức tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực quản lý hành chính về thuế

17/08/2021


TRANH CHẤP VỀ THUẾ, PHƯƠNG THỨC TRANH CHẤP

VÀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.Tranh chấp về thuế

2. Phương thức tranh chấp về thuế

2.1. Phương thức Khiếu nại hành chính

2.2. Phương thức Khởi kiện tại Toà án hành chính

3.Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thuế

3.1.Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế

3.2.Thẩm quyền xét xử của Toà hành chính các cấp

1.Tranh chấp về thuế

  • Khái niệm Tranh chấp thuế là tranh chấp hành chính có liên quan đến quyết định thu thuế, quyết định xử phạt đối với người nộp thuế. Tranh chấp phát sinh do bất đồng của người nộp thuế đối với quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu thuế và xử phạt.
  • Đối tượng của tranh chấp về thuế chính là những lợi ích liên quan đến số tiền thuế hoặc tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế. Những khoản tiền này phản ánh mối quan hệ lợi ích giữa các bên tranh chấp và thường


Như đã phân tích ở trên, do tranh chấp về thuế phát sinh từ quan hệ pháp luật thuế - là quan hệ pháp luật hành chính giữa người nộp thuế (tổ chức, cá nhân) với người thu thuế (các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tư cách là đại diện cho Nhà nước trong quá trình thu thuế) nên bản chất pháp lý của tranh chấp này là tranh chấp hành chính. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp về thuế phải tuân theo trình tự, thủ tục pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan khác.

2. Phương thức tranh chấp về thuế

            2.1. Phương thức Khiếu nại hành chính

        Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 (sau đây gọi là Luật Khiếu nại năm 2011) quy định: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại năm 2011 quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong lĩnh vực thuế xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về thuế khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

             Chủ thể thực hiện quyền khiếu nại về thuế (người khiếu nại): là chủ thể bị tác động bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính về thuế mà họ cho là sai trái.

             Chủ thể bị khiếu nại về thuế (người bị khiếu nại) là cơ quan hay người đã trực tiếp ra quyết định hành chính hay thực hiện hành vi hành chính đó.

  • Đối tượng bị khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính về thuế của cơ quan quản lý thuế, sẽ bao gồm các QĐHC, HVHC trong lĩnh vực thuế như sau:
    • Quyết định ấn định thuế; Thông báo nộp thuế; Quyết định thu thuế, truy thu thuế; b) Quyết định miễn thuế, giảm thuế; Quyết định hoàn thuế; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính trong lĩnh vực thuế ; Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế và các quyết định hành chính khác...
    • Hành vi trong lĩnh vực thuế bị khiếu kiện là hành vi cá nhân, cơ quan có thẩm quyền quản lý thuế hoặc của bộ phận trong cơ quan đó khi giải quyết công việc thuộc phạm vi liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công việc theo quy định của pháp luật về thuế, bao gồm các nội dung như Quyết định hành chính nêu trên, chẳng hạn như: Hành vi thu thuế, truy thu thuế đối với đối tượng chịu thuế (còn nợ thuế hoặc khai man để xử lý thuế) và các hành vi hành động, không hành động khác liên quan đến quản lý hành chính về thuế.

            * Thủ tục khiếu nại

        Căn cứ Luật khiếu nại năm 2011

             Công dân, tổ chức nộp đơn khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính.

             Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì nộp đơn khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

             Trường hợp khiếu nại lần hai mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

            * Cách thức khiếu nại

    • Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
    • Trường hợp người khiếu nại đến trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.


(Các tài liệu khác đính kèm là các văn bản, quyết định hành chính của cơ quan thuế có liên quan)

            * Về thời hiệu khiếu nại

Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Tranh chấp về thuế, phương thức tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực quản lý hành chính về thuế
Tranh chấp về thuế, phương thức tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực quản lý hành chính về thuế.

            2.2. Phương thức Khởi kiện tại Toà án hành chính

  • Khởi kiện vụ án tranh chấp về thuế là việc cá nhân, tổ chức cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan quản lý thuế nên đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền.

            *Chủ thể:

  • Chủ thể thực hiện quyền khởi kiện là những cá nhân, tổ chức cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan quản lý thuế.
  • Thẩm quyền giải quyết vụ án là các Toà án, cụ thể là các toà hành chính theo thẩm quyền.

