Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những điểm mới của BLHS năm 2015 về tội phạm xâm hại trẻ em

Những điểm mới của BLHS năm 2015 về tội phạm xâm hại trẻ em

10/08/2021


NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA BLHS NĂM 2015
VỀ TỘI PHẠM XÂM HẠI TRẺ EM

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Các quy định mớicủa BLHS năm 2015 về tội xâm phạm sức khỏe của trẻ em

1.1. Quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em (Điều 134 BLHS năm 2015)

1.2. Quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em (Điều 138 BLHS năm 2015)

1.3. Quy định về tội hành hạ người khác là trẻ em (Điều 140 BLHS năm 2015)

2. Quy định của BLHS năm 2015 về tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của trẻ em

2.1. Quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS năm 2015)

2.2. Quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS năm 2015)

2.3. Quy định về tội làm nhục người khác là trẻ em (Điều 155 BLHS năm 2015)

1. Các quy định mớicủa BLHS năm 2015 về tội xâm phạm sức khỏe của trẻ em

1.1. Quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em (Điều 134 BLHS năm 2015)

  • Một là, Điều 134 BLHS năm 2015 bổ sung thêm các tình tiết định tội trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội này, đó là: “Dùng vũ khí, vật liệu nổ; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; trong thời gian đang bị giữđang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Điểm mới này vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi phạm tội có sử dụng các công cụ, phương tiện nêu trên, vừa góp phần xử lý nghiêm người phạm tội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.

   Trong thời gian qua, nhiều vụ xâm hại trẻ em có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm. Hành vi phạm tội này vừa thể hiện tính dã man, tàn bạo của người phạm tội, vừa có khả năng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây tâm lý hoảng sợ cho nạn nhân và làm mất trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, người đang bị giữ là “người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; đã thực hiện tội phạm hoặc bị nghi thực hiện tội phạm”, nếu người này còn có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là của trẻ em, chứng tỏ họ có ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Do đó, họ phải bị xử lý nặng hơn so với trường hợp thông thường. Đối với người “đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là người có nhân thân xấu, có tiền án, tiền sự, lại đang trong thời gian giáo dục, cải tạo lại tiếp tục phạm tội, chứng tỏ ý thức cải tạo kém. Vì vậy, việc trừng trị nghiêm người phạm tội trong trường hợp này là rất cần thiết.

  • Hai là, Điều 134 BLHS năm 2015 đã: (i) Bổ sung thêm tình tiết tăng nặng định khung trong cấu thành tội phạm tăng nặng thứ nhất của tội này, đó là: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm” (khoản 2)(ii) Bổ sung thêm tình tiết tăng nặng định khung trong cấu thành tội phạm tăng nặng thứ hai của tội này, đó là: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này” (khoản 3). Quy định này vừa bảo đảm phân hóa cao trách nhiệm hình sự, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, vừa không bỏ lọt các trường hợp phạm tội nguy hiểm.
  • Ba là, Điều 134 BLHS năm 2015 đã bổ sung tình tiết “Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” (điểm b khoản 4) là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều vụ gây thương tích vào mặt để lại di chứng, hậu quả rất nặng nề về tâm lý và thể chất của người bị hại. Vì vậy, việc bổ sung quy định này nhằm xử lý nghiêm khắc hơn, tăng cường tính răn đe đối với các trường hợp cố ý gây thương tích ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng khác trên vùng mặt của người khác, nhất là thẩm mỹ và chức năng khác trên vùng mặt của trẻ em.

1.2. Quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em (Điều 138 BLHS năm 2015)

  • Một là, khoản 2 và khoản 3 Điều 138 BLHS năm 2015 đã bổ sung hai cấu thành tội phạm tăng nặng, cụ thể là:“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”. Quy định này vừa nhằm xử lý nghiêm khắc hơn hành vi phạm tội trong các trường hợp nêu trên, vừa phân hóa rõ hơn trách nhiệm hình sự của người phạm tội và tương xứng hơn với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
  • Hai là, khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 đã sửa tình tiết định tội “vô ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên” trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội này được quy định tại khoản 1 Điều 108 BLHS năm 1999 (vì tình tiết này có thể bao gồm cả trường hợp “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”) thành “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” (tình tiết này không bao gồm trường hợp “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” vì trường hợp “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” sẽ bị xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 với hình phạt cao hơn là “tù từ 03 tháng đến 02 năm”[1]). Quy định này vừa nhằm xử lý nghiêm khắc hơn hành vi phạm tội “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, vừa phân hóa rõ hơn trách nhiệm hình sự của người phạm tội và tương xứng hơn với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (giữa trường hợp “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” với trường hợp “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”).

