Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quản lý hành chính nhà nước về đất đai và phương pháp Quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai

Quản lý hành chính nhà nước về đất đai và phương pháp Quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai

17/08/2021


QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

VỀ ĐẤT ĐAI VÀ PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm

2. Phương pháp Quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai

1. Khái niệm:

  • Quản lý nhà nước về đất đai là tổng hợp các hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu nhà nước về đất đai, đó là các hoạt động trong việc nắm chắc tình hình sử dụng đất đai, trong việc phân phối và phân phối lại theo quy hoạch, kế hoạch, trong việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất đai. Lĩnh vực quản lý đất đai là một lĩnh vực rất rộng, trong quá trình quản lý, cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã căn cứ luật đất đai và pháp luật có liên quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
  • Điều 24 Luật đất đai 2013 quy định về các Cơ quan quản lý đất đai, bao gồm:

        “1. Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương.

             Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

             Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.”

             Điều 4 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định chi tiết điều khoản trên, như sau:

             “1. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bao gồm:

             a) Cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường;

             b) Cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường.

2. Cơ quan tài nguyên và môi trường ở địa phương bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai được giao thực hiện một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về đất đai.”

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý đất đai tại địa phương; Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí công chức địa chính xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
  • Qua đó có thể hiểu Quản lý hành chính nhà nước về đất đai là hoạt động hành chính của cơ quan thực thi quyền lực nhà nước để quản lý, điều hành lĩnh vực quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.
  • Quá trình thực hiện quản lý đất đai, nhà nước sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp Thống kê, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp kinh tế ... để quản lý, trong đó có phương pháp hành chính.


Quản lý hành chính nhà nước về đất đai và phương pháp Quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

2. Phương pháp Quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai:

  • Phương pháp hành chính là phương pháp tác động mang tính trực tiếp, phương pháp này dựa vào mối quan hệ tổ chức của hệ thống quản lý, mà thực chất đó là mối quan hệ giữa quyền uy và sự phục tùng. Phương pháp quản lý hành chính về đất đai của Nhà nước là cách thức tác động trực tiếp của Nhà nước đến các chủ thể trong quan hệ đất đai, bao gồm các chủ thể là cơ quan quản lý đất đai của Nhà nước và các chủ thể là người sử dụng đất (các hộ gia đình, các cá nhân, các tổ chức, các pháp nhân) bằng các biện pháp, các quyết định mang tính mệnh lệnh bắt buộc. Nó đòi hỏi người sử dụng đất phải chấp hành nghiêm chỉnh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Trong quản lý nhà nước về đất đai phương pháp hành chính có vai trò to lớn, xác lập được kỷ cương trật tự trong xã hội. Nó kết nối được các hoạt động giữa các bộ phận có liên quan, và giải quyết được các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý một cách nhanh chóng kịp thời.
  • Khi sử dụng phương pháp hành chính, quyền hạn và trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước về đất đai khi ra quyết định, hoặc thực hiện hành vi hành chính (hành động, không hành động) phải trên cơ sở pháp luật quy định về sử dụng quyền hạn đó.
  • Trên cơ sở đó, để việc quản lý hành chính đất đai đạt hiệu quả, các chủ thể quản lý (nêu trên) đã tuỳ vào từng loại việc và trường hợp cụ thể để sử dụng các phương pháp, biện pháp khác nhau để giải quyết và một trong các phương pháp, biện pháp thường được sử dụng đó là việc ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính buộc các chủ thể là người sử dụng đất phải chấp hành quy định pháp luật về đất đai.
  • Vậy Quyết định hành chính, Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu qua nội dung dưới đây:
    • Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai.
    • Quyết định hành chính trong quản lý đất đai, bao gồm:
      • Quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
      • Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
      • Cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
      • Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
    • Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là hành vi (hành động hoặc không hành động) của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của Luật Đất đai.
  • Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu kiện là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi quy định tại những trường hợp trên.

Tham khảo thêm bài viết:
Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp.

Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.