            *Đối tượng:

  • Đối tượng khởi kiện là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, cơ quan quản lý thuế và các văn bản khác về giải quyết khiếu nại có nội dung liên quan đến QĐHC, HVHC thuế bị khiếu nại.
  • Để khởi kiện vụ án tranh chấp về thuế, công dân phải:
    • Làm đơn khởi kiện. Khoản 1 Điều 118 Luật Tố tụng hành chính năm 2015  quy định về nội dung chính của đơn khởi kiện, gồm:
      • Ngày, tháng, năm làm đơn;
      • Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
      • Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
      • Nội dung quyết định hành chính về thuế
      • Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (đối với trường hợp đã nộp khiếu nại và đã được giải quyết nhưng người khiếu nại chưa thấy thỏa đáng);
      • Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
      • Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
  • Gửi kèm theo các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp:
    • Cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ chứng minh chẳng hạn như như: thông báo thuế, các văn bản chứng minh nghĩa vụ thuế (biên lai thu tiền thuế), giấy tờ liên quan đối với các vụ việc cụ thể như: Thuế sử dụng đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ chứng minh nghĩa vụ tài chính về đất; Thuế thu nhập doanh nghiệp thì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,…
    • Hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu trong hồ sơ giải quyết khiếu nại hành chính đó;Giấy ủy quyền tham gia tố tụng (nếu có);Bản sao có chứng thực hộ khẩu, giấy chứng minh thư nhân dân của người khởi kiện.
  • Tòa án sẽ tiến hành thụ lý giải quyết vụ án hành chính về thuế nếu việc khởi kiện đáp ứng được yêu cầu về tiền tố tụng và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

* Lưu ý:

    • Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của cá nhân; ở phần cuối đơn cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ.
    • Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
    • Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 117 luật TTHC là người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
    • Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
    • Thời hiệu khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính về thuế.
    • Việc giải quyết tranh chấp cần tuân thủ theo trình tự, thủ tục luật định để xác định đúng, sai trong quyết định, hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.
    • Hiện nay, theo pháp luật hiện hành việc giải quyết tranh chấp về thuế theo hai thủ tục: một là thủ tục khiếu nại theo Luật Khiếu nại; hai là thủ tục tố tụng tại Tòa án theo Luật Tố tụng hành chính.

3.Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thuế

  • Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thuế bao gồm:
      • Cơ quan thuế đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khiếu nại;
      • Cơ quan thuế là cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khiếu nại;
      • Tòa án (Tòa hành chính các cấp).
    • Cụ thể:

            3.1.Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế.

      • Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế các cấp được pháp luật quy định tại Khoản 1 ĐIều 72 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTC năm 2017 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế; Luật quản lý thuế sửa đổi và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:như sau:
        • Chi cục trưởng Chi cục Thuế có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
        • Cục trưởng Cục Thuế có thẩm quyền:
        • Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình; của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
        • Giải quyết khiếu nại mà Chi cục trưởng Chi cục Thuế đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại.
        • Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền:
        • Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình; của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
        • Giải quyết khiếu nại mà Cục trưởng Cục Thuế đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.
        • Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền:
        • Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình; của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
        • Giải quyết khiếu nại mà Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại.
      • Lưu ý: Người vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế nào thì cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết.

            3.2.Thẩm quyền xét xử của Toà hành chính các cấp.

  • Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì những khiếu kiện sau thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức…”

  • Theo đó, các khiếu kiện hành chính về thuế sẽ bao gồm các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế.
    • Đối với quyết định hành chính về thuế, có các loại quyết định sau: Quyết định thu thuế; Quyết định truy thu thuế; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính trong lĩnh vực thuế; Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế; Các quyết định hành chính khác.
    • Hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế bị khiếu kiện có thể là  Hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước khi tiến hành thu thuế, truy thu thuế và các hành vi hành chính khác đối với đối tượng chịu thuế.
  • Vì vậy, những loại quyết định hành chính, hành vi hành chính nào thuộc quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính thì sẽ  thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa hành chính.
  • Một vấn đề nữa, Theo Điều 29, 30 Luật TTHC thì
    • TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng địa giới hành chính với TAND cấp huyện đó.
    • TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định cuả TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trên cùng địa giới hành chính với TNND cấp tỉnh đó; Các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thuộc cơ quan, tổ chức trung ương, người có thẩm quyền thuộc các cơ quan này mà người khởi kiện cư trú, làm việc hoặc có trụ sở trên cùng địa giới hành chính với Tòa án đó; Các khiếu kiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh lấy lên giải quyết.
    • Tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định cuả TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
  • Như vậy thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế tại Toà án sẽ thuộc thẩm quyền của Toà hành chính các cấp
  • Ngoài ra, Luật tố tụng hành chính năm 2015 cũng quy định các thủ tục đặc biệt cần áp dụng để giải quyết vụ án hành chính về thuế, bao gồm thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm và tương ứng với thủ tục này cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo luật định.

Tham khảo thêm bài viết:
Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp.

Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.