Những điểm mới của BLHS năm 2015 về tội phạm xâm hại trẻ em
Những điểm mới của BLHS năm 2015 về tội phạm xâm hại trẻ em.

1.3. Quy định về tội hành hạ người khác là trẻ em (Điều 140 BLHS năm 2015)

  • Một là, Điều 140 BLHS năm 2015 đã: (i) Bỏ hình phạt cảnh cáo, tăng mức cao nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ từ “một năm” lên thành “03 năm”; bổ sung hành vi phạm tội “hoặc làm nhụcngười lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này” vào cấu thành tội phạm cơ bản của tội này; (ii) Bổ sung vào khoản 2 Điều này tình tiết tăng nặng định khung “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% tr lên. Quy định này vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa nhằm xử lý nghiêm khắc hơn hành vi phạm tội trong các trường hợp nêu trên, phân hóa rõ hơn trách nhiệm hình sự của người phạm tội và tương xứng hơn với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.
  • Hai là, Điều 140 BLHS năm 2015, tuy bỏ tình tiết tăng nặng định khung “phạm tội đối với người tàn tật”, nhưng lại bổ sung tình tiết tăng nặng định khung “phạm tội với người ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ” (điểm a khoản 2). Quy định này vừa nhằm mở rộng đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt, vừa nhằm xử lý nghiêm minh người phạm tội trong các trường hợp này và bảo vệ có hiệu quả hơn những người “yếu thế”, nhất là bảo vệ có hiệu quả hơn sức khỏe của trẻ em.

2. Quy định của BLHS năm 2015 về tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của trẻ em

2.1. Quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS năm 2015)

  • Một là, khoản 2 và khoản 3 Điều 142 BLHS năm 2015đã bổ sung 02 tình tiết tăng nặng định khung “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” và “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”. Đối với hai tình tiết tăng nặng định khung này đòi hỏi hậu quả bắt buộc là làm cho nạn nhân bị tâm thần hoặc có những biểu hiện hành vi không ổn định, diễn biến tâm lý bất thường với tỷ lệ nhất định từ 31% trở lên và việc xác định tỷ lệ % phải do cơ quan giám định pháp y kết luận. Việc bổ sung 02 tình tiết tăng nặng định khung trong tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, không những nhằm xử lý nghiêm người phạm tội trong các trường hợp này, mà còn góp phần ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em và bảo vệ có hiệu quả hơn người dưới 16 tuổi.
  • Hai là, khoản 3 Điều 142 BLHS năm 2015 còn bổ sung tình tiết tăng nặng định khung “phạm tội đối với người dưới 10 tuổi” vào, với khung hình phạt “tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Quy định mới này không những phân hóa rõ hơn trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người dưới 10 tuổi (so với các trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 10 tuổi đến dưới 13 tuổi) nhằm xử lý nghiêm người phạm tội trong các trường hợp này mà còn góp phần ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em và bảo vệ có hiệu quả hơn người dưới 10 tuổi.

2.2. Quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS năm 2015)

  • Đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, khoản 2 và khoản 3 Điều 146 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết tăng nặng định khung có tính định tính là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 2 và khoản 3 Điều 116 BLHS năm 1999, thành các tình tiết tăng nặng định khung có tính định lượng là “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” và “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” và “làm nạn nhân tự sát”. Việc sửa đổi này không những bảo đảm tính thống nhất và tương thích giữa các điều luật trong BLHS, mà còn khắc phục được hạn chế của BLHS năm 1999 trong phân loại hậu quả thành nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến khó hiểu hoặc hiểu không thống nhất, gây ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng các tình tiết này trong thực tiễn.

2.3. Quy định về tội làm nhục người khác là trẻ em (Điều 155 BLHS năm 2015)

       Đối với tội làm nhục người khác là trẻ em, khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm tình tiết tăng nặng định khung “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ thời gian qua đã thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, không ít người đã sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội nói chung và phạm tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của trẻ em nói riêng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác. Với đặc điểm của những phương tiện này khiến các thông tin được phát tán nhanh chóng, trên phạm vi rộng gây tổn hại nhân phẩm, danh dự của nạn nhân là đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc BLHS năm 2015 bổ sung tình tiết tăng nặng định khung này không những nhằm xử lý nghiêm người phạm tội mà còn bảo vệ có hiệu quả hơn nhân phẩm, danh dự của con người nói chung và nhân phẩm, danh dự của trẻ em nói riêng./.

Xem thêm:
Tui chu trách nhim hình s và ch th đặc bit ca ti phm.
Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.

Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Án phí trong v án hình s.

  • Